Có thể xem xét đó là hành vi cố ý giết người
Hình ảnh nhóm người đánh đập dã man một nam thanh niên ngay trên phố khi người này không có khả năng kháng cự đang gây phẫn nộ trong dư luận. (Ảnh cắt ra từ clip) |
Như Báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin, vào chiều ngày 24/11, trên đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân (Hà Nội) xảy ra một vụ ẩu đả kinh hoàng. Theo những hình ảnh camera ghi lại, nhóm thanh niên gồm 3 người ăn mặc khá lịch sự đã quây đánh một nam thanh niên khác “gục” ngay tại chỗ. Điều đáng nói ở đây là dù nam thanh niên này không có khả năng kháng cự, đã bị đạp nằm im xuống đường nhưng nhóm người trên vẫn tiếp tục lao vào đập gạch vào đầu, hành hung man rợ.
Theo những người dân sống gần đó cho biết, có hai nhóm thanh, mỗi nhóm 3 người mâu thuẫn với nhau rồi xảy ra gây gổ. Hiện công an quận Thanh Xuân đang điều tra làm rõ vụ việc. 5 người liên quan đã được triệu tập, trừ nam thanh niên bị đánh nằm gục dưới đất thì hiện đang điều trị tại bệnh viện.
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật, Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng VP Luật sư Đức Thịnh cho rằng. Trong trường hợp trên, người bị đánh không có khả năng kháng cự, đã nằm bất động nhưng nhóm thanh niên vẫn tiếp tục lao vào hành hung, đánh đập không thương tiếc, có thể xem xét đó là hành vi cố ý giết người.
Luật sư tiến cho rằng, những hành vi trên của nhóm thanh niên hoàn toàn trái ngược với bản tính truyền thống con người Việt Nam. Ông nói: “Người Việt mình vốn dĩ tính cách rất hiền hòa, thương yêu, giúp đỡ lần nhau. Kể cả trong trường hợp mâu thuẫn thì người Việt trước kia cũng xử lí rất đàng hoàng, quân tử, đó là ra đánh nhau “tay bo, một chọi một”, ai khỏe hơn thì người ấy thắng... Giờ thì không còn như thế nữa.”.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến |
"Luật nhà", "luật rừng"... được mang ra sử dụng nhiều hơn.
Chia sẻ thêm về đạo đức con người trong xã hội ngày này, luật sư Tiến tỏ ra buồn bã. Theo ông, nguyên nhân khiến cho một bộ phận con người sông trong xã hội ngày càng dã tâm, vô cảm và man rợ thì có nhiều. Do môi trường sống, do phân hóa giàu nghèo, do giáo dục ở gia đình, nhà trường chưa tốt….và phần nhiều là do pháp luật chưa đi sâu, đi sát vào nhân dân.
Ông ví dụ, hiện nay phần lớn là khi đánh nhau, xô xát xong rồi mới thấy công an có mặt. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng của công an là phải phát hiện ra khi sự việc đang nhén nhóm. Có nhiều vụ hai gia đình là hàng xóm quanh năm mâu thuẫn, cãi vã với nhau, rồi đùng một cái người nhà này cầm dao đấm chết người nhà kia. Như vậy là vai trò của công an, của chính quyền rõ ràng chưa tốt.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nói: “Đánh nhau xong, người chết, người bị thương nằm đó rồi công an mới tới là chuyện thường, tôi chứng kiến nhiều vụ như vậy rồi. Nhưng giờ có kiểu khi xong việc rồi, người dân đến báo cơ quan chức năng thì có một số vụ công an cũng làm không đến nơi đến chốn, không trung thực, giải quyết nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia, thiếu vô tư khách quan”.
Theo ông, đây là nguyên nhân dẫn đến việc tại sao giờ người dân khi có mâu thuẫn xảy ra ít nhờ đến chính quyền can thiệp. Do đó, "luật nhà", "luật rừng"... được mang ra sử dụng nhiều hơn.
Luật sư Tiến nhận định.“Nếu pháp luật không nghiêm, ảnh hưởng của pháp luật đến xã hội không nhiều thì con người sẽ tự xử với nhau ngày càng nhiều hơn”.
Ông cũng chia sẻ đã từng đi rất nhiều nước, sống ở những nước đó thời gian dài nhưng hiếm thấy nước nào con người lại cử xử với nhau dã man như trong vụ việc nói trên. Luật sư Tiến nói: “Ở những nước tôi đến họ rất văn minh, lịch sự. Có mẫu thuẫn cùng lắm là cãi vã, chửi bới nhau một lúc rồi thôi. Ở Việt Nam, có thể kể ra nhiều vụ việc như chỉ mất con gà cũng giết chết hàng xóm, ra đường va chạm nhẹ cũng nhảy xuống đâm chết người ta luôn...”.