Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã tổ chức hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người”.
Theo thống kê của IOM, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới, trong đó ASEAN là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn buôn bán người nhức nhối nhất. Trong số 2,5 triệu người bị buôn bán thì đa phần đến từ Châu Á - Thái Bình Dương.
Cuối năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Công ước ASEAN về mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP). Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước này vào cuối năm 2016.
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Ban tổ chức) |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Việc buôn bán người tại Việt Nam diễn ra rất tinh vi, thông qua các hình thức như xuất khẩu lao động, du lịch, cưới chồng, đi du học...
Theo tổng điều tra, rà soát năm 2016, trong 5 năm (2010-2015), Việt Nam có 2.596 trường hợp, trong đó có 1.162 nạn nhân; 1.414 người nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên trở về cùng nạn nhân.
Các địa phương có nhiều nạn nhân nhất là Sơn La (367 người), Lào Cai (267), Nghệ An (263). Có tới 97% người bị buôn bán là phụ nữ.
Qua phân tích cho thấy tới 68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa lập gia đình. Hầu hết nạn nhân đều có kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo (chiếm 84%), 71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp.
Đa phần nạn nhân không biết chữ hoặc chỉ học xong tiểu học. Có 98% nạn nhân bị mua bán người ra nước ngoài, trong đó 90% là sang Trung Quốc.
“Đa phần các trường hợp buôn bán đều nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục (chiếm 80% nạn nhân). Có tới 60% nạn nhân được giải cứu hoặc trao trả song phương, chỉ có 40% là tự tìm được cách trở về”, ông Lê Đức Hiền cho biết.
Việt Nam vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp. |
Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai đề án “Tiếp nhận xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Theo đó, tất cả các nạn nhân khi trở về có khai báo và được hỗ trợ ban đầu về tâm lý và hòa nhập cộng đồng; đồng thời triển khai mô hình hỗ trợ sinh vế tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An…
Theo đại diện Bộ Công An, ở Việt Nam, tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức và có yếu tố nước ngoài; tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càn cao.
Việc trở thành thành viên Công ước ACTIP có tác động tích cực đối với Việt Nam và khu vực ASEAN, mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Do đó, để triển khai Công ước ACTIP, bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp, Chính phủ phân công trách nhiệm cho các bộ ngành, cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Công ước; đồng thời xây dựng các đề án nghiên cứu về hoạt động điều tra đặc biệt, hợp tác quốc tế trong điều tra hình sự, tăng cường ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, song phương trong lĩnh vực thương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ.