Bỏ học giữa chừng do muốn đi làm sớm phụ giúp gia đình hoặc muốn chạy theo những cái lợi nhỏ trước mắt khiến nhiều lãnh đạo trường trung cấp băn khoăn, lo lắng về tương lai của các em học sinh này cũng như chất lượng nguồn lao động cho thị trường hiện nay.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cam Ranh cho hay, cũng giống như nhiều trường trung cấp khác, trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Trường Trung cấp nghề Cam Ranh có thuận lợi do nhận được nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước như chính sách phân luồng, miễn học phí đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung cấp,…
Học sinh Trường Trung cấp nghề Cam Ranh trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở năm học 2022-2023 (Ảnh: Website nhà trường). |
Bên cạnh đó, trường cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Khánh Hòa; Lãnh đạo, các thầy cô ở các trường trung học cơ sở, lãnh đạo các xã, phường, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn,… luôn đồng hành với nhà trường trong công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh;
Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường luôn năng động, nhạy bén, linh hoạt, tâm huyết với sự phát triển của nhà trường, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, trường vẫn gặp phải những khó khăn khi thực hiện tuyển sinh.
Trước hết, về nguyên nhân khách quan, do vị trí của trường nằm khá xa trung tâm thành phố, lại ở khu vực dân cư thưa thớt, không có phương tiện công cộng (xe buýt) để đi lại. Chính vì vậy, trường khó thu hút được nhiều học sinh đăng ký học.
Bởi, thường các em lựa chọn trường trung cấp chỉ vừa mới tốt nghiệp cấp trung học cơ sở, ở khoảng 15 tuổi, do còn còn nhỏ tuổi như vậy nên nhiều phụ huynh không muốn con em mình phải đi lại hàng ngày với khoảng cách xa.
Không những vậy, nhận thức của một bộ phận người dân, học sinh về giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đầy đủ. Thậm chí, một số người dân chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt, không chú ý đến tương lai của con cái nên sau khi con học xong trung học cơ sở, đã bắt các em phải nghỉ học để đi lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Về nguyên nhân chủ quan, cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, chưa có ký túc xá cho học sinh xa nhà ở lại.
Bên cạnh đó, xét trên phương diện chung, công tác tuyển sinh của các trường trung cấp hiện nay có một số khó khăn như nhận thức của người dân về học nghề còn hạn chế; nhiều người dân không hiểu về những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung cấp;
Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của một số địa phương chưa thực hiện tốt; một số địa phương mở thêm các trường trung học phổ thông nên nguồn tuyển sinh cho các trường trung cấp càng bị thu hẹp;
Việc tuyển sinh hệ đại học khá dễ dàng, nhiều phụ huynh, học sinh còn nặng nề trong vấn đề bằng cấp nên ít lựa chọn học trung cấp; Chất lượng đào tạo của một số trường trung cấp còn chưa cao, máy móc, thiết bị dạy học còn thiếu thốn, lạc hậu nên chưa thu hút được người học.
Những khó khăn này khiến các trường trung cấp gặp nhiều vướng mắc trong công tác tuyển sinh, không tuyển đủ chỉ tiêu, là nguyên nhân dẫn đến thực trạng học sinh vào học được một thời gian lại bỏ học.
Thầy Nguyễn Anh Dũng cho hay, tình trạng học sinh học trung cấp bỏ học ngày càng có xu hướng gia tăng là có thật và tại Trường Trung cấp nghề Cam Ranh cũng có tình trạng đó.
Theo ông Dũng, tình trạng này xảy ra là do chất lượng đầu vào của các trường trung cấp còn thấp.
“Nhiều trường trung cấp hiện nay tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, cho nên dẫn đến tình trạng là học sinh nộp hồ sơ thì chắc chắn trúng tuyển. Các trường trung cấp mất đi cơ hội để sàng lọc học sinh ngay từ giai đoạn đầu tiên”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số em có học lực rất yếu, không đủ sức để theo học tiếp nên đã bỏ học hoặc là học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm kỷ luật nên bị buộc thôi học; có những trường hợp do không có nhu cầu, động lực học tập nên các em dễ chán nản và bỏ học giữa chừng khi bạn bè rủ rê hay gia đình ép buộc; một số em do có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình,...
Ngoài ra, cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp do còn hạn chế, chưa đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng đào tạo thấp nên không thu hút, giữ được người học.
Cũng theo thầy Nguyễn Anh Dũng, để khắc phục tình trạng trên, Trường Trung cấp nghề Cam Ranh đã thực hiện một số giải pháp.
Thứ nhất là, nâng cao hiệu quả công tác giáo viên chủ nhiệm. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi với học sinh, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có giải pháp xử lý;
Thứ hai là, đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng thực hành, thực tập, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo và sự hấp dẫn đối với người học;
Thứ ba là, tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy học. Đối với những nội dung lớn, vượt quá khả năng, nhà trường đã có văn bản trình cấp trên để đề xuất đầu tư;
Thứ tư là, phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giáo dục, vận động học sinh đi học đầy đủ;
Thứ năm là, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh.
Không đỗ vào các trường trung học phổ thông, nhiều phụ huynh vẫn còn suy nghĩ thà học nghề chứ không học văn hóa nên chọn vào các trung tâm giáo dục thường xuyên
Trong khi đó, theo thầy Phạm Văn Mười, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tháp Mười, tỉ lệ học sinh nghỉ học giữa chừng của trường rơi vào khoảng 10-20% tùy từng khóa. Thậm chí, do độ tuổi của các em khi học trung cấp chỉ khoảng 15 -17 tuổi, độ tuổi còn thiếu sự chín chắn nên có trường hợp chỉ còn vài tháng nữa là ra trường nhưng vẫn bỏ học.
Học sinh Trường Trung cấp Tháp Mười khóa 2020-2022 trong buổi thi tốt nghiệp cuối khóa (Ảnh: Website nhà trường). |
Thầy Phạm Văn Mười cho hay, khi có trường hợp học sinh nào nghỉ học giữa chừng xảy ra, lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô luôn cố gắng gặp gỡ, trao đổi với các em và phụ huynh để tìm hiểu về nguyên nhân.
Theo đó, đối với những trường hợp nào nghỉ học do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên phải đi làm phụ giúp gia đình, trường luôn vận động các em cùng phụ huynh như tạo điều kiện về học bổng, vận động mạnh thường quân hỗ trợ; trao đổi với phụ huynh và học sinh về việc không có bằng cấp chuyên nghiệp sẽ gây ra những hạn chế về tương lai, khó có thể có công việc tốt bởi các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài hầu như đều yêu cầu về bằng cấp chuyên nghiệp. Nhờ vậy, đã có một số em quay trở lại tiếp tục học tập.
Bên cạnh đó, trường đã nỗ lực tạo một môi trường học tập tốt cho các em qua việc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa; chú trọng về công tác quản lý học sinh; nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.