Hiệu trưởng trường nghề chỉ rõ những lý do khiến HS "rơi rụng" giữa chừng

02/08/2023 06:38
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Với tỉ lệ học sinh bỏ học lên đến 35%/năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đang nỗ lực thực hiện công tác tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và mục tiêu nâng cao số lượng học sinh sau trung học vào học nghề.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng để tăng lượng người học vào trường, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn đang phải đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng rất cao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Cao Văn Thích, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho hay, về công tác tuyển sinh, trường nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của đơn vị chủ quản Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh An Giang, chính quyền, đoàn thể các cấp và phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống) cùng tập thể nhà trường luôn đồng thuận, quyết tâm thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo và hiệu quả trong giải quyết việc làm của nhà trường được nâng cao dần qua các năm đã làm thay đổi phần nào đến sự quan tâm của học sinh và phụ huynh học sinh về lợi ích và tầm quan trọng của học nghề.

Năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển sinh được 267/700 học sinh, đạt 38% chỉ tiêu được giao.

Học sinh Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang trong tiết học thực hành (Ảnh: Website nhà trường).

Học sinh Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang trong tiết học thực hành (Ảnh: Website nhà trường).

Dù đạt được kết quả như vậy trong công tác tuyển sinh thế nhưng, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang phải đối mặt với tỉ lệ học sinh bỏ học tương đối cao mỗi năm. Theo thầy Cao Văn Thích, tỉ lệ học sinh bỏ học của nhà trường rơi vào khoảng 30% đến 35% trong năm thứ nhất và khoảng 10 - 15% ở năm học thứ 2.

Do đó, cũng như các trường trung cấp khác trên địa bàn, để giải quyết tình trạng tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là vấn đề rất khó khăn và cần phải có sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và ban, ngành đoàn thể địa phương cùng với ý thức của học sinh.

Thầy Cao Văn Thích cho rằng, nguyên nhân học sinh ở trường trung cấp bỏ học giữa chừng là do các em có trình độ đầu vào thấp, và lựa chọn học nghề là quyết định sau cùng khi không đậu vào các trường trung học phổ thông khi đã tốt nghiệp cấp trung học cơ sở.

Hơn nữa, nhiều em vẫn chưa có định hướng ngành nghề phù hợp với bản thân, việc lựa chọn học nghề chủ yếu phụ thuộc vào phụ huynh.

Bên cạnh đó, Tri Tôn là huyện nghèo, đời sống kinh tế gia đình của đa số người dân còn nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh cho con em tham gia lao động sớm hoặc một số em không muốn học tiếp để phụ giúp gia đình sau khi hoàn thành xong chương trình lớp 9; một số khác chưa ý thức được lợi ích và tầm quan trọng của học nghề.

Đặc biệt, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng học sinh nghiện game online, dành nhiều thời gian theo dõi các trang mạng xã hội dẫn đến sao lãng việc học, chán học.

Ngoài ra, một số giáo viên chưa năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy nên chưa thể thu hút, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Để có thể hạn chế được tình trạng học sinh “rơi rụng”, Phòng Công tác học sinh – Quan hệ doanh nghiệp của nhà trường đã luôn cố gắng thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng học sinh về lợi ích của học nghề, tạo điều kiện để học sinh chuyển đổi nghề trong học kỳ đầu của khóa học.

Không những vậy, hàng năm, nhà trường luôn tổ chức cho học sinh tham quan doanh nghiệp, phiên giao dịch việc làm… để các em có định hướng về việc làm sau tốt nghiệp cũng như giúp các em phấn đấu hơn trong học tập.

Hơn nữa, về phía nhà trường, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang đã nỗ lực nâng cao vai trò công tác lãnh đạo khoa, công tác chủ nhiệm lớp trong việc quan tâm, tư vấn hỗ trợ đối tượng học sinh yếu thế.

Ngoài ra, trường còn thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo để học sinh chủ động hơn trong học tập; Huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường nhằm hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Cao Văn Thích cũng cho rằng, các nhà trường cần phối hợp với địa phương thực hiện việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, học sinh về vai trò của giáo dục đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là gia đình cần thường xuyên quan tâm đến việc học của con em, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Đáng nói, các trường nghề tư thục vốn không có nhiều sự quan tâm, đầu tư, chính sách hỗ trợ như các trường công lập. Tuy nhiên, theo lãnh đạo trường trung cấp nghề tư thục chia sẻ, với mức học phí phải trả cao hơn nên người học thường thể hiện mục tiêu học tập rõ ràng, họ không phải đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Chia sẻ từ thầy Hoàng Ngọc Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (Khánh Hòa) cho hay, khó khăn trong tuyển sinh của các trường trung cấp hiện nay là phải đối mặt với sự phát triển ngày càng nhiều các cơ sở giáo dục đại học với sự đa dạng của các phương thức xét tuyển, đa dạng cách thức đào tạo; nhiều học sinh lựa chọn học hệ trung cấp trong trường cao đẳng do chỉ tốn thêm một năm để học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.

Thế nhưng, bên cạnh những khó khăn chung trên, các trường trung cấp tư thục như Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa còn phải đối mặt với có sự chênh lệch đáng kể giữa các trường nghề công lập và trường nghề tư thục hiện nay.

Thầy Dũng bày tỏ, hầu như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay dù là công hay trường tư đều thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và xã hội của địa phương.

Khi theo học tại trường trung cấp công lập, các em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được miễn học phí cùng nhiều quyền lợi và trợ cấp mỗi tháng. Thế nhưng, khi lựa chọn học tại trường trung cấp tư thục, các em sẽ không nhận được những khoản hỗ trợ này, mà phải đóng học phí với mức thấp nhất vào khoảng 1.500.000 đồng/tháng. Điều này đã gây ra khó khăn tuyển sinh cho các trường trung cấp tư thục.

Đáng nói, dù tuyển sinh khó khăn hơn, nhưng do phải chi trả học phí nên người học đã lựa chọn vào các trường nghề tư thục thường là những em đã có mục tiêu, định hướng học tập rõ ràng. Vậy nên, trường không phải đối mặt với tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng như các trường trung cấp công lập.

Để khắc phục việc hạn chế về số lượng khi tuyển sinh của mình, thầy Dũng cho biết, trường đã xây dựng cho mình chương trình đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, sát với thực tế để đào tạo nguồn lao động có chất lượng.

Với sự nỗ lực của mình, trường đã có những đơn đặt hàng nguồn lao động từ các doanh nghiệp nước ngoài như các nghề hàn, nấu ăn, chăm sóc sức khỏe gia đình,… với mức lương tối thiểu từ 20 triệu đồng/tháng.

Khi tham gia học các chương trình này, học sinh sẽ vừa được học tiếng, vừa được đào tạo nghề để sau khi tốt nghiệp có thể đi làm ngay, đáp ứng yêu cầu của nơi sử dụng lao động tại nước ngoài. Bên cạnh đó, trường cũng tập trung đào tạo thêm những khóa học ngắn hạn.

Khánh An