“Con bà nghiện thế, bà chết đi chứ sống làm gì”

12/03/2014 09:07
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - “Gần 7 năm, chưa bao giờ mẹ ngừng khóc. Mỗi một lần mẹ tôi đi chợ, cả chợ đều nói rằng thôi bà chết đi chứ con bà nghiện ma túy thế thì bà sống làm gì"

13 năm đấu tranh với ma túy

Ông Lê Trung Tuấn, sáng lập viên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lí cho người nghiện ma túy (viết tắt là PSD) từng nghiện ma túy 6 năm. Trải qua những ngày tháng khổ đau cùng cực, vật lộn hơn 13 năm đấu tranh với ma túy, nay ông đã tìm cho mình một “nẻo về” bình an.

Khi trở lại vui sống cùng cộng đồng, ông trăn trở nghĩ về những ngày tháng qua, về những con người đang hàng ngày lao đầu vào cái chết trắng để rồi hủy hoại bản thân, gia đình và gây nên nhiều vấn nạn cho toàn xã hội.

Ông Lê Trung Tuấn (bên trái) đang trò chuyện với một "người đặc biệt" tại một trung tâm cai nghiện
Ông Lê Trung Tuấn (bên trái) đang trò chuyện với một "người đặc biệt" tại một trung tâm cai nghiện

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Tuấn nhận định, hiện nay cách thức tuyên truyền tới người dân về sự nguy hại của ma túy chưa thực sự sâu sắc. Xã hội cũng chưa cảnh tỉnh rõ về tác hại của ma túy. Đặc biệt, thanh thiếu niên chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sống để có thể tránh xa ma túy.

Ông cho biết thêm, thống kê trong hai tháng qua mà PSD tiến hành khảo sát tại các Trung tâm giáo dục xã hội cho đối tượng sử dụng ma túy, thì 90% các học viên sau khi ra khỏi trung tâm đều tái nghiện, có học viên tái nghiện 6, 7 lần.

“Đây là một con số lớn, đáng lo ngại. Điều này cho thấy chúng ta chưa có biện pháp cai nghiện cho những người sử dụng ma túy một cách bền vững. Trong khi đó, sự kỳ thị những người sử dụng ma túy trong xã hội còn rất cao. Đây là rào cản lớn với người nghiện trong quá trình cai nghiện” – ông Tuấn trăn trở.

Với “kinh nghiệm” 6 năm nghiện ma túy, hơn 13 năm qua ông Tuấn đã nghiên cứu rất sâu, tham vấn nhiều chuyên gia tâm lí. Sau khi tìm hiểu trên nhiều người nghiện và nghiên cứu tài liệu thấy được, đó là một căn bệnh về não bộ mãn tính.

Vậy, đã là bệnh liên quan đến não bộ, thần kinh thì cách để cai nghiện theo ông Tuấn chỉ có hai con đường.

Ngoài những bài thuốc cắt cơn, giải độc cơ thể thì cần một quá trình trị liệu lâu dài về mặt tâm lí cho những người đang cai nghiện.

Và cũng từ việc nghiên cứu tâm lí của người sử dụng ma túy, những con đường mà họ đã vấp phải, trung tâm đưa ra những pháp đồ, dự án phòng chống cụ thể ma túy với từng trường học.

Thời gian qua, trung tâm đã nghiên cứu tại gần 15 trường học, tiếp xúc với trên 10 nghìn học sinh với bối cảnh trường học, địa lý khu vực cũng hoàn toàn khác nhau. Bởi thế nên ông Tuấn cho rằng, cách tuyên truyền của chúng ta từ trước đến giờ chưa được phù hợp.

Bố không ngẩng mặt nổi với xã hội vì có thằng con nghiện

Ông Tuấn cho rằng, hiện nay sự kỳ thị của xã hội với người nghiện ma túy vẫn vô cùng lớn. 

Ông chia sẻ: “Hơn 6 năm trời, bố tôi là phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh nhưng chưa bao giờ ông ngẩng mặt nổi với xã hội. Một người lính trải qua hai kỳ kháng chiến vẫn bị đấu tố bởi chính những người cựu chiến binh, những đồng đội của mình chỉ vì ông có thằng con nghiện ma túy. Mẹ tôi gần 7 năm, chưa bao giờ mẹ không khóc. Mỗi một lần mẹ tôi đi chợ, cả chợ đều nói rằng thôi bà chết đi chứ con bà nghiện ma túy thế thì bà sống làm gì”.

Và cũng chính vì sự kỳ thị đó, ông Tuấn đã quyết tâm cai nghiện và sau đó nghiên cứu, tìm hiểu làm thế nào để xã hội hiểu và cảm thông hơn đối với những người nghiện ma túy.

Ông cho rằng: “Thực ra rất nhiều người đã cố gắng hết sức. Trên nẻo về đó, đừng ai nghĩ rằng họ đã không đi cai, không quyết tâm”.

Và theo ông, đã là bệnh não bộ mãn tính thì họ cần phải có pháp đồ điều trị tâm lí thích hợp mới có thể thành công. 

Cũng trong cuộc trao đổi với PV, ông Tuấn đưa ra một thông tin đáng buồn đó là qua khảo sát, thì ma túy đá gần như đã len lỏi vào tất cả các trường học.

Ông lí giải nguyên nhân, vì sao nhiều ông bố bà mẹ không phát hiện được bởi ma túy đá không có những triệu chứng lâm sàng như heroin. Bởi theo ông, việc phát hiện một người có sử dụng ma túy đá hay không là rất khó khăn.

Ông Tuấn cho biết: “Người sử dụng ma túy đá gần như là một người bình thường. Nó chỉ được phát hiện khi có các biểu hiện như; đêm có nhiều cháu tự nhiên chăm học đột biến, học thông luôn 2, 3 ngày không cần ngủ”.

Cũng theo nghiên cứu từ trung tâm và của các chuyên gia, người sử dụng ma túy đá sẽ bị ức chế toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương và ảnh hưởng đến não bộ. Khi đó, người sử dụng ma túy đá không có triệu chứng thèm ngủ, họ có thể làm việc suốt ngày đêm. Nhưng chỉ sau 2 -3 ngày họ sẽ ngủ bù lại những ngày trước.

Chỉ đến khi sử dụng nhiều, sau 2, 3 năm, hệ thần kinh và não bộ bị phá hủy, lúc đó xảy ra trường hợp sẵn sàng cầm dao đi giết người vì tưởng rằng đó là trăn tinh. Khi đó, bố mẹ mới choáng váng nhận ra con mình đã sử dụng ma túy.

Độc hại của ma túy đá vượt trên 20 - 30 lần so với heroin thông thường

Một nguyên nhân nữa, theo ông Tuấn là do cách tuyên truyền của những người buôn bá ma túy đá. Họ luôn nói rằng, ma túy đá không gây nghiện. Nhưng qua nghiên cứu và bằng nhiều tài liệu tham khảo cho thấy, sự nguy hiểm, độc hại của ma túy đá vượt trên 20 - 30 lần so với heroin thông thường.

Ca sĩ “ngáo đá”, nghĩ người yêu là yêu tinh nên đã cắt chân, tay người tình khi đang ân ái
Ca sĩ “ngáo đá”, nghĩ người yêu là yêu tinh nên đã cắt chân, tay người tình khi đang ân ái

Ông Tuấn chia sẻ thêm một số thông tin hữu ích cho các ông bố, bà mẹ khi phát hiện con mình sử dụng ma túy đá.

Theo ông, đa phần các bậc phụ huynh khi nhìn thấy con sử dụng ma túy là nghĩ “con tôi nghiện rồi”. Vậy là ngay lập tức đưa con đi các trại để cai nghiện.

Nhưng theo ông, không phải đứa trẻ nào sử dụng vài lần cũng nghiện. Trong trường hợp cháu bé đó chưa nghiện, nhưng vì bố mẹ thiếu bình tĩnh, đưa ngay đi trại, điều này đã vô tình đẩy các cháu đến bước nghiện thật sự.

Ông Tuấn lí giải, ở Việt Nam vì điều kiện chưa cho phép nên hầu hết các trại viên đều phải ở chung phòng. Một người tuy mới sử dụng ma túy, chưa phải là nghiện nhưng đến khi đưa vào đây, ở cùng với những người có tiền án, tiền sự thì người đó cũng sẽ học được tất cả những mưu ma, chước quỷ như lừa đảo, trộm cắp để rồi sau này quay trở về xã hội qua mắt chính bố mẹ mình.

Hơn nữa, trong các trại, theo ông Tuấn tìm hiểu, có từ 30-40% số học viên không thể bỏ được ma túy. Tiếp xúc với những người đó, người chưa nghiện có thể cũng thành nghiện.

Do đó, khi thấy con sử dụng ma túy, các bậc phụ huynh phải thật bình tĩnh, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định nên làm gì với cháu.

Theo thống kê sơ bộ của trung tâm, sau khi sử dụng ma túy đá từ 2 – 3 năm với cường độ cao, thì trên 85% chuyển sang trạng thái tâm thần.

VIẾT CƯỜNG