Con dấu cũ hay mới?
Ngày 26/3/2014, Phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh Nghệ An mới cấp đổi con dấu cho Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
Nhưng trong Biên bản bàn giao công việc của Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long được lập lúc 17 giờ ngày 25/2/2014 vẫn thấy con dấu trên được đóng vào văn bản này. Nếu tính theo ngày giờ trên biên bản này có nghĩa con dấu đã được đưa vào sử dụng trước khi được cấp phép... 1 tháng.
Con dấu được cấp đổi của Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An được Công an tỉnh Nghệ An cấp phép đưa vào sử dụng vào ngày 26/3/2014 (ảnh Xuân Hòa) |
Chiều ngày 25/3, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã làm việc với Đại tá Hoàng Văn Tấn – Phó trưởng Phòng PC 64 (Công an tỉnh Nghệ An) nơi cấp phép đưa con dấu này vào hoạt động để làm rõ xem thực hư con dấu này đã được đưa vào sử dụng trước khi cấp phép hay biên bản trên được lập trước đó cả tháng sau khi con dấu được cấp phép về mới được đóng dấu.
Qua làm việc Đại tá Tấn cho biết, có hai khả năng ở đây, một là con dấu được cấp mới, hai là con dấu được cấp đổi. Các đơn vị đã hoạt động lâu như Quỹ tín dụng nhân dân thường trước đó đã có con dấu cũ nhưng do thất lạc hoặc bị mòn, hết hạn nên xin cấp đổi.
Thường hai con dấu này không có sự khác biệt khi nhìn bằng mắt thường. Nên nhìn vào biên bản bằng mắt thường khó có thể nhận ra con dấu được đóng bằng con dấu cũ hay con dấu mới được cấp đổi sau đó. Trừ khi mục đích kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh thay đổi thì số hiệu trên con dấu thay đổi.
Nhưng trong Biên bản bàn giao công việc năm 2014 của Quỹ Tín dụng nhân dân xã Hưng Long được lập vào 17 giờ ngày 25/2/2014, tức là trước khi con dấu được cấp phép 1 tháng vẫn được đóng bằng con dấu mới (ảnh Xuân Hòa) |
Chỉ có một số điểm khác rất nhỏ phải được kiểm tra kỹ bằng các phương tiện nghiệp vụ mới có thể phát hiện ra được dấu được đóng bằng con dấu cũ hay con dấu cấp đổi.
Nếu biên bản trên được lập khi con dấu cũ vẫn còn và đóng bằng con dấu cũ thì không sai. Nhưng nếu là con dấu mới hoặc con dấu mới được cấp đổi sau đó đem đóng vào các giấy tờ được lập bởi thời gian trước khi con dấu mới được cấp giấy phép thì không đúng quy định.
Thường con dấu được đục chạm khá nhanh nên chỉ mất vài ngày sau khi các đơn vị làm thủ tục đăng ký cấp đổi thì đã có thể được cấp phép con dấu mới. Chỉ khi giấy phép cho phép con dấu đem vào sử dụng thì khi đó con dấu mới được giao cho đơn vị xin cấp đổi con dấu. Cũng từ đó các con dấu khi đóng vào các văn bản của đơn vị đó mới có giá trị, không sai với quy định.
Biên bản của chính đơn vị mình lập và là giám đốc của Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long nhưng bà Hoàng Thị Nhung lại không biết con dấu mới được đóng vào biên bản này lúc nào (ảnh Xuân Hòa) |
Sau đó, Đại tá Tấn đã kiểm tra hồ sơ lưu tại đây cho thấy con dấu của Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long được cấp phép sử vào ngày 26/3/2014 là con dấu được cấp đổi. Trước đó, Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long đã có con dấu nhưng đến thời điểm này do thay đổi một số yếu tố và do con dấu hết hạn nên đã xin cấp đổi.
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu con dấu trên “Biên bản bàn giao công việc năm 2014 được lập ngày 25/2/2014” cán bộ Phòng PC 64 khẳng định con dấu được đóng trên biên bản này được đóng bằng con dấu mới.
Cùng với đó con dấu cũ và con dấu được cấp đổi sau đó của Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long có giấy phép ở vành tròn phía ngoài khác nhau. Có nghĩa con dấu mới được cấp đổi sau đó của Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long đã được đóng vào văn bản lập cách đó cả tháng trời. Đồng nghĩa con dấu đóng trong văn bản này đã làm không đúng với quy định.
Công việc nội bộ không cần đóng dấu
Để làm rõ hơn việc bất cập trên chúng tôi đã làm việc với bà Hoàng Thị Nhung – Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên. Tuy nhiên, sau khi xem Biên bản bàn giao công việc năm 2014 được lập ngày 25/2/2014 của chính đơn vị mình thì bà Nhung lại cho biết không biết ai đóng dấu. Còn chữ ký thì do bà ký nhưng được ký trước khi đóng dấu. Nhưng nhìn kỹ trên biên bản cho thấy chữ ký của bà Nhung được ký đè lên con dấu chứ không phải bị con dấu đóng đè lên trên.
Mẫu dấu cũ khi làm thủ tục cấp đổi mẫu dấu mới được lưu tại Công an tỉnh Nghệ An (ảnh Xuân Hòa) |
Theo lời giải thích của bà Nhung thì đơn vị của bà không thuộc đơn vị nhà nước tại địa phương quản lý mà trực thuộc Ngân hàng nhà nước quản lý. Việc bàn giao công việc nội bộ chỉ cần lập văn bản giữa người bàn giao, người tiếp nhận và một người làm chứng nữa là được. Việc bàn giao công việc nội bộ này không cần sử dụng con dấu.
“Trong biên bản bàn giao công việc nội bộ không cần đóng dấu. Chỉ cần lập biên bản có mặt bên bàn giao, bên nhận công việc và người làm chứng là được. Còn biên bản này được đóng dấu lúc nào tôi không biết. Chữ ký trong biên bản thì của tôi và các bên liên quan nhưng tôi ký trước khi được đóng dấu”, bà Nhung giải thích.
Mẫu dấu mới của Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long được lưu lại trước khi được cấp phép cho đơn vị này lưu tại Công an tỉnh Nghệ An cho thấy giấy phép hoạt động ở vành tròn phía ngoài cùng của con dấu đã có sự thay đổi so với con dấu cũ(ảnh Xuân Hòa) |
Khi được phóng viên hỏi hiện nay con dấu này ai đang cất giữ thì bà Nhung cho biết, con dấu này thường xuyên được bà, kế toán trưởng và thủ quỹ sử dụng, cất giữ. Còn việc cấp đổi con dấu mới theo bà Nhung giải thích vào thời điểm đó là do ông Nguyễn Quý Dương – Chủ tịch hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Long đi công việc thì được biết con dấu trước đó đã hết hạn nên mang đi cấp đổi.
Sau đó, con dấu mới được ông Dương mang về còn nắm giữ bao lâu trước khi bàn giao thì bà Nhung không biết rõ. Để làm rõ hơn vấn đề trên chúng tôi xin gặp ông Dương thì bà Nhung cho biết, ông Dương đang bận đi công việc không ở nhà.
Vậy phải chăng đang có sự gian dối từ bà Nhung, hay vì để cho quá nhiều người giữ con dấu như bà Nhung nói nên việc đóng dấu tại đơn vị này không kiểm soát được.