LTS: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là sự đáp ứng yêu cầu bức thiết cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và của cả nền kinh tế Việt Nam.
Trên tinh thần ấy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của Đại tá Nguyễn Huy Viện về vai trò của kinh tế tư nhân - lực lượng quan trọng để xây dựng quốc gia giàu mạnh.
Khi đánh giá về khát vọng làm giàu của các nhà tư bản, nhà kinh tế học người Anh T.J.Dunning (1799 - 1873) có câu nói nổi tiếng: “Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo…” (1).
Câu nói này hiểu dưới quan điểm kinh tế chính trị của Chủ nghĩa Xã hội khoa học khi phân tích, đánh giá về Chủ nghĩa Tư bản giai đoạn tư bản hoang dã thì đó là lòng tham, làm giàu bằng mọi giá của các nhà tư bản.
Tuy nhiên, ở một góc độ mang tính phổ quát, câu nói của T.J.Dunning là phản ánh khát vọng làm giàu của con người, nhất là giới doanh nhân.
Và qua lịch sử phát triển của loài người, nhất là từ khi nền kinh tế thị trường hình thành và phát triển cho thấy, khát vọng làm giàu là động lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như đối với nền văn minh của nhân loại.
Nhờ khát vọng làm giàu mà thế giới được biết đến những tập đoàn kinh tế tư bản tư nhân hùng mạnh, với thương hiệu và đẳng cấp danh tiếng toàn cầu như Boeing, Ford Motor (Hoa Kỳ); Mercedes-Benz (Đức); Peugeot (Pháp); Philips (Hà Lan); Toyota, Sony…(Nhật Bản); Samsung, Kia Motor (Hàn Quốc) …
Đây cũng là những thương hiệu mang lại niềm kiêu hãnh và tự hào cho người dân của các quốc gia đã sản sinh ra những tập đoàn và công ty đó.
Bởi không ai khác, chính những tập đoàn và công ty đó đã mang lại công ăn việc làm, của cải vật chất khổng lồ không chỉ cho riêng các nhà tư bản mà cho toàn xã hội, đáp ứng tốt hơn đời sống vật chất tinh thần của con người, góp phần xây dựng quốc gia trở thành những cường quốc kinh tế của thế giới.
Phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất xây dựng quốc gia giàu mạnh, phồn vinh. (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Để khắc phục mâu thuẫn của người lao động với các nhà tư bản trong nền kinh tế thị trường về công bằng xã hội và đáp ứng những tiêu chí về bảo vệ, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của con người do các tổ chức kinh tế, văn hóa và giáo dục quốc tế quy định.
Ngày nay, các nhà nước tư bản hiện đại đã có những điều chỉnh quan trọng, nhất là về hệ thống pháp luật nên khát vọng làm giàu của con người không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà đồng hành với nó là sự phát triển xã hội công bằng, văn minh. Điển hình là quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan…
Đối với Việt Nam, từ năm 1954 (với miền Bắc) và từ năm 1975 (trên phạm vi cả nước) đến trước thời kỳ đổi mới (năm 1986), kinh tế thị trường mà trọng tâm là kinh tế tư nhân chưa được chú trọng.
Trong khi đó, các thành phần kinh tế nhà nước gồm quốc doanh và hợp tác xã, đại diện cho mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, được coi là chìa khóa để đưa đến thành công trên con đường phát triển xã hội thì càng ngày càng trì trệ và lâm vào khủng khoảng nghiêm trọng, dẫn đến lương thực và hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết yếu cuộc sống của con người khan hiếm trầm trọng vào cuối thập niên Bảy mươi đến hết thập niên Tám mươi của thế kỷ XX.
Cùng thời điểm trên đây, Liên Xô và các nước khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng lâm vào khủng hoảng cả về kinh tế lẫn chính trị, dẫn đến sụp đổ vào cuối những năm Tám mươi đầu những năm Chín mươi của thế kỷ XX.
Trong bối cảnh đó, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, với chủ trương đa dạng hóa các loại hình sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Từ quan điểm đổi mới, Đảng ta thừa nhận kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế năng động nhất mà nhân loại đã tìm ra, là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Đây là bước ngoặt về đổi mới tư duy của Đảng, mở đường cho đất nước phát triển.
Tuy nhiên, quán tính phê phán kinh tế thị trường, phê phán chế độ người bóc lột người; quán tính của mô hình kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp cùng với tư tưởng giáo điều vẫn là lực cản rất lớn đối với việc hồi sinh, phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là với tư bản tư nhân.
Lực cản đó không chỉ dừng lại ở quan điểm tư tưởng mà còn được thể hiện ở các chủ trương, chính sách cụ thể.
Điển hình là hàng trăm thông tư của các bộ - ngành, từ đó hàng nghìn giấy phép con ra đời khiến cho khu vực kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn.
Đến mức, ông Nguyễn Sinh Hùng khi đang còn là Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên: “Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm! Vì sao? Vì phải có tiền người ta mới cấp, nên phải giảm tối đa thủ tục hành chính” (2).
Theo số liệu phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “giai đoạn 2009 - 2011, doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận thì cần phải trả 0,7 - 1 đồng tiền chi phí không chính thức” (3).
Những lực cản trên đây làm cho kinh tế tư nhân của Việt Nam không lớn nổi, bị hạn chế ít nhiều trong một thời gian dài.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến “tỉ lệ doanh nghiệp thua lỗ, phá sản khá cao, bình quân giai đoạn 2007 - 2015 là 45%” (4).
Những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ |
Cho dù sử dụng 85% lực lượng lao động xã hội, năm 2015, kinh tế tư nhân đóng góp 39,21% GDP, trong đó các hộ cá thể 31,33%, doanh nghiệp tư nhân chỉ 7,88% (5).
Mặt khác, cơ cấu ngành nghề của khối doanh nghiệp tư nhân chưa hợp lý, hơn 80% hoạt động thương mại và dịch vụ, chỉ có hơn 10% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng 1% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (6).
Từ thực trạng trên đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là sự đáp ứng yêu cầu bức thiết cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và của cả nền kinh tế Việt Nam.
Để mục tiêu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 trở thành hiện thực, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc đổi mới và cải cách đồng bộ của cả hệ thống quản trị kinh tế quốc gia từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp; quyết liệt từ Trung ương (nhất là các bộ - ngành) đến địa phương.
Trước hết phải kiên quyết khắc phục những điểm nghẽn và những lệch lạc dưới đây đối với kinh tế tư nhân:
1. Trong một nền kinh tế nhưng phân biệt đối xử theo kiểu “con đẻ” (doanh nghiệp kinh tế Nhà nước), “con nuôi” (doanh nghiệp kinh tế tư nhân), làm cho các doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân chán nản, mất hết cảm hứng và khát vọng làm giàu chân chính.
2. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài được đối xử như thượng khách, được “rải thảm đỏ” mời chào, được hưởng cơ chế ưu đãi thì nhiều doanh nhân trong nước phải đối diện với hàng núi giấy phép con, chẳng khác gì đi trên chông gai.
Kiểu đối xử như vậy vô tình tiếp tay cho các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân trong nước.
3. Có những doanh nghiệp là “sân sau” của ai đó dẫn đến những cản trở trên, doanh nghiệp này thì thừa dự án “trúng thầu” nên “phải” mang đi bán, còn doanh nghiệp kia cạy cục chầy vẩy cũng không có dự án, để duy trì sản xuất kinh doanh phải đi mua dự án.
Tình trạng này sẽ biến doanh nhân thành những kẻ mưu mô, lưu manh chứ không phải là doanh nhân chân chính.
4. Phải chống tham nhũng từ gốc (từ hoạch định chủ trương, chính sách), nếu tình trạng tham nhũng không được xử lý triệt để thì tất nhiên sẽ tiếp tục thất thoát tài sản, kéo lùi sự phát triển của quốc gia.
Xa hơn nữa là những người có năng lực không được trọng dụng, còn những kẻ năng lực yếu kém nhưng là "hậu duệ, quan hệ" hay nhờ "tiền tệ" lại được cất nhắc làm lãnh đạo, sẽ khiến xã hội tiếp tục đảo điên chạy theo đường quan trường, vì họ cho rằng đi theo con đường này vừa có quyền lực vừa giàu có nhanh hơn, nhàn nhã hơn.
5. Đẩy mạnh cải cách thể chế và cải cách cơ chế để xây dựng “Nhà nước kiến tạo, liêm chính” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định.
Nếu không thực hiện được điều này, cho dù nước ta xây dựng kinh tế thị trường sau các nước phát triển hàng trăm năm, cho dù thế giới đã bước sang nền kinh tế thị trường văn minh, hiện đại từ lâu thì Việt Nam vẫn phải trải qua giai đoạn kinh tế thị trường “hoang dã” đầy rẫy bất công.
Từ thực tiễn ra đời và phát triển hàng trăm năm của kinh tế thị trường trên thế giới đã đưa đến một chân lý Phát triển kinh tế tư nhân – Con đường ngắn nhất xây dựng quốc gia giàu mạnh, phồn vinh.
Tuy nhiên, để con đường đó không có điểm nghẽn, không có nút thắt thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự vận hành của thể chế và cơ chế.
Tài liệu tham khảo:
(1). C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.23. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 1056.
(2). https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cap-chung-chi-hanh-nghe-duoc-bay-gio-cay-nghiet-lam-972591.tpo
(3), (4). https://baomoi.com/doanh-nghiep-tu-nhan-viet-nam-lon-den-dau/c/22294332.epi.
(5), (6). http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/866585/kinh-te-tu-nhan-su-dung-85-lao-dong-dong-gop-39-40-gdp (Báo Hà Nội Mới, ngày 13/4/2017).