Trong phiên tòa xử Phạm Công Danh và các đồng phạm, phần xét hỏi về khoản tiền 5.190 tỷ trong tài khoản của Trần Ngọc Bích bị Ngân hàng Xây Dựng tự ý chuyển đi không có chứng từ hợp lệ đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Các bị cáo thì khai việc chuyển tiền có sự đồng thuận của Trần Ngọc Bích thông qua điện thoại của một nhân viên chuyên đi giao nhận chứng từ (?), sau khi chuyển tiền đương nhiên Trần Ngọc Bích phải biết, Trần Ngọc Bích có nhận lãi vượt trần, ...
Trần Ngọc Bích khai không hề đồng thuận cho Ngân hàng Xây Dựng tự ý chuyển tiền không có chứng từ, không hề biết việc tiền bị chuyển đi khỏi tài khoản, không nhận lãi vượt trần.
|
Bên cạnh đó, câu hỏi về nguồn gốc các khoản tiền gửi của Trần Ngọc Bích cùng một số cá nhân trong sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Xây Dựng cũng được đặt ra...
Vụ án hứa hẹn sẽ có nhiều tranh luận về trách nhiệm của Ngân hàng Xây Dựng. Liệu kết quả vụ án có bất ngờ như vụ án vụ Huỳnh Thị Huyền Như?
Trách nhiệm bất biến của Ngân hàng
Theo một chuyên gia đã từng làm lãnh đạo tại một số Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng là tổ chức tài chính trung gian, huy động tiền để cho vay và cung ứng dịch vụ thanh toán.
Sứ mệnh này đòi hỏi ngân hàng thương mại phải quản lý chặt chẽ tiền gửi tại ngân hàng. Ngân hàng có quản lý tiền huy động được thì mới có tiền để cho vay lại.
Khi cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện lệnh thanh toán, rút tiền, chuyển tiền của khách, ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ, đảm bảo sự chính xác, kịp thời.
Không thể có bất cứ tranh cãi nào khác về trách nhiệm của ngân hàng đi ra ngoài các sứ mệnh này.
Nguồn gốc tiền gửi, tiền hợp pháp hay bất hợp pháp, thậm chí tiền do phạm tội mà có, lãi suất là bao nhiêu … không làm thay đổi trách nhiệm của ngân hàng.
Nếu nguồn gốc tiền gửi là bất hợp pháp, nếu khách hàng hưởng lãi suất không đúng quy định, thì sẽ được xử lý bằng những quy định pháp luật khác.
Chính vì vậy, pháp luật quy định rất chặt chẽ về trách nhiệm của ngân hàng khi kiểm soát chứng từ giao dịch tài khoản, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách khi có lỗi trong việc này.
Tại sao hơn một năm mới biết mất tiền
Tại phiên tòa, bà Trần Ngọc Bích cho rằng mình không biết, không đồng thuận trong việc Ngân hàng Xây Dựng tự ý chuyển tiền trên tài khoản của bà Bích. Tài khoản của bà không đăng ký sử dụng dịch vụ thông báo giao dịch qua nhắn tin (SMS banking).
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, người bảo vệ quyền lợi cho bà Bích cho biết, tiền gửi của bà Bích là tiền gửi có kỳ hạn, nên khi đến hạn và có nhu cầu sử dụng (hơn 1 năm sau khi gửi) thì bà Bích mới rút tiền.
Khi bà Bích rút tiền, Ngân hàng Xây Dựng không trả, không giải thích rõ lý do và nêu sẽ kiểm tra lại, giải quyết sau. Bà Trần Ngọc Bích đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Xây Dựng trả tiền và giải thích rõ lý do nhưng không được đáp ứng.
Điều này chứng minh bà Bích không thể biết việc Ngân hàng Xây Dựng tự ý chuyển tiền trên tài khoản của mình, đồng thời cũng chứng minh việc một số bị cáo khai Ngân hàng Xây Dựng chuyển tiền theo yêu cầu của bà Bích (qua người khác), cho nợ chúng từ là không có cơ sở.
Khách hàng phải thường xuyên kiểm tra tiền của mình?
Có nhiều hình thức để khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, có kỳ hạn, không kỳ hạn ...
Mỗi khách hàng có nhu cầu riêng của mình, có khách hàng muốn sử dụng dịch vụ nhắn tin, báo tin thường xuyên về giao dịch.
Cũng có khách hàng không muốn sử dụng dịch vụ này vì nhiều lý do, đơn cử như để bảo mật thông tin.
Nhưng cho dù có thường xuyên nhận thông tin về giao dịch tài khoản từ ngân hàng hay không thì tiền cũng chỉ có thể chuyển đi khỏi tài khoản của khách hàng khi có lệnh chi hợp pháp.
Cho dù khách hàng có thường xuyên hàng ngày, hàng giờ kiểm tra tài khoản của mình, nếu Ngân hàng cứ chuyển tiền khỏi tài khoản của khách không cần chứng từ thì khách hàng cũng không thể giữ được tiền.
Việc khách hàng có hay không thường xuyên kiểm tra số dư của mình không làm thay đổi quyền của khách hàng và trách nhiệm của ngân hàng.
Đánh tráo khái niệm?
Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai về việc bà Trần Ngọc Bích có nhận lãi vượt trần, bà Trần Ngọc Bích cho Phạm Công Danh vay tiền, việc chuyển tiền là do bà Bích yêu cầu và khoản tiền 5.190 tỷ là quan hệ dân sự giữa bà Trần Ngọc Bích và Phạm Công Danh.
Các lời khai này đều nhằm mục tiêu là Phạm Công Danh chịu trách nhiệm trả tiền cho Trần Ngọc Bích thay cho Ngân hàng Xây Dựng.
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên cho biết, việc đánh giá chứng cứ và quyết định thuộc quyền của Tòa.
Tuy nhiên Luật sư Uyên đặt vấn đề: Nếu các bị cáo nêu bà Bích đồng thuận chuyển tiền, nợ chứng từ thì tại sao hơn một năm mà Ngân hàng Xây Dựng không đòi chứng từ, tại sao không trả lời ngay khi bà Bích đòi rút tiền?
Trách nhiệm của Ngân hàng là bất biến, điều đó xây dựng niềm tin của người gửi tiền, làm cơ sở cho sự tồn tại của hệ thống ngân hàng. Không thể đánh tráo các khái niệm để làm thay đổi trách nhiệm của ngân hàng.
Sáng 25/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm trong đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục làm việc. HĐXX đã triệu tập bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát - người được nhiều cá nhân ủy quyền gửi và vay 5.190 tỷ đồng tại VNCB. |