Ngày 10/10/2019, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu sớm ra quyết định phục hồi xử lý nguồn tin tố giác tội phạm, tiếp tục điều tra việc bà Nguyễn Thị Thúy Hồng và bà Trương Thị Ngọc Lan có dấu hiệu tham ô tài sản Nhà nước.
Đây là động thái hết sức tích cực của Công an Đà Nẵng trong việc xử lý nghiêm minh tất cả các biểu hiện vi phạm pháp luật, không bao che, không bỏ lọt tội phạm, giải quyết vụ việc một cách toàn diện, khách quan.
Báo Giáo dục và Thời đại trong buổi làm việc chiều ngày 7/10, với Công an quận Hải Châu. |
Không bỏ lọt tội phạm
Trong thời gian qua, Báo Giáo dục và Thời đại cùng nhiều cơ quan báo chí khác lên tiếng về việc bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (sinh năm1959, trú tại 22 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) nguyên là Trưởng văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại ở Đà Nẵng, Trương Thị Ngọc Lan (sinh năm 1977, trú tại 71/18 Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) nguyên là kế toán kiêm thủ quỹ văn phòng có dấu hiệu tham ô tài sản Nhà nhưng chưa bị xử lý.
Nhiều tòa soạn phản ánh, trong quá trình xử lý đơn tố giác tội phạm, cơ quan điều tra Công an quận Hải Châu có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.
Ngày 10/10, Thượng tá Nguyễn Văn Cung - Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng ký văn bản số 602/TB-CSĐT-VP gửi Báo Giáo dục và Thời đại cho biết đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu phải sớm ra quyết định phục hồi để giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.
Nội dung văn bản của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng nêu: Sau khi nhận được văn bản số 599/GD&TĐ (ngày 4/10/2019) của Báo Giáo dục và Thời đại kiến nghị Công an quận Hải Châu vi phạm quy định về giải quyết nguồn tin về tội phạm, cơ quan này đã vào cuộc xem xét, đánh giá các tài liệu liên quan.
“Để có cơ sở giải quyết vụ việc toàn diện, khách quan, không bỏ lọt tội phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu sớm ra quyết định phục hồi, tiếp tục giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”- công văn số 602/TB-CSĐT-VP của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng gửi Báo Giáo dục và Thời đại nêu rõ.
Văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều ta Công an Thành phố Đà Nẵng gửi Báo Giáo dục và Thời đại. |
Đây là dấu hiệu hết sức tích cực của Công an Đà Nẵng sau gần 01 năm kể từ khi Báo Giáo dục và Thời đại có văn bản tố cáo hành vi, cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ cho thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Hồng, bà Lan nhưng Công an quận Hải Châu chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trong khi đó các đối tượng trên liên tục có những bài viết trên mạng xã hội tỏ thái độ thách thức, nghênh ngang, coi thường pháp luật và liên tục lăng mạ uy tín, danh dự của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Ban Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại.
Trước đó, ngày 4/10/2019, tại văn bản số 599/GD&TĐ gửi Thủ tưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Ðà Nẵng, Báo Giáo dục và Thời đại khẳng định việc Công an quận Hải Châu có Quyết định số 38 về việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm là trái quy ðịnh pháp luật (Ðiều 148 – Bộ luật tố tụng hình sự), có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu chưa ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố là vi phạm quy định tại điều 149 – Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong khi đó, hành vi vi phạm pháp luật của bà Hồng, bà Lan là nghiêm trọng, có dấu hiệu tội “tham ô tài sản” – Ðiều 353 Bộ luật hình sự, tội “làm nhục người khác” – Ðiều 155 Bộ luật hình sự và tội “vu khống” – Ðiều 156 Bộ luật hình sự.
Việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu chậm ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can có dấu hiệu vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của Báo Giáo dục và Thời đại.
Tham nhũng vặt cũng phải xử lý
Kết quả kiểm toán tại Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại ở Đà Nẵng cho thấy những vi phạm nghiêm trọng của bà Hồng và bà Lan.
Các khoản chi cho cộng tác viên không phải do cộng tác viên ký nhận tiền mà Hồng trực tiếp ký nhận, hồ sơ kế toán kèm theo không có hợp đồng với các cộng tác viên.
Tổng số tiền chi sai từ 2010 đến 2013 là 44 triệu đồng.
Người ký nhận tiền khác với người nhận tiền trên chứng từ của các khoản chi tiền nhuận bút và chi phí khác từ 2010 đến 2013 là trên 148 triệu đồng. Khoản chi không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, tổng số tiền chi sai từ 2009 đến 2013 là 173 triệu đồng.
Ngoài ra, còn nhiều khoản chi phí có mâu thuẫn về nội dung, chứng từ kèm theo với số tiền chi sai từ 2009 đến 2013 là hơn 46 triệu đồng.
Dấu hiệu về thủ đoạn tham nhũng vặt, nhằm chiếm đoạt số tiền của Báo Giáo dục và Thời đại của Nguyễn Thị Thúy Hồng còn thể hiện rõ trên các chứng từ công tác phí (đã được Báo cung cấp đầy đủ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu) như: Chi công tác phí thiếu giấy đề nghị thanh toán; Giấy đi đường thiếu ký duyệt của kế toán bộ phận và lãnh đạo cơ quan; không ghi rõ ngày tháng công tác đi và về; mâu thuẫn về nội dung.
Trụ sở Văn phòng đại diện của Báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng. |
Đơn cử như tại chứng từ số 87 (ngày 30/7/2011) chi công tác phí là 2.700.000 đồng. Giấy đi đường ghi đi công tác tại Huế và Quảng Nam nhưng kỳ lạ là lại không có dấu đi đường ở Quảng Nam. Hơn nữa, giấy đi đường không ghi cụ thể thời gian công tác ở từng tỉnh từ ngày nào đến ngày nào.
Tại chứng từ chi tiền số 75 (ngày 28/6/2011) chi tiền công tác phí Quảng Nam, Huế với số tiền là 1.800.000 đồng, giấy đi đường ghi ngày công tác tại Huế là 7/6/2011, nhưng hóa đơn phòng nghỉ tại Huế lại là ngày 7/5/2011.
Chứng từ 130 (ngày 26/10/2011) chi công tác phí Bình Định, Quảng Ngãi, Huế với số tiền 2.960.000 đồng. Giấy đi đường không ghi rõ đi công tác tại tỉnh nào, từ ngày nào đến ngày nào, hóa đơn phòng nghỉ tại Quy Nhơn 0001953 không hợp lý….
Chứng từ số 69 (ngày 27/5/2010) chi tiền công tác 02 đợt ở Huế và Quảng Trị với số tiền 1.108.000 đồng có sai phạm như: Công tác phí tại tỉnh Quảng Trị khi đang tính cho 03 ngày (từ ngày 7/5/2010- 9/5/2010) nhưng vé tàu từ Quảng Trị về là ngày 8/5/2010.
Giấy đi đường không có chữ ký kế toán, hóa đơn phòng nghỉ tại Huế số 0002045 ngày 28/4/2010 chưa gạch chéo phần để trống, không ghi mã số thuế, không có chữ ký người mua hàng.
Chứng từ số 82 (ngày 30/6/2010) chi tiền công tác phí đi Huế và Quảng Nam với số tiền 1.510.000 đồng cho thấy thời gian đi công tác tại Huế trên giấy đi đường là từ 25/6-28/6 (2010), nhưng vé xe đi từ Đà Nẵng đến Huế lại là ngày 26/6/2010.
Hóa đơn phòng nghỉ tại tỉnh Quảng Nam số 0121217 ngày 20/6/2010 không có chữ ký người mua hàng, không có mã số thuế đơn vị mua hàng.
Trường hợp cộng tác viên Nguyễn Thanh Huế (chồng của bà Hồng) là người không có bất cứ một hợp đồng lao động, cộng tác viên nào với Báo.
Tòa soạn không có bất cứ một văn bản nào cho phép bà Hồng được chi trả lương thường xuyên hàng tháng cho ông Huế, nhưng trong khoảng thời gian 5 năm bà Hồng vẫn tự ý ký chi lương cho chồng.
Phiếu chi do bà Hồng ký với tư cách là chủ tài khoản và cũng chính bà Hồng cũng ký luôn vào phiếu chi với tư cách là người nhận tiền.
Số tiền bà Hồng đã chi cho chồng mình với sự giúp sức của bà Lan – kế toán kiêm thủ quỹ của văn phòng trong 05 năm đã chiếm đoạt của Nhà nước hơn 44 triệu đồng.
Tiền điện thoại bàn và các chi phí văn phòng khác cũng bị bà Hồng và bà Lan chiếm đoạt. Tổng số tiền của các phiếu chi do bà Hồng ký lớn hơn rất nhiều lần hóa đơn thực tế phát sinh.
Không ai có thể biện hộ được việc bà Hồng ký chi tiền nhà nước vượt hóa đơn thu dịch vụ rất nhiều lần rồi chiếm đoạt số tiền trên, không phải là dấu hiệu tội phạm.
Với những chứng cứ vật chất, khách quan (đã được Báo Giáo dục và Thời đại cung cấp đầy đủ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu ) cho thấy rõ tài sản nhà nước đã bị chiếm đoạt.
Để đảm bảo sự minh bạch, tôn nghiêm của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, Báo Giáo dục và Thời đại đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu nhanh chóng có quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố vụ án, khởi tố bị can xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
“Tội tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Theo quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 thì Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Dấu hiệu pháp lý của tội này là tác động đến tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Tài sản này bao gồm tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp. Mặt khách quan của Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng”. |