Chiều 6/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Bộ luật có tổng số 483 điều, được bố cục thành 9 phần, 38 chương.
So với BLTTHS năm 2003, dự thảo Bộ luật tăng thêm 137 điều. Trong đó, bổ sung 166 điều mới, sửa đổi 290 điều, giữ nguyên 27 điều, bãi bỏ 19 điều.
Ghi âm, ghi hình có liên quan tới quyền con người
Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 174) trong dự thảo luật, theo ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi.
Tuy nhiên để góp phần khắc phục việc bức cung, nhục hình cần quy định chặt chẽ theo hướng "trong mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án; trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình".
Cụ thể như trường hợp bị can không nhận tội; bị can trong các vụ án giết người không quả tang; bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc bị can về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” sẽ phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình.
Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, trên thực tế ở nhiều vụ án thì cơ quan điều tra chỉ đưa vào hồ sơ vụ án những lời khai của bị can để phục vụ cho truy tố, còn những bản khai bị can không thừa nhận hành vi phạm tội thì lại không đưa vào hồ sơ.
Thượng tướng Lê Quý Vương ủng hộ các biện pháp ghi âm, ghi hình; đồng thời lo ngại nếu áp dụng sẽ cần rất nhiều chi phí. ảnh: Ngọc Quang. |
Liên quan tới nội dung trên, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an ủng hộ chủ trương ghi âm, ghi hình trong hỏi cung.
"Nếu như chúng ta thực hiện được việc này thì rõ ràng là một bước tiến rất tốt kết hợp giữa xét hỏi và ghi âm, ghi hình. Thực tế thì nhiều vụ án chúng tôi đã có chỉ đạo ghi âm, ghi hình, nhưng cũng vì điều kiện nên chưa làm hết được. Hướng này thì rất tốt, nhưng áp dụng theo yêu cầu này thì kinh phí quá lớn chứ không phải ít", Tướng Vương nói.
Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng khẳng định, việc áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình là rất cần thiết: "Đây đang là giai đoạn tạm giữ, nhiều ý kiến cho rằng việc bức cung, mớm cung trong hoạt động điều tra diễn ra ở chỗ này. Nếu quy định bắt buộc thì một mặt có thêm căn cứ bổ sung vào hồ sơ trong quá trình điều tra, hơn nữa nó cũng là giám sát khách quan chống bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra".
Ủng hộ quy định ghi âm, ghi hình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Xử phải công khai, chứng cứ phải công khai, tranh tụng phải công khai, vậy thì hỏi cung cũng phải công khai. Các đồng chí bảo không có tiền không làm là không được, vì đây là quyền dân chủ của người ta.
Bắt tạm giam quá nhiều
Đề cập tới thời hạn tạm giam, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền tự do cá nhân, do đó căn cứ tạm giam và thời hạn tạm giam phải được quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng; đồng thời phúc đáp yêu cầu đấu tranh chống tội phạm. Đề nghị cân nhắc thận trọng việc sửa đổi căn cứ tạm giam và thời hạn tạm giam. Cụ thể như sau:
Về căn cứ tạm giam, dự thảo thể hiện theo hướng: Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù và có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: tiếp tục phạm tội; cản trở điều tra, truy tố, xét xử; bỏ trốn; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được chính xác nhân thân bị can; đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, tỷ lệ bắt tạm giam ở Việt Nam quá nhiều. ảnh: VNE. |
Ông Hiện cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định này của dự thảo là chưa phù hợp, thiếu chặt chẽ.
Qua giám sát cho thấy, quy định hiện hành về căn cứ tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng đang phát huy tác dụng, không vướng mắc gì.
Song lại vướng mắc đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng do quy định “Có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội” còn thiếu tiêu chí để xác định, tùy thuộc vào đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng nên dễ bị lạm dụng dẫn đến tạm giam còn nhiều trong thực tiễn.
Từ đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị, tiếp tục kế thừa quy định hiện hành là “có thể tạm giam bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Đối với bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm thì phải kèm theo một trong 5 điều kiện nêu trên nhưng cần cụ thể hóa, làm rõ các tiêu chí áp dụng như thế nào là “cản trở điều tra, truy tố, xét xử” để hạn chế tạm giam bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng.
"Chúng tôi đi giám sát nhiều tỉnh thì thấy cứ khởi tố vụ án là bắt tạm giam, tỷ lệ lên tới hơn 90%, trong khi đó tỷ lệ này ở các nước khác chỉ có trên 50%", ông Hiện nhấn mạnh.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị giảm thời hạn tạm giam với cả những tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tuy nhiên cần cân nhắc để quy định hợp lý thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp (như giết người, cướp tài sản; ma túy, kinh tế, tham nhũng lớn) mà không thể cho bị can, bị cáo tại ngoại, ở ngoài xã hội khi chưa kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.
Có một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn tạm giam hơn nữa vì theo dự thảo thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về đặc biệt nghiêm trọng còn dài, có thể đến 12 tháng; đồng thời cần nghiên cứu rút ngắn thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng.
Cần làm rõ biện pháp điều tra đặc biệt
Một vấn đề lớn hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo đó là "biện pháp điều tra đặc biệt" (chương XIX). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, biện pháp điều tra đặc biệt là vấn đề rất phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự, đến bí mật điều tra khám phá vụ án, đến quyền con người, quyền công dân.
Việc quy định cũng cần phân biệt rõ biện pháp điều tra đặc biệt với tư cách biện pháp điều tra tố tụng công khai khác với các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, an ninh, tình báo.
Luật an ninh quốc gia, Luật phòng chống ma túy, Luật chống khủng bố, Luật Hải quan, Luật phòng, chống rửa tiền mới chỉ ghi nhận một số biện pháp, còn một số Luật giao cho Chính phủ quy định.
“Khi quy định những biện pháp trực tiếp hạn chế quyền con người, quyền công dân (như bí mật đời tư, thư tín, chỗ ở, tài sản) thì phải ghi rõ trong BLTTHS, không để văn bản dưới luật quy định.
Biện pháp đặc biệt được áp dụng với ai? Thời hạn áp dụng bao lâu? Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng và người có thẩm quyền phê chuẩn quyết định áp dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng đặt vấn đề: "Đây là thủ tục đặc biệt, nó xâm phạm trực tiếp tới quyền cơ bản của con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp, trong luật, như bóc thư từ, nghe lén điện thoại.
Vậy cơ quan nào có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp này?”.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - ông Ksor Phước chỉ rõ, các quyền công dân chỉ bị hạn chế bằng luật nên việc mở thư từ cũng phải luật định chứ không còn thực hiện theo pháp lệnh.
“Các biện pháp đặc biệt thể hiện như thế nào thì trong dự thảo không thấy. Khoản 2 điều 206 ghi 'Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể các biện pháp điều tra đặc biệt và trình tự, thủ tục áp dụng' là không đúng với Hiến pháp 2013.
Do đó phải bổ sung phần những biện pháp đặc biệt là biện pháp nào”, ông Ksor Phước nhấn mạnh.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ông Phan Trung Lý thì các quy định liên quan quyền con người, quyền công dân rất được chờ đợi cụ thể hóa trong luật này. Nhưng một số quy định hiện chưa đảm bảo cụ thể hóa triệt để tinh thần Hiến pháp.
“Chương quy định những biện pháp điều tra đặc biệt có 5 điều nhưng có 2 vấn đề cần quy định nhất liên quan Hiến pháp là biện pháp gì và trường hợp nào thì chưa được làm rõ”, ông Phan Trung Lý nói.