Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, liên tục trong 02 ngày 06 và 07/03/2015, hàng trăm công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Hà Nam - Hanosimex (đơn vị thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội) có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tiếp tục tổ chức đình công "đòi tăng lương và giảm giờ làm thêm".
Mặc dù mưa gió nhưng nhiều công nhân vẫn tổ chức đình công trước Công ty TNHH MTV Hà Nam -Hanosimex (Ảnh: Duy Phong - Trần Việt) |
Nhiều công nhân phản ánh, họ bị Công ty bắt tăng ca thường xuyên, tính ra một năm tăng ca vào khoảng 600 giờ. Vì tăng ca nên người lao động không có đủ sức khỏe để chăm sóc con cái, vun vén gia đình…
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, ngày 10/5/2013 của Chính phủ thì việc tăng ca không được vượt quá từ 200 đến 300 giờ/năm và doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến UBND tỉnh về việc tăng ca.
Công nhân cho rằng họ bị ép làm thêm quá nhiều giờ, khiến sức khỏe và cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh: Duy Phong - Trần Việt) |
Để có thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Hồ Lê Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Nam-Hanosimex nhưng ông tỏ ra “thờ ơ”.
Ông Hùng cho biết, mọi chuyện đã giải quyết xong, công nhân đã trở lại làm việc bình thường và ông thấy không cần thiết phải gặp gỡ giải thích gì thêm.
Việc hàng trăm công nhân đình công dưới mưa để xin “cái quyền” được quy định trong Luật là sự việc nghiêm trọng nhưng người đứng đầu Hanosimex Hà Nam lại tỏ thờ ơ là một điều bất thường.
Không những thế ông Hồ Lê Hùng còn vi phạm chính Quy chế phát ngôn đối với báo chí của Bộ Công thương. Ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân? UBND tỉnh Hà Nam và các Sở, ban, ngành liên quan đang ở đâu?
Theo Điều 7, Quy chế Phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ ban hành kèm Quyết định số 6968 /QĐ-BCT ngày 08/8/2014 của Bộ Công thương ghi rõ:
Khi phát hiện ra các sự việc đột xuất, bất thường, các Đơn vị có trách nhiệm phối hợp, khẩn trương và kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho báo chí. Cụ thể là: Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ trên cơ sở đánh giá mức độ phức tạp, nhạy cảm, cấp bách của sự việc để chủ động cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời cho báo chí hoặc đề xuất cụ thể thời điểm, nội dung để Lãnh đạo Bộ phát ngôn cung cấp, phản hồi thông tin cho báo chí…