Siêu dự án "lật tung" sông Hồng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư siêu Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành).
Được biết, siêu dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện - thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) có trụ sở tại TP Ninh Bình (ông Nguyễn Văn Thiện làm Giám đốc) làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Xuân Thiện, Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) kết hợp với thủy điện khi hoàn thành sẽ tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội rất lớn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần giảm áp lực vận tải trên đường bộ, đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai.
Những chiếc thuyền neo đậu trên sông Hồng - ảnh: Thiên Minh/petrotimes. |
Cũng theo báo cáo của nhà đầu tư, dự án này sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm.
Về chi tiết, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: Cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội).
Ngoài ra, nhà đầu tư này sẽ xây dựng khoảng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng từ Việt Trì lên Lào Cai, kết hợp xây 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp, được thiết kế có công suất 228MW. Dự án các nhà máy điện dự tính sẽ cung cấp điện khoảng 0,91 tỷ kWh/năm.
"Giấc mơ" 100 tàu cá, trực thăng bám biển của đại gia BĐS đã bị quên lãng?(GDVN) - Sau hàng loạt những phản bác của cơ quan quản lý, điều kì lạ từ đó đến nay không còn ai nghe thêm bất kỳ thông tin gì về dự án mua 100 tàu cá ra khơi nữa. |
Nguồn thu chính là bán điện với giá khởi đầu 1.900 đồng/kWh và sau đó có lộ trình tăng dần lên 3.560 đồng/kWh.
Và nguồn thu từ thu phí đường thủy tính trên lượng hàng hóa vận chuyển (dự kiến giá phí mà nhà đầu tư đưa ra đoạn Việt Trì - Yên Bái thu 10.000 - 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn).
Tính toán sơ bộ của Xuân Thiện cho thấy, dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.
Nhà đầu tư này kỳ vọng dự án sẽ hoàn vốn trong 25 năm.
Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện của Công ty TNHH Xuân Thiện xem như "lật tung" lòng sông Hồng để làm vận tải thủy, thủy điện.
Dự án theo như nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng đến có 120 hộ dân với khoảng 600 người thuộc 31 xã ở Lào Cai, Yên Bái. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng 120 ha, trong đó đất nông nghiệp 96 ha.
Cũng theo báo cáo đề xuất, nếu được chấp thuận dự án sẽ triển khai trong sáu năm (2016-2021).
Môi trường bị phá hủy là không tránh khỏi
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về siêu dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện, TS. Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam - cho rằng: Dự án đương nhiên ảnh hưởng lớn đến môi trường.
“Xây dựng một đập làm thủy điện đã ảnh hưởng môi trường rất lớn rồi, dự án này đề xuất xây nhiều đập và đến 6 thủy điện thì mức độ ảnh hưởng càng lớn”, TS. Nguyễn Khắc Kinh nói.
Theo TS. Nguyễn Khắc Kinh, nếu siêu dự án của Xuân Thiện được thực hiện sẽ có những tác động khôn lường đến môi trường.
Thứ nhất, xây dựng đập dâng nước chắn sông Hồng để làm thủy điện sẽ làm thay đổi toàn bộ mực nước vùng hạ lưu nói chung và hạ du nói riêng. Khi đó, mực nước trên dòng sông đều bị ảnh hưởng.
Thay đổi mực nước sông sẽ ảnh hưởng đến mực nước ngầm hai bên bờ sông, ảnh hưởng nguồn nước phục vụ thủy lợi, nuôi trồng thủy sản.
TS. Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam - ảnh Hoàng Chiên. |
“Chắc chắn sẽ ảnh hưởng còn ảnh hưởng đến mức độ nào, ảnh hưởng như thế nào thì cần phải xem xét chi tiết dự án cụ thể xem họ làm ra sao, thay đổi gì trên dòng sông, ngăn đập nước lên cao bao nhiêu, có hồ hay không có hồ, quy trình vận hành xả nước…”, TS. Kinh bày tỏ.
Thứ hai, tuy không trực tiếp gây ra ô nhiễm trên dòng sông nhưng nếu xây hồ thủy điện, nếu xảy ra ô nhiễm lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến dòng sông.
Chủ đầu tư xin hàng loạt ưu đãi Để triển khai dự án, chủ đầu tư đã xin hàng loạt ưu đãi như hỗ trợ giá bán điện; có lộ trình tăng giá điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy; miễn thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp đến khi hoàn vốn… |
Mặt khác, khi ngăn đập làm thủy điện sẽ khiến mực nước giảm khu vực hạ lưu khiến khả năng tự làm sạch dòng sông sẽ giảm điều này dẫn đến ô nhiễm.
“Trước đây dòng chảy mạnh, mực nước lớn thì dòng sông có khả năng tự pha loãng, tự làm sạch. Nay do mực nước giảm dẫn đến nguy cơ ô nhiễm”, TS. Kinh cho biết thêm.
Tuy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường khi chặn sông làm thủy điện ở thượng nguồn, tuy nhiên TS. Kinh nêu lên thực tế, hiện nay không có luật cấm phát triển thủy điện trên dòng sông, chỉ có điều phát triển như thế nào có đúng quy hoạch hay không.
Thông thường trên 1 dòng sông có nhiều thủy điện bậc thang như vậy thì phải có một đánh giá tác động môi trường toàn diện với cả chuỗi dự án.
“Phải có một quy hoạch phát triển thủy điện và phải có đánh giá môi trường chiến lược trong đó người ta sẽ tính toán đến mực nước giảm, tác động môi trường phía sau của toàn dự án”, TS. Kinh nhấn mạnh.
Chung quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - cũng tỏ ra bất ngờ khi có ý tưởng làm thủy điện trên sông Hồng.
Theo bà Khanh, việc xây dựng 6 nhà máy thủy điện trên sông Hồng không có trong trong quy hoạch điện 7 (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020).
Một dự án nhà máy thủy điện không đưa vào dự án quy hoạch điện lực quốc gia phải thận trọng và tuân thủ theo quy hoạch và có đánh giá tác động vùng hạ lưu các dòng sông có nhà máy thủy điện.
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - ảnh nguồn Vietnamnet. |
Bà Khanh cho biết, hiện Việt Nam đang đi đầu đầu tranh không xây dựng nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông nhưng nay nếu cho phép xây nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Hồng tức đi ngược lại cái mình đang đấu tranh.
Người đứng đầu GreenID cũng đặt câu hỏi về mục tiêu của dự án.
Theo đó nếu chỉ vì mục tiêu thông thủy, lợi nhuận kinh tế mà phải đánh đổi tác động về môi trường là không đáng. Mặt khác khi đưa ra dự án phải dựa trên quy hoạch, chiến lược của ngành.
Trước khi phê duyệt dự án, bà Khanh nhấn mạnh phải có đánh giá tác động tích lũy của cả chuỗi dự án và của từng dự án cụ thể.
“Trước hết phải tham vấn, thảo luận với cộng đồng ven sông, các địa phương vùng hạ lưu nhất là Thủ đô Hà Nội. Phải làm theo Luật bảo vệ môi trường, tham vấn, đăng công khai website để cộng đòng đóng góp ý kiến”, bà Khanh cho hay.
Thu phí trên sông: Chưa từng có!
Tờ Tuổi Trẻ cho hay, khi góp ý về đề xuất của Công ty TNHH Xuân Thiện, văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký, cho rằng nếu dự án phải vay 70% thì vốn chủ sở hữu mà Xuân Thiện phải có sẽ ở mức trên 7.300 tỉ đồng, trong khi đó vốn điều lệ hiện nay của Xuân Thiện mới có 1.200 tỉ đồng.
Việc các ngân hàng cho vay hay không cũng chưa thể khẳng định.
Và với dự án quy mô lớn như vậy, khả năng tăng vốn đầu tư, chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính là điều có thể xảy ra.
Bộ Tài chính cũng thể hiện băn khoăn về giá điện mà Xuân Thiện tính toán có thể bán ra ở mức 1.900 đồng/kWh. “Nguồn thu từ bán điện là rủi ro tài chính lớn” - Bộ Tài chính nêu.
Tương tự, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi góp ý dự án cũng nói thẳng: Các thủy điện trên sông Hồng hiện chưa có trong quy hoạch điện VII mà Thủ tướng vừa thông qua.
Vì chưa có khảo sát về địa chất, thủy văn, nên EVN chưa đủ cơ sở để góp ý xem hiệu quả của 6 thủy điện mà Xuân Thiện xin đầu tư như thế nào cũng như sản lượng các thủy điện này có thể phát.
Trong khi đó, VOV dân nguồn tin từ Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) lo ngại, nếu số công trình đập giao thông kết hợp với thủy điện nhiều sẽ ảnh hưởng tới quá trình vận tải lưu thông trên tuyến cũng như gây ra những sự bất tiện cho các phương tiện thủy.
Với 6 đập dâng nước dâng, dòng sông Hồng đương nhiên bị chia cắt thành 7 khúc khiến giao thông đường thủy sẽ không thể thông suốt.
Các phương tiện thủy sẽ chỉ có thể vận chuyển từng chặng ngắn và buộc phải sử dụng hệ thống 7 cảng sông dọc tuyến như phương án của nhà đầu tư. Nói các khác các cảng giống như trạm thu phí trên sông.
Khi đó, toàn bộ tàu thuyền sẽ phải sử dụng hệ thống cảng của nhà đầu tư. Và thêm nữa, tất cả hoạt động giao thương đường thủy của người dân sẽ phải chịu thêm một khoản phí trong khi trước đến nay giao thông đường thủy là tự do.