Thông báo số 522/TB-VPCP ngày 14/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị có nêu: Về thu hút chuyên gia nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách đặc thù nhằm thu hút nhân tài là những nhà giáo, nhà khoa học về làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học với chế độ đãi ngộ tốt, cơ chế làm việc thuận lợi.
Tuy nhiên, việc thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc tại các trường đại học ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đột phá
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Tường Lân - Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế chia sẻ: “Việc xây dựng đề án, cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và sử dụng chuyên gia nước ngoài mang ý nghĩa quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”.
Thầy Lân cho rằng, nếu có đề án, cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng giảng viên nước ngoài sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao; thay đổi tư duy và văn hóa tổ chức.
Cụ thể, khi các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu sẽ chuyển giao tri thức, kinh nghiệm và các phương pháp giảng dạy, nghiên cứu hiện đại từ nhiều nền giáo dục. Điều này giúp cơ sở giáo dục Việt Nam tiếp cận đa dạng các chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong xu thế toàn cầu hóa, việc cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có đội ngũ chuyên gia nước ngoài giúp tăng cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi, không chỉ giúp tiếp cận các đối tác quốc tế, đa quốc gia, nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục mà còn tạo cơ hội để tham gia mạng lưới hợp tác quốc tế và các dự án nghiên cứu đa quốc gia.
Các chuyên gia nước ngoài mang lại nguồn tri thức phong phú, góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, y học.
Sự tham gia đào tạo của các chuyên gia quốc tế có thể tạo ra động lực đổi mới trong tư duy quản lý và vận hành của các cơ sở giáo dục. Điều này giúp các cơ sở trở nên chuyên nghiệp hơn, sáng tạo hơn và sẵn sàng thích nghi với những thay đổi.
“Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài trong nước. Việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài giúp bổ sung vào đội ngũ giảng viên trình độ cao trong nước”, thầy Lân nhận định.
Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, xây dựng cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút, sử dụng chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về nước công tác tại các cơ sở giáo dục là rất quan trọng và cần có sự phối hợp của nhiều Bộ liên quan.
“Việc có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu cũng như làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam trước tiên sẽ giúp các cơ sở này được học hỏi và tiếp thu nền tảng khoa học ở quốc tế.
Thứ hai, việc có giảng viên người nước ngoài tham gia giảng dạy, cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo được môi trường giao lưu đa văn hóa. Từ đó, tạo điều kiện để sinh viên được tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, mở cơ hội kết nối làm việc tại môi trường quốc tế trong tương lai.
Thứ ba, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài công tác tại cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng góp phần mở rộng mạng lưới chuyên gia trong từng lĩnh vực đào tạo, tăng cường chất lượng nghiên cứu khoa học cho nhà trường.
Có được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài sẽ giúp cho danh tiếng của nhà trường được nâng lên bằng việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, công bố khoa học. Đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài kết nối, giới thiệu cho nhà trường những giảng viên người nước ngoài có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu, hoạt động học thuật đủ uy tín, phù hợp về công tác giúp nâng cao chất lượng đào tạo cho nhà trường”, thầy Đăng chia sẻ.
Cùng chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo trường đại học ở phía Nam khẳng định:
“Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều mong muốn có được đội ngũ giảng viên dạy tốt, nghiên cứu giỏi, nhất là giảng viên người nước ngoài có trình độ, kinh nghiệm, đóng góp phù hợp với định hướng phát triển của trường.
Trong bối cảnh hội nhập, việc có được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo (nhất là đối với đào tạo sau đại học). Bên cạnh đó, việc sử dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài sẽ giúp người học trang bị kỹ năng hội nhập quốc tế được tốt hơn”.
Vị này cũng cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường trong việc xây dựng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giảng viên là các giáo sư, nhà khoa học nước ngoài về thỉnh giảng, nhà nước cần quan tâm bằng việc xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để đủ sức thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài cũng như người Việt Nam đang công tác, giảng dạy ở trường đại học nước ngoài về Việt Nam.
Còn nhiều vướng mắc
Thầy Lân cho biết, tại Đại học Huế, hiện có hơn 4.000 viên chức và người lao động, trong đó có 2.635 nhà khoa học, giảng viên và nghiên cứu viên (chiếm tỉ lệ hơn 64%); có 286 giáo sư, phó giáo sư; 35 giáo sư danh dự người nước ngoài, 800 tiến sĩ, 1.950 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 2.
Với định hướng phát triển thành đại học quốc gia theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại học Huế xác định chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và quan hệ quốc tế đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển. Và thu hút giảng viên chất lượng cao là nhiệm vụ tiên quyết để thực hiện thành công chiến lược này. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong nước, Đại học Huế định hướng phát triển đội ngũ chuyên gia, giảng viên nước ngoài, bổ sung nguồn nhân lực quốc tế nhằm đa dạng nguồn lực.
Tuy nhiên, tuyển dụng giảng viên nước ngoài ở Đại học Huế đang gặp một số trở ngại như: thủ tục pháp lý không thuận lợi, chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn, rào cản ngôn ngữ trong môi trường học thuật, thiếu nguồn lực cho nghiên cứu, hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, thầy Lân cho rằng chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn khi các cơ sở giáo dục đại học công lập với mức chi lương và phúc lợi không cao, các hỗ trợ khác như bảo hiểm y tế, nhà ở, chi phí sinh hoạt cũng hạn chế.
“Tự chi trả mức lương đủ hấp dẫn sao cho thu hút giảng viên nước ngoài trình độ cao là một bài toán khó. Ngay tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học công lập như Đại học Huế cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ với các trường quốc tế. Hiện nay, người nước ngoài làm việc tại Đại học Huế hầu hết là các chuyên gia phái cử và tình nguyện viên (của Chương trình Fulbright - Hoa Kỳ, Tổ chức JICA - Nhật Bản, KOICA - Hàn Quốc, Học viện King Sejong (Hàn Quốc) và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức), các chương trình, dự án hợp tác của Đại học Huế và nước ngoài", thầy Lân cho hay.
Ngoài ra, một số rào cản khác trong thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam như: khó tham gia giảng dạy hoặc nghiên cứu khi hầu hết chương trình học có ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt. Giảng viên nước ngoài đến làm việc toàn thời gian ở một cơ sở giáo dục đại học không có đủ lớp để dạy. Cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học chưa hiện đại, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế, thiếu các chương trình hợp tác quốc tế lớn, làm giảm sức hút của cơ sở giáo dục công đối với các chuyên gia muốn phát triển sự nghiệp nghiên cứu.
Tại Hà Nội, một số cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng hệ thống các giải pháp nhằm thu hút và hỗ trợ giảng viên người nước ngoài đến thỉnh giảng. Tuy nhiên, để tuyển dụng được đội ngũ giảng viên người nước ngoài, hoặc tạo cơ chế để giảng viên người nước ngoài công tác từ 6 tháng - 1 năm ở trường đại học Việt Nam là điều không đơn giản.
Và đây cũng là một khó khăn đối với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Thầy Đăng chia sẻ, nhà trường cũng xây dựng vị trí việc làm cho giảng viên, chuyên gia người nước ngoài với mức lương hấp dẫn nhưng vẫn không đủ sức hút. Bởi, ngoài lương, họ cần được tháo gỡ những khó khăn khác liên quan đến thủ tục hành chính.
“Nhiều chuyên gia đến nhà trường làm việc có nguyện vọng gắn bó lâu dài nhưng khó khăn trong xin visa. Hơn nữa, đôi khi việc thanh toán cho chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài cần nhiều giấy tờ chứng minh, trong khi đó, có những giấy tờ mà các quốc gia không thể cung cấp ra bên ngoài.
Chính những khó khăn trên khiến cho số lượng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài về làm việc lâu dài ở các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam chưa nhiều”, thầy Đăng chia sẻ.
Tương tự, việc có cơ chế chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về công tác tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn.
“Thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về công tác tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam không đơn giản nên cơ chế chính sách cần phải đột phá, đủ sức khiến cho họ mạnh dạn đánh đổi nhiều thứ khác để về Việt Nam làm việc lâu dài”, thầy Đăng bày tỏ.
Xây dựng cơ chế thông thoáng, chính sách hỗ trợ toàn diện và hấp dẫn
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam cần cụ thể, đủ mạnh, bảo đảm tháo gỡ những vướng mắc, giúp các trường chiêu mộ được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giỏi, gắn bó lâu dài.
Vị hiệu trưởng trường đại học ở phía Nam cho rằng, cơ chế, chính sách phải hướng tới thu hút và giữ chân được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học làm việc ở Việt Nam lâu dài. Cơ chế, chính sách đột phá thể hiện qua lương, thưởng, đãi ngộ tương xứng.
Ngoài cơ chế của nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài trong quá trình làm việc, xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp lành mạnh, tương hỗ.
Đặc biệt, đối với chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực công nghệ kỹ thuật về làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, nhà nước cần chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, phòng lab hiện đại để họ phát huy được khả năng nghiên cứu, dẫn dắt nghiên cứu tốt nhất cho người học.
Thêm nữa, nếu chỉ chiêu mộ một mình chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài về Việt Nam làm việc lâu dài thì rất khó. Bởi, bản thân các nhà khoa học có vợ con, người thân định cư ở nước ngoài, để họ yên tâm về Việt Nam công tác giảng dạy lâu dài thì phải tính đến việc có nhà ở công vụ cho chuyên gia để họ có thể đưa người thân cùng về Việt Nam định cư, làm việc.
Thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam là hoạt động nhằm phát triển bền vững nhưng cũng có phần hạn chế. Song, đối với người Việt Nam giảng dạy ở trường nước ngoài đang có thu nhập cao, có quốc tịch và gia đình ở nước ngoài, để thu hút họ về nước làm việc thì cần phải có chính sách đủ hấp dẫn.
Đồng tình với đề xuất trên, thầy Đăng cho biết, chuyên gia nước ngoài không thể về Việt Nam gắn bó lâu dài 1-2 năm mà sống xa gia đình của họ. Do đó, họ thường mong muốn có thể đưa cả gia đình (trước mắt là vợ, con) từ nước ngoài về Việt Nam. Muốn làm được điều này thì Việt Nam cũng cần có chính sách hỗ trợ ăn ở cho chuyên gia và gia đình của họ.
“Nếu chỉ dừng lại ở việc trả lương cao, không có chính sách hỗ trợ bước đầu về nhà ở thì khó thu hút được chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài về Việt Nam”, thầy Đăng chia sẻ.
Ngoài ra, thầy Đăng cho rằng phải chỉnh sửa nhiều luật thì mới tạo cơ chế thông thoáng. Hiện nay các quy định liên quan đến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ khá chặt chẽ, có phần gây khó cho đội ngũ nhà nghiên cứu trong việc giải trình, mua sắm thiết bị phục vụ nghiên cứu; vấn đề giải ngân.
“Cần thiết phải cải cách thủ tục hành chính triệt để, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học để bảo đảm cho nhà khoa học có điều kiện sáng tạo, nghiên cứu và phát huy năng lực. Bởi, đã có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài quyết định về nước nghiên cứu nhưng do thủ tục hành chính liên quan đến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ dày đặc, phức tạp nên họ ngại về nước làm nghiên cứu”, thầy Đăng đề xuất.
Từ những khó khăn hiện nay, thầy Lân cho rằng, xây dựng cơ chế chính sách đột phá cần quan tâm đến việc đơn giản hóa thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc cấp visa, giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Đặc biệt, cần phân cấp trong việc cấp phép cho các thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận chuyên gia, giảng viên và tình nguyện viên người nước ngoài đến thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyên môn, trao đổi học thuật, hỗ trợ giảng dạy từ 90 ngày trở lên.
Các cơ sở giáo dục được trao quyền chủ động trong tuyển dụng giảng viên nước ngoài. Cải thiện mức lương và chính sách đãi ngộ cho giảng viên nước ngoài; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và tạo môi trường nghiên cứu hấp dẫn.
Mở rộng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Xây dựng chương trình đào tạo với tỷ lệ các học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tôi cho rằng cần làm nhiều việc để cơ chế, chính sách hiệu quả. Bên cạnh mức lương, đãi ngộ hấp dẫn, việc ban hành chính sách, cơ chế ưu tiên đóng vai trò chiến lược trong việc nâng tầm vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Có đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài là tín hiệu đáng mừng và cần thiết. Điều kiện để đề án đạt hiệu quả là đảm bảo cho họ không bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính và có chính sách đãi ngộ hấp dẫn", thầy Lân chia sẻ.
Được biết, trong Chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, đối với lĩnh vực đào tạo, Đại học Huế đặt mục tiêu giai đoạn 2021- 2026 có ít nhất 2% giảng viên, chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu, làm việc tại Đại học Huế hàng năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Tiến sĩ Lê Văn Tường Lân cho biết Đại học Huế quyết tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ toàn diện và hấp dẫn đặc thù. Cụ thể:
Chính sách đãi ngộ tài chính:
• Xây dựng chính sách lương, thưởng dựa trên hiệu quả công việc: dựa trên thành tích nghiên cứu, giảng dạy, đóng góp phát triển hoặc kêu gọi phát triển Đại học Huế.
• Hỗ trợ ban đầu: Hỗ trợ di chuyển, chi phí định cư.
• Hỗ trợ nhà ở: Cung cấp chỗ ở tại chỗ tiện nghi, phương tiện di chuyển.
Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc
• Trang thiết bị hiện đại: Bảo đảm phòng thí nghiệm, thư viện và các thiết bị giảng dạy hiện đại.
• Môi trường làm việc quốc tế: Phát triển không gian làm việc đa văn hóa, hỗ trợ làm việc nhóm và giao lưu học thuật.
Chính sách hỗ trợ pháp lý và hành chính
• Hỗ trợ thủ tục: Hỗ trợ xin cấp thị thực, giấy phép lao động và các thủ tục liên quan.
• Hỗ trợ gia đình: Hỗ trợ visa, dịch thuật, miễn học phí con em học tại Đại học Huế.
Cơ hội phát triển nghề nghiệp
• Hỗ trợ nghiên cứu: Cung cấp các khoản tài trợ nghiên cứu, cơ hội hợp tác quốc tế và quyền truy cập vào các cơ sở nghiên cứu.
• Phát triển chuyên môn: Tạo điều kiện tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế và đào tạo nâng cao.
• Lộ trình thăng tiến: Xây dựng chính sách minh bạch về lộ trình thăng tiến nghề nghiệp.
Chính sách xã hội và văn hóa
• Chương trình hòa nhập: Tổ chức các chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam và hỗ trợ giảng viên quốc tế làm quen với môi trường sống và làm việc tại Huế.
• Hoạt động giao lưu: Xây dựng các câu lạc bộ, chương trình giao lưu để tăng cường kết nối giữa giảng viên trong và ngoài nước.
• Hỗ trợ ngôn ngữ: Cung cấp các khóa học tiếng Việt miễn phí cho giảng viên nước ngoài và gia đình.
Quảng bá và xây dựng thương hiệu
• Hợp tác quốc tế: Mở rộng quan hệ với các tổ chức giáo dục, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quốc tế.