Theo công văn số 21-CV/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18, có một số mốc thời gian sắp xếp, tinh gọn liên quan đến các cơ quan báo chí. Theo đó, nhiều cơ quan báo chí sẽ sắp xếp tinh gọn và có một số kênh truyền hình sẽ kết thúc hoạt động trước ngày 15/1/2024.
Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm, đặc biệt là với học sinh lớp 12 có mong muốn theo học các ngành đào tạo về báo chí. Bởi, trong những năm học gần đây, ngành Báo chí được coi là ngành học “hot” mỗi mùa tuyển sinh khi điểm chuẩn đầu vào luôn cao chót vót, thậm chí gần đạt ngưỡng 30 điểm.
Có tác động nhưng không ảnh hưởng nhiều
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết: Việc sắp xếp và tinh gọn một số cơ quan báo chí chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quyết định lựa chọn ngành học của thí sinh nói chung trong năm 2025, trong đó có ngành Báo chí.
Tuy nhiên, ảnh hưởng này không đáng kể, có thể mang tính chất đa chiều và sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, cả từ phía thí sinh lẫn hệ thống các cơ sở đào tạo.
Theo quan điểm của thầy Tuyền, với sự phát triển của xã hội, nhất là sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là nhu cầu về thông tin và truyền thông đang làm cho xã hội hiện đại chuyển dịch sang xã hội thông tin. Nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, tổ chức và doanh nghiệp ngày càng tăng. Nhu cầu tuyển dụng của các tổ chức, doanh nghiệp đối với nhân lực ngành Báo chí bức thiết hơn và đã hình thành nên một thị trường nhân lực sôi động.
Khi nhu cầu nhân lực cao góp phần giúp ngành Báo chí trở thành một trong những ngành học tiềm năng được nhiều thí sinh lựa chọn. Điều này cũng góp phần khiến điểm chuẩn ngành Báo chí ở một số cơ sở giáo dục đại học tăng cao, trong đó có Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Thầy Tuyền chia sẻ, ngành Báo chí được thí sinh quan tâm và yêu thích là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số khi đã đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn với các công việc như cung cấp thông tin, sản xuất nội dung, quản lý chiến lược truyền thông, xây dựng các chiến dịch truyền thông số.
Trên thực tế, những nhân lực được đào tạo ở các ngành học như Báo chí, Truyền thông là phù hợp nhất với những công việc này.
Thứ hai, ngành Báo chí không chỉ có thể làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền hình, đài phát thanh mà còn mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác như truyền thông doanh nghiệp, quan hệ công chúng, marketing, sáng tạo nội dung trên các nền tảng số, sản xuất phim tài liệu, video viral, tổ chức sự kiện, quản lý thương hiệu,…
Tất cả những cơ hội nghề nghiệp này đều yêu cầu một lượng lớn nhân lực có kiến thức vững về báo chí và khả năng sử dụng công nghệ để phục vụ cho việc truyền tải thông tin.
“Như vậy có thể thấy, nhu cầu thị trường lao động đối với ngành Báo chí rất đa dạng và phong phú.
Sinh viên học ngành Báo chí sau khi ra trường không chỉ làm việc ở trong các cơ quan báo chí, các cơ quan nhà nước mà một số lượng lớn nhân lực làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp, những nơi có nhu cầu rất lớn cho việc đưa thông tin của doanh nghiệp đến với xã hội, truyền thông sản phẩm ra thị trường.
Cơ hội việc làm của cử nhân báo chí cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều dù có sắp xếp, tinh gọn các cơ quan báo chí”, thầy Tuyền nêu quan điểm.
Cùng bàn luận về nội dung này, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thuỷ - Trưởng khoa Viết văn, Báo chí (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) đánh giá cao định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng. Không riêng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông mà ở tất cả các lĩnh vực khác đều sẽ có những thay đổi, ảnh hưởng nhất định tới thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và con đường phát triển sự nghiệp tương lai của bản thân.
Theo cô Thủy, ảnh hưởng, tác động lớn nhất đến thí sinh là sẽ phải xem xét, tìm hiểu, đánh giá đầy đủ, thực tế hơn về ngành học và lĩnh vực nghề nghiệp gắn với nhu cầu, nguyện vọng, năng lực bản thân để không có quyết định thiên về cảm tính hoặc “a dua” theo số đông.
“Thực tế báo chí cũng là ngành học đặc thù, có tính phân hóa cao nên đây cũng là một căn cứ để thí sinh định vị rõ hơn lựa chọn của bản thân mình”, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh.
Cơ sở giáo dục đại học cần linh hoạt hơn trong công tác đào tạo
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Báo chí là một trong những ngành học hot của trường và đứng đầu trường về điểm chuẩn đầu vào.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Triệu Thanh Lê - Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, trường chưa có phương án tuyển sinh cho năm 2025. Thế nhưng trong giai đoạn này, Khoa và Trường sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, trao đổi với các bên tuyển dụng để xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu thị trường tuyển dụng cho khoá tuyển sinh 2025 sắp tới.
Tiến sĩ Triệu Thanh Lê thông tin thêm, Khoa thường xuyên thực hiện cải tiến chương trình đào tạo để thích ứng với những thay đổi của xã hội. Đồng thời giúp người học có những kiến thức, kỹ năng làm báo, làm truyền thông trên các nền tảng số, thích ứng với các công việc sau khi tốt nghiệp.
Trước lo ngại về việc khi cơ quan báo chí tinh gọn, thu hẹp lại thì cơ hội việc làm sẽ khó khăn hơn, cô Lê cho hay nhà trường sẽ tích cực công tác tư vấn dựa trên thông tin, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng trong lĩnh vực báo chí để có thể định hướng công việc phù hợp cho người học.
Mặc dù nhận định việc sắp xếp, tinh gọn một số cơ quan báo chí sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh năm 2025 và ngành Báo chí dự báo vẫn giữ được vị thế vốn có, song Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền cũng cho rằng các đơn vị đào tạo ngành báo chí cần linh hoạt trong định hướng đào tạo để thích ứng với thời cuộc.
Theo thông tin thầy Tuyền chia sẻ, để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo, trong đó có ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã căn cứ vào nhiều tiêu chí khác nhau, kết hợp các tiêu chí để đưa ra chỉ tiêu phù hợp.
Nhà trường đánh giá nghiêm túc về khả năng đáp ứng về đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất để xác định số lượng sinh viên tuyển sinh hợp lý, đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhà trường sẽ dựa theo nhu cầu nhân lực của xã hội và thị trường lao động đối với ngành nghề đó để có thể xác định chỉ tiêu cho phù hợp. Sự nghiên cứu này được thực hiện liên tục dựa theo những biến động của xã hội, của thị trường chứ không mang tính thời điểm.
Trong khi đó, theo quan điểm của Trưởng khoa Viết văn, Báo chí (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) là Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thuỷ, Báo chí là một ngành học năng động, có tính liên ngành cao nên cơ hội việc làm rất triển vọng.
Theo đó, các kiến thức, kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập không chỉ đáp ứng chuẩn đầu ra trong hoạt động báo chí mà còn có thể được ứng dụng trong một số lĩnh vực liên quan: thông tin, truyền thông, marketing, quảng cáo, xuất bản, tổ chức sự kiện...
Vì thế người học sau khi tốt nghiệp có thêm những cơ hội rộng mở để lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường bản thân, bao gồm cả vị trí trong lẫn ngoài công lập, toàn thời gian hay bán thời gian, thậm chí là công việc tự do theo năng lực và sở thích cá nhân trên môi trường kinh tế số mà vẫn có thu nhập ổn định.
Ngoài tính năng động và yêu cầu thực hành, thực tế cao, Báo chí cũng là ngành học gắn với sự sáng tạo và nhiều trải nghiệm nghề nghiệp thú vị. Điều này cũng là yếu tố khiến các bạn trẻ bị thu hút nhiều hơn so với các ngành học có vẻ “tĩnh” hơn.
Bên cạnh đó, đây còn là ngành học có ảnh hưởng, tác động xã hội trên nhiều phương diện. Ngoài cơ hội việc làm rộng mở, những người thực học, thực tài cũng có nhiều điều kiện để khẳng định, phát triển sự nghiệp. Qua đó khẳng định “thương hiệu” cá nhân và vai trò, trách nhiệm của bản thân với xã hội.
Từ bức tranh thực tế hiện nay, cô Thủy cho rằng, sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí sẽ không ảnh hưởng nhiều tới công tác tuyển sinh của các đơn vị xét về số lượng nguồn tuyển. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành báo chí cũng cần xác định chỉ tiêu đầu vào dựa trên các tiêu chí cả khách quan lẫn chủ quan và lấy đảm bảo chất lượng làm tiêu chí cao nhất để xây dựng, khẳng định thương hiệu đào tạo chứ không tuyển sinh một cách “ồ ạt” chạy theo số lượng.