Cú lội ngược dòng "bão lửa" của Donald Trump trong quan hệ Nga - Mỹ

17/07/2018 14:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Donald Trump và Vladimir Putin có thể ngồi lại được với nhau là tin vui chung cho toàn cầu, và cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Quan hệ Nga - Mỹ chưa bao giờ tồi tệ hơn, nhưng nó đang thay đổi"

Reuters ngày 16/7 đưa tin: "Sốc, báo động khi Donald Trump ủng hộ Putin về sự can thiệp (được cho là của Nga vào) bầu cử (Tổng thống Mỹ 2016) tại hội nghị thượng đỉnh".

Ngày 16/7 hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã gặp nhau tại Helsinki, thủ đô của Phần Lan, Tổng thống Mỹ đã từ chối mọi "gợi ý" từ truyền thông về việc đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ.

Động thái này đã châm ngòi cho những lời chỉ trích ông tại Hoa Kỳ.

3 ngày trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo một bản cáo trạng về việc 12 điệp viên Nga đột nhập vào mạng máy tính của Đảng Dân chủ Mỹ.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Helsinky, Phần Lan. Ảnh: Alexei Nikolsky/AP.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Helsinky, Phần Lan. Ảnh: Alexei Nikolsky/AP.

Khi báo chí hỏi Donald Trump, liệu ông có tin kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 hay không, ông trả lời:

"Tôi không thấy có lý do nào để xảy ra chuyện đó. Tổng thống Vladimir Putin đã phản đối mạnh mẽ, rất mạnh mẽ hôm nay."

Vài giờ sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter:

"Tôi có niềm tin tuyệt vời vào đội ngũ tình báo của mình.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng, để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, chúng ta không thể chỉ chăm chăm vào quá khứ, vì 2 nước là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, chúng ta phải hòa hợp với nhau."

Những lời ấm áp của Donald Trump với Nga càng trở nên tương phản rõ rệt với những gì ông đã khiển trách các đồng minh truyền thống của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh NATO và chuyến thăm Vương quốc Anh tuần trước.

Khi được hỏi Putin có phải là một đối thủ hay không, ông Donald Trump trả lời:

"Thực ra tôi gọi ông ấy là một đối thủ cạnh tranh, và là một đối thủ tốt. Và tôi nghĩ đối thủ cạnh tranh là một lời khen."

Tổng thống Mỹ cũng kiềm chế không công khai chỉ trích Nga vì vụ sáp nhập Crimea năm 2014, Reuters xem đây là thắng lợi của Tổng thống Vladimir Putin trong bối cảnh phương Tây tiếp tục cô lập ông.

Sau cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki, một làn sóng chỉ trích Donald Trump đã nổi lên trong bối cảnh Nhà Trắng phải vật lộn trong nhiều tháng qua để xua tan ý kiến rằng Donald Trump không muốn chống lại Nga.

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, ảnh: The Duran.
Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, ảnh: The Duran.

Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nói Donald Trump là "phản bội", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain thì xem cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Nga là "sai lầm bi thảm".

Cựu Giám đốc FBI James Comey, người bị ông Donald Trump sa thải, tuyên bố, ông không chia sẻ quan điểm này của Tổng thống:

"Chúng tôi đã rất rõ ràng trong các đánh giá về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 và những nỗ lực đang diễn ra của họ để làm suy yếu nền dân chủ của chúng tôi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin khách quan và minh bạch để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta." 

Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin nói về tầm quan trọng của hợp tác Nga - Mỹ và ca ngợi người đồng cấp Donald Trump, đồng thời tặng ông một quả bóng đá.

Putin đã đề nghị các nhà điều tra Mỹ có thể tới Nga để thẩm vấn những người Nga mà Washington buộc tội can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ, miễn là các nhà điều tra Nga được làm điều tương tự với các điệp viên Mỹ hoạt động tại Nga. [1]

Tổng thống Donald Trump chấp nhận lội ngược dòng "bão lửa"

Cú lội ngược dòng "bão lửa" của Donald Trump trong quan hệ Nga - Mỹ ảnh 3

Donald Trump gặp Vladimir Putin để "yên" Nga, "bình" Trung Quốc?

Theo AP, phản ứng gay gắt với kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga đến từ các thượng nghị sĩ của cả 2 đảng Dân chủ, Cộng hòa và các quan chức tình báo Hoa Kỳ.

Nhưng điều đáng chú ý là những phản ứng gay gắt nhất lại đến từ nội bộ đảng Cộng hòa.

Thượng nghị sĩ John McCain gọi đó là một trong những màn trình diễn "đáng hổ thẹn nhất" của một Tổng thống Mỹ.

Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đảng Cộng hòa bình luận: "Đây là một ngày tốt của Tổng thống Putin".

Thượng nghị sĩ Ben Sasse gọi hội nghị này là "kỳ quái"; Thượng nghị sĩ Jeff Flake bình luận cuộc gặp này "thật đáng xấu hổ"

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham viết trên Twitter: Đó là một ngày tồi tệ với Hoa Kỳ...[2]

Cá nhân người viết cho rằng, phản ứng của các chính khách lưỡng đảng và cộng đồng tình báo Hoa Kỳ cho thấy:

Một là tin đồn vẫn có đất sống và ảnh hưởng không nhỏ đến nền chính trị Hoa Kỳ;

Hai là tư duy Chiến tranh Lạnh vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thông và chính giới 2 nước Nga - Mỹ.

Chúng tôi chú ý đến đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin:

Mỹ có thể sang Nga thẩm vấn những người Washington buộc tội đã can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ, với điều kiện đồng ý cho Moscow làm điều tương tự với các nhân viên tình báo Mỹ.

Đề xuất này có lẽ phản ánh một cách chân thực nhất hoạt động tình báo và phản gián của các siêu cường. 

Chưa cần nói một đối thủ như Nga, ngay cả các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ như Đức, Pháp hay Nhật Bản cũng không nằm ngoài mục tiêu mà các cơ quan tình báo Hoa Kỳ nhắm tới.

Thủ tướng Đức Angerla Merkel cũng trở thành nạn nhân bị tình báo Hoa Kỳ nghe lén, ảnh: The Telegraph.
Thủ tướng Đức Angerla Merkel cũng trở thành nạn nhân bị tình báo Hoa Kỳ nghe lén, ảnh: The Telegraph.

Giám đốc NSA James Clapper cũng đã từng xác nhận, chính quyền Barack Obama đã triển khai một chương trình "giám sát" cả thế giới, bất luận đồng minh hay đối thủ, và điều này được Quốc hội Mỹ cho phép.

Vì thế, cuộc chiến tình báo và phản gián mặc nhiên là một phần của quan hệ giữa các siêu cường.

Mỹ - Nga - Trung Quốc không chỉ do thám lẫn nhau, mà còn do thám và tìm cách gây ảnh hưởng lên các nước còn lại trên thế giới mà họ có lợi ích. 

Cho nên những phản ứng với cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ từ chính giới Hoa Kỳ phản ánh tư duy Chiến tranh Lạnh nhiều hơn là vì lợi ích quốc gia.

Nhưng những tiếng la ó ấy khó có thể ảnh hưởng đến Tổng thống Donald Trump.

Các thượng nghị sĩ và cộng đồng tình báo lẫn truyền thông Hoa Kỳ đang dồn dập công kích ông Donald Trump là "biểu hiện đặc trưng của nền dân chủ Mỹ".

Cho nên, những quan điểm cho rằng ông Donald Trump "tiếp tay" cho ông Vladimir Putin phá hủy hệ giá trị Mỹ dường như mâu thuẫn với chính những gì những người có quan điểm này đang được tự do thể hiện.

Và tốt hơn, họ nên nhìn lại những vụ bê bối mà tình báo Mỹ nhằm vào chính các đồng minh thân thiết nhất của mình.

Tổng thống Donald Trump cắt giảm các thủ tục hành chính, cải cách thuế khóa. Ảnh: CNN.
Tổng thống Donald Trump cắt giảm các thủ tục hành chính, cải cách thuế khóa. Ảnh: CNN.

Kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền, kinh tế Mỹ đã được cải thiện, tổ chức bộ máy ngày càng tinh gọn hơn, các thủ tục hành chính rườm rà đã, đang và sẽ tiếp tục bị cắt bỏ, để tối ưu hóa hiệu suất và độ minh bạch của bộ máy nhà nước.

Phải chăng ông Donald Trump đang động đến nồi cơm của nhiều công chức Mỹ nên bị phản ứng dữ dội như vậy?

Bóng dáng Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga

Chúng tôi cho rằng, việc lãnh đạo 2 siêu cường quân sự sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới ngồi lại với nhau, trao đổi thẳng thắn về những khác biệt cũng như nỗ lực tìm tiếng nói chung là một tin vui đối với phần còn lại của thế giới.

Vành đai và Con đường, phân tích - bình luận

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận mọi thứ, "từ thương mại đến quân sự, từ tên lửa hạt nhân cho đến Trung Quốc" [3], là điều hết sức đáng chú ý. 

Đáng chú ý hơn, ngày 12/7 tờ Pravda của Nga có bài xã luận đặt thẳng vấn đề: "Bắc Kinh đang hất cẳng Nga và Mỹ khỏi Trung Đông". [4]

Bài xã luận cho rằng, Trung Quốc có ý đồ hất cả Nga lẫn Mỹ ra khỏi Trung Đông, nhưng không bằng con đường quân sự, mà bằng các thủ đoạn tài chính để khiến các quốc gia Trung Đông ngày càng lệ thuộc vào họ về kinh tế.

Bình luận của Pravda được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi ông Tập Cận Bình tuyên bố tại phiên khai mạc hội nghị lần thứ 8 cấp bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - các nước Ả Rập ngày 10/7, Bắc Kinh sẽ cung cấp 23 tỷ USD tín dụng cho các quốc gia này. [5]

Về phía Hoa Kỳ, Ray Washburne - Giám đốc điều hành Tổ chức đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC), một cơ quan thuộc chính phủ Mỹ, ngày 16/7 nói với Reuters:

Cú lội ngược dòng "bão lửa" của Donald Trump trong quan hệ Nga - Mỹ ảnh 6

Trung Quốc đã bẫy và ép Sri Lanka "hai tay dâng cảng chiến lược" như thế nào?

Chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang tạo ra bẫy nợ cho nhiều quốc gia nghèo. 

Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF Christine Lagarde tháng Tư vừa qua cũng cảnh báo các nước mục tiêu của Vành đai và Con đường, cần xem xét kỹ rủi ro tài chính, bởi "không có bữa trưa nào miễn phí".

Còn ông Ray Washburne nói thẳng ra rằng, các nền kinh tế mục tiêu của Vành đai và Con đường phải chịu quá nhiều khoản nợ, và khi không đủ tiền để trả, Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát. [6]

Có thể thấy, cả hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đều đã thấy rõ tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và nguy cơ chung từ Bắc Kinh.

Rất có thể đây là một trong những động lực để Donald Trump và Vladimir Putin ngồi lại với nhau.

Tất nhiên để đi đến những hợp tác cụ thể sẽ còn cần nhiều thời gian và nỗ lực, nhất là trong bối cảnh tồn tại nhiều khác biệt trong nhận thức của cả chính giới lẫn truyền thông hai nước.

Nhưng chí ít hiện nay việc hai nhà lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ và Nga ngồi lại với nhau đã cho thấy, hợp tác giữa Moscow và Washington có triển vọng tăng trưởng hơn so với xu thế cạnh tranh đang chiếm thế thượng phong hiện nay.

Và Bắc Kinh cũng sẽ không khoanh tay ngồi nhìn. 

Nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tham vọng thành siêu cường số 1 và thay thế trật tự toàn cầu hiện nay, có thể thúc đẩy Nga - Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn.

Ngược lại, nếu Bắc Kinh buộc phải hiệu chỉnh chính sách sau những đòn tấn công thương mại của Donald Trump khi đã "yên" xong bán đảo Triều Tiên và củng cố quan hệ với Nga, thì thế chân vạc hiện nay sẽ tiếp tục được duy trì.

Vì vậy có thể thấy chiến lược "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Donald Trump không hề thay đổi, nhưng giải pháp của ông thì quyền biến khác thường.

Hiệu quả chính sách của ông mang lại sẽ giúp Donald Trump trụ vững trước sóng gió chính trường Hoa Kỳ.

Nguồn:

[1]https://www.reuters.com/article/us-usa-russia-summit/trump-and-putin-to-hold-first-summit-talks-as-twitchy-west-looks-on-idUSKBN1K601D

[2]https://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/2155545/shameful-disgraceful-tragic-mistake-and-thats-what

[3]https://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/2155518/i-really-think-world-wants-see-us-get-along-trump

[4]http://www.pravdareport.com/world/asia/13-07-2018/141213-china_usa_russia-0/

[5]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2154642/china-pledges-us23-million-loans-and-aid-arab-states-it

[6]https://www.reuters.com/article/us-usa-africa/china-overloading-poor-nations-with-debt-top-u-s-official-says-idUSKBN1K61YC

Hồng Thủy