Ngày 12/7 vừa qua, tờ Nhân Dân nhật báo đăng bài viết của nghiên cứu viên đặc biệt Viện Nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Trung Quốc Giả Tú Đông về căng thẳng thương mại Trung - Mỹ.
Bài viết có tiêu đề "Kiên trì 5 loại tư duy, để đánh thắng cuộc chiến phản kích tự vệ về thương mại với Hoa Kỳ". Tác giả kết luận:
"Cuộc chiến thương mại này có thể mang đến các nhân tố bất định với kinh tế Trung Quốc cũng như kinh tế toàn cầu.
Nhưng có một điểm xác định không nghi ngờ, đó là không ai ngăn được bước tiến của Trung Quốc.
Đánh thắng trận chiến phản kích tự vệ về thương mại với Hoa Kỳ có thể xem như (chiến dịch) Lạp Tử Khẩu trên con đường trỗi dậy của Trung Quốc." [1]
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Getty Images / Politico. |
Tuy nhiên South China Morning Post ngày 14/7 cho biết, 4 nguồn tin độc lập đang làm việc cho các phương tiện truyền thông Trung Quốc nói với tờ báo này rằng, họ được yêu cầu không được nói quá về chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.
Đặc biệt các tờ báo Trung Quốc phải hết sức thận trọng về việc liên hệ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ với tình hình thị trường chứng khoán Trung Quốc, sự mất giá của đồng nhân dân tệ hay yếu kém của nền kinh tế, tránh lây lan tâm lý hoảng sợ.
Chỉ có một số tờ báo lớn cấp trung ương mới được phép xuất bản những tin tức và biên tập thông tin liên quan đến căng thẳng thương mại Trung - Mỹ.
Truyền thông địa phương và các cổng thông tin internet chỉ được phép lấy lại các bài viết này và không được tự sản xuất.
Việc xuất bản một bản tin dịch tức thời những gì Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter, một trang web bị cấm ở Trung Quốc, có thể bị coi là hành vi phạm tội.
Tuần qua Tổng thống Donald Trump đã đe dọa đánh thuế tiếp với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế suất 10% khiến Bắc Kinh lo ngại bùng phát các phản ứng trên truyền thông.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Năm đã ra tuyên bố rằng, thặng dư thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ không phải lỗi của Trung Quốc.
Trung Quốc đối mặt với 2 lựa chọn ngặt nghèo trước Tổng thống Donald Trump |
Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc ăn cắp công nghệ Mỹ hoặc buộc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ.
South China Morning Post nhận định, Bắc Kinh đang sử dụng một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn nhiều để đối phó với Mỹ, nếu so sánh với việc công khai chỉ trích và sử dụng nhiều thủ đoạn chống lại Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines trong các tranh chấp quá khứ.
Truyền thông Trung Quốc cũng được lệnh giảm bớt đưa tin về kế hoạch "Made in China 2025" và tránh tấn công cá nhân Tổng thống Donald Trump. [2]
Trong một động thái khác đáng chú ý, tờ Đa Chiều có xu hướng bảo vệ quan điểm của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại, ngày 14/7 lại có bài viết: "Đặng Tiểu Bình: phàm nước nào chơi thân với Mỹ đều giàu lên cả!"
Bài viết nhắc lại lời Giáo sư Triệu Khả Kim, Chủ nhiệm Trung tâm Ngoại giao công chúng và chiến lược Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa, trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 18/1/2012:
"Trung Quốc không thể suy bụng ta ra bụng người, tưởng tượng Mỹ là kẻ thù".
Cả hai bài viết này đều nhắc lại cuộc hội thoại giữa Đặng Tiểu Bình với Lý Thận Chi trên chuyên cơ sang Mỹ ngày 28/1/1979 của họ Đặng.
Lúc đó ông Lý Thận Chi là Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ kiêm Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc hỏi Đặng Tiểu Bình:
"Tại sao chúng ta lại coi trọng quan hệ với Mỹ như vậy?"
"Nhìn lại mấy chục năm qua, phàm những nước nào chơi thân với Mỹ đều giàu lên cả!", Đặng Tiểu Bình trả lời.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter ngày 31/1/1979 tại Nhà Trắng, ảnh: Đa Chiều / VCG. |
Đa Chiều cho rằng ý của họ Đặng là Trung Quốc cũng phải như vậy, không thể khác. [3]
Ký giả Katsuji Nakazawa của tạp chí Nikkei Asian Review, Nhật Bản ngày 12/7 nhận định, chính mục tiêu quá tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kích hoạt cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.
Sau khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập Cận Bình đã bỏ chính sách giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình và bắt đầu nói về "phục hưng dân tộc Trung Hoa", hay còn gọi là "Trung Quốc mộng".
Các quan chức cấp cao Trung Quốc cũng đi giải thích về mục tiêu "phục hưng dân tộc Trung Hoa" trên khắp thế giới, bằng cách này ông Tập Cận Bình muốn nói thế giới rằng, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số 1 thế giới.
Tháng Ba năm nay, Quốc hội Trung Quốc đã bãi bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước. Thay vì giấu mình như Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình đã bộc lộ tham vọng quá sớm.
Từ Hoa Kỳ, Donald Trump đã nhận thức được rằng ông không thể ngồi yên khi Trung Quốc tuyên bố sẽ gạt Hoa Kỳ khỏi vũ đài quốc tế chỉ trong 17 năm nữa kể từ bây giờ.
Ông đã tranh cử Tổng thống Mỹ với cam kết "nước Mỹ trên hết".
Khi tuyên bố Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về kinh tế vào năm 2035, có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa nhận ra cái giá họ phải trả cho tuyên bố này.
Đây là lý do tại sao Trung Quốc rất thận trọng trên mặt trận truyền thông trước sức ép từ Hoa Kỳ về thương mại. [4]
Nguồn:
[1]http://opinion.people.com.cn/n1/2018/0712/c1003-30141710.html
[2]https://www.scmp.com/news/china/economy/article/2155264/dont-mention-trade-war-what-china-doesnt-want-people-know-its
[3]http://culture.dwnews.com/history/news/2018-07-14/60070820.html
[4]https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Xi-s-overly-ambitious-goals-triggered-US-China-trade-war