Cứ nghe tin phòng về kiểm tra, cả trường lại nháo nhác "chạy" hồ sơ sổ sách

14/04/2022 06:55
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có trường vì muốn được khen là làm nhiều việc còn kịp tạo ra các kế hoạch ảo để lưu vào hồ sơ báo cáo.

Phòng về!”, đó không đơn giản là một thông báo mà nó hàm chứa biết bao ý nghĩa. Chỉ nghe 2 tiếng ấy thôi thì từ Ban giám hiệu đến giáo viên ở trường học nào cũng đều có chung một trạng thái tâm lý lo lắng, hối hả, gấp rút chuẩn bị mọi thứ trong tư thế sẵn sàng. Sự chuẩn bị ấy, được gói gọn vừa đủ trong một chữ “chạy”.

Điều đáng nói ở chỗ, không riêng địa phương nào mà nhiều đồng nghiệp của người viết ở khắp mọi nơi từ trong Nam hay ngoài Bắc cũng đều chung một phản ánh như thế.

Đổi mới bao năm nhưng giáo viên vẫn phải in hồ sơ để kiểm tra (Ảnh minh họa, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.)

Đổi mới bao năm nhưng giáo viên vẫn phải in hồ sơ để kiểm tra (Ảnh minh họa, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.)

“Chạy kế hoạch”; “chạy hồ sơ sổ sách”

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên), giáo viên ở Gia Lai kể rằng: “Tuần này, phòng giáo dục thông báo về trường kiểm tra. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác nghiệm thu, bàn giao chất lượng, việc dạy học online ứng phó với COVID-19, hồ sơ sổ sách của nhà trường, của giáo viên.

Ban giám hiệu nhà trường mấy ngày nay, xoắn cả lên, bắt giáo viên nộp hồ sơ về trường, chuẩn bị tiết dạy, chất lượng học sinh để họ khảo sát”.

Nhận được thông báo, đương nhiên giáo viên cùng chung tâm trạng cuống quýt để lo hoàn thiện hồ sơ sổ sách vì nếu bị góp ý sẽ bị "vào sổ".

Cô giáo Th. (đề nghị không nêu tên) ở Đắk Nông cũng cho biết: “Ở đây, cứ 2 năm phòng về trường kiểm tra một lần trừ những lần kiểm tra đột xuất. Cứ nghe tin phòng về thì tất cả cùng “chạy”.

Nhà trường thì “chạy kế hoạch” như “đẻ” thêm những công việc đã làm, lên kế hoạch cho những công việc sắp tới.

Cấp tổ thì “chạy” tiết dự giờ như yêu cầu giáo viên ghi khống đã dự được bao nhiêu tiết bằng cách mở giáo án ra chép vào cho đầy sổ để có số liệu báo cáo.

Giáo viên thì "chạy" kế hoạch như kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và chạy giáo án cho đầy đủ, tươm tất.

Thầy giáo H. ở Tiền Giang cũng nói rằng nơi mình còn "chạy" cả sổ ghi đồ dùng dạy học trong khi dịch bệnh, tổ chức dạy online làm gì có sử dụng đồ dùng như trực tiếp?

Vì sao phải “chạy”?

Người ngoài ngành nghe được việc “chạy” kế hoạch, chạy hồ sơ sổ sách đôi khi sẽ thắc mắc và đặt câu hỏi: Vì sao phải chạy? Nếu cứ làm đầy đủ theo quy định thì dù phòng về thanh tra cũng đâu cần phải “chạy” như thế?

Đã là giáo viên, chắc hẳn không dưới một lần bạn đã được ngồi nghe phòng góp ý sau mỗi đợt thanh tra ở trường học nào đó. Và đã nghe rồi, chắc chắn bạn sẽ trả lời được câu hỏi “Vì sao phòng về thanh tra là các trường đều phải “chạy”?

Họ kiểm tra hồ sơ sổ sách nên chỉ cần nhìn vào hồ sơ sổ sách sẽ kết luận nhà trường, giáo viên đã làm được gì. Vì thế, trong mỗi biên bản họp tổ, trường nào cũng yêu cầu các tổ phải ghi rõ ràng, chi tiết ra.

Có trường vì muốn được khen là làm nhiều việc còn kịp cho ra các kế hoạch để lưu vào hồ sơ báo cáo.

Thầy giáo H. nói rằng, họ kiểm tra kiểu “vạch lá tìm sâu” nên sau đợt kiểm tra đều tập trung cả trường lại để ngồi nghe thuyết giáo.

Giáo viên bị góp ý, sau này nhà trường cũng sẽ kiểm điểm thêm một lần nữa. Vì thế phải “chạy” hồ sơ cho hoàn hảo để đỡ bị góp ý.

Còn cô giáo Th. nói rằng, có người góp ý chân tình mang tính xây dựng nhưng cũng có nhiều người góp ý kiểu soi mói, vô cùng khó chịu.

Bao năm đổi mới mà kiểm tra chuyên môn vẫn lối mòn cũ

Ra trường đi dạy đã gần 30 năm, chừng ấy năm, tôi đã chứng kiến ngành giáo dục trải qua khá nhiều cuộc đổi mới. Ít nhất có 2 lần thay chương trình và sách giáo khoa, có đến hàng vài chục lần đổi mới phương pháp và mô hình dạy học. Tuy nhiên, chuyện kiểm tra của cấp phòng thì vẫn y như cũ.

Vẫn yêu cầu giáo viên in nộp hàng chồng hồ sơ, giáo án để ngồi lật giở từng trang giáo án xem giáo viên viết gì? Có đủ các phần hay không? Xem từng trang sổ biên bản, kế hoạch, vào dự giờ xem giáo viên dạy thế nào… để không vừa ý mình điều gì sẽ góp ý.

Còn nhớ, lần phòng giáo dục về kiểm tra trường tôi năm ấy, tổ chuyên môn do tôi làm tổ trưởng đã bị góp ý vì họ cho rằng sổ biên bản ghi quá sơ sài (chỉ 1 trang A4).

Hiệu trưởng nhà trường đã phải rút kinh nghiệm và nhắc nhở các tổ chuyên môn, chúng ta làm những gì thì phải ghi hết ra, ghi chi tiết vào. Mình làm nhiều mà không ghi chẳng ai công nhận cho đâu.

Một đồng nghiệp của tôi ở một trường học khác cho biết, sổ biên bản của tổ họ phải ghi đến cả chục trang, liệt kê một cách chi tiết các công việc đã làm cũng vì sợ bị góp ý như vậy.

Việc phòng dự giờ tiết dạy cũng luôn gây áp lực cho giáo viên, bởi cách nhìn nhận và góp ý. Nhiều người ngồi dự mà luôn săm soi cả những tiểu tiết, chỉ tập trung góp ý giáo viên dạy thế nào chứ không cần quan tâm đến việc học sinh đã học được gì từ tiết học ấy.

Nếu như cấp sở, cấp bộ vào lớp họ chỉ cần dự giờ một hoạt động là ra, những góp ý luôn mang tính xây dựng và khá thoáng thì cấp phòng luôn ngồi đến hết tiết, không ít người luôn áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào tiết dạy của giáo viên nên các thầy cô thường rất áp lực.

Đổi mới trong giảng dạy cũng cần đổi mới trong cách thanh kiểm tra trường học. Việc thanh tra, kiểm tra cần hướng tới chất lượng giáo dục, đừng quá nặng nề về hồ sơ sổ sách hay quá tiểu tiết trong việc dự giờ tiết dạy sẽ tạo áp lực nặng nề cho nhà trường, cho giáo viên và chắc chắn dễ sinh ra chuyện đối phó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương