Với các cơ sở giáo dục, dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn nhất định đối với các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, thi cử... Song đây cũng chính là cơ hội để các trường đại học chú trọng và đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Lùi thời gian thực tập của sinh viên
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, trước những khó khăn chung do đại dịch Covid-19 gây ra, nhà trường đã chủ động thực hiện các giải pháp, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: tdmu.edu.vn) |
“Thời gian qua, Bình Dương trở thành một trong những điểm nóng phòng chống dịch Covid, nhà trường xác định, bối cảnh dịch bệnh cũng chính là điều kiện để đẩy nhanh chuyển đổi số.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc trường phải điều chỉnh một số kế hoạch hoạt động, từ điều hành, quản lý đến tuyển sinh, đào tạo, thi cử đều được chuyển sang hình thức online. Nhà trường cũng chú trọng đầu tư hạ tầng để đảm bảo các hoạt động, chương trình diễn ra trên nền tảng trực tuyến đạt chất lượng tốt nhất”, thầy Hiệp chia sẻ.
Cụ thể, đối với hoạt động tuyển sinh, nhà trường thực hiện đa dạng hóa các phương thức xét tuyển như xét tuyển bằng học bạ; xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển thẳng học sinh giỏi và xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Hình thức xét tuyển online cũng được trường triển khai từ rất sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở xa.
Với kinh nghiệm triển khai lớp học trực tuyến từ năm 2020, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã chú trọng đến việc xây dựng lại chương trình đào tạo trên cơ sở các chương trình chuẩn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành để phù hợp với tình hình thực tế.
Nhà trường đã triển khai dạy học online trên nền tảng trực tuyến của trường. Đó là Hệ thống quản trị dạy học số kết hợp với bộ công cụ Microsoft Teams.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp cho biết: “Chúng tôi tiến hành số hóa các chương trình đào tạo, xác định chương trình đào tạo là tài nguyên chung và là tài sản của nhà trường.
Trước đây chương trình thuộc về cá nhân (giảng viên) nhưng khi thực hiện chuyển đổi số, nhà trường đã đầu tư, xây dựng, thiết kế thì toàn bộ thành quả đó là tài sản của nhà trường, mọi thành viên trong trường có nghĩa vụ làm tăng giá trị của tài sản này”.
Trên nền tảng hệ thống quản trị dạy học số, nhà trường đã triển khai đồng bộ các hoạt động dạy và học theo đúng kế hoạch, mục tiêu. Giảng viên và người học được hỗ trợ khai thác tối đa tính năng hệ thống dạy học số nên chất lượng được đảm bảo một cách tốt nhất trong môi trường dạy học mới.
Những môn thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, được triển khai linh động trên nhiều phương diện khác nhau tùy theo đặc điểm ngành học và môn học như học trên mô hình mô phỏng, sử dụng phần mềm chuyên môn và số liệu doanh nghiệp chia sẻ để thực hiện nội dung theo chuẩn đầu ra.
Một số môn mời doanh nghiệp báo cáo, hướng dẫn trực tuyến kết hợp với mô hình mô phỏng để triển khai. Những môn học thực hành bắt buộc phải đến cơ sở nhà trường sắp xếp lùi thời gian và bố trí những môn học khác thay thế.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo, nhà trường cũng đã tổ chức đánh giá quá trình, thi hết môn, bảo vệ khóa luận, đồ án tốt nghiệp trực tuyến cho sinh viên.
Các bộ phận phụ trách sẽ chuẩn bị và tổ chức kỹ lưỡng kỳ thi trong nhiều tuần. Cụ thể, Trung tâm đảm bảo chất lượng và chương trình E-Learning của trường xây dựng quy trình, tổ chức tập huấn cho tất cả các đơn vị chuyên môn và các cán bộ coi thi trong toàn trường; xây dựng các kịch bản xử lý các vấn đề có thể xảy ra trong toàn bộ quá trình kiểm tra. Nhà trường xây dựng video hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho các đối tượng liên quan.
Đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực và bám sát các nội dung giảng dạy, chuẩn đầu ra của học phần. Các câu hỏi yêu cầu người học phải hiểu và phân tích được vấn đề để đảm bảo đánh giá đúng chất lượng giảng dạy.
Giảng viên giảng dạy học phần, cố vấn học tập là người có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên ôn tập và cách thức kiểm tra trực tuyến theo các nội dung giảng dạy. Sinh viên làm bài trên Hệ thống quản trị dạy học số của nhà trường và được giám sát qua phần mềm Microsoft Teams.
Nhà trường áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra trực tuyến bao gồm: trắc nghiệm trực tuyến, vấn đáp trực tuyến, tiểu luận, báo cáo, bài tập lớn. Hệ thống máy chủ được nâng cấp bảo đảm kết nối liền mạch cho sinh viên dự kiểm tra và có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ sự cố liên tục qua điện thoại, zalo và fanpage.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, trường đã chung tay cùng tỉnh Bình Dương, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh. Một số khu phòng học, giảng đường của trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.
Trong đợt dịch thứ tư, trường có hơn 300 giảng viên, sinh viên xung phong lên tuyến đầu. Nhà trường cũng ghi nhận và kịp thời động viên, khen thưởng những tình nguyện viên đã và đang làm nhiệm vụ chống dịch.
“Nhà trường luôn nỗ lực với sứ mệnh là trung tâm văn hóa - giáo dục - kỹ thuật của tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ, thực hiện chức năng đào tạo và hoạt động khoa học, cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học có chất lượng.
Với tầm nhìn trở thành đại học thông minh, đa ngành đa lĩnh vực, nhà trường luôn đổi mới, sáng tạo, thực hiện các giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quản trị đại học, hợp tác quốc tế, kiện toàn tổ chức bộ máy”, thầy Hiệp khẳng định.
Hoạt động khoa học công nghệ, thực hành chậm tiến độ
Cũng như các trường đại học khác thuộc khối ngành sức khỏe trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, tham gia các hoạt động cộng đồng.
Thầy thuốc Nhân dân - Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Điều dưỡng Nam định (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, dịch Covid tác động nhiều đến các hoạt động của trường.
Về công tác tuyển sinh, trường chưa thể tổ chức thi tuyển sinh riêng, các thí sinh đã trúng tuyển không thể trực tiếp đến trường xác nhận nhập học và nhập học; thí sinh đã trúng tuyển tại các địa phương đang thực hiện chỉ thị 16 không thể gửi hồ sơ xác nhận nhập học về trường trong thời gian quy định.
Đối với công tác đào tạo, nhà trường chưa thể tổ chức lớp học trực tiếp. Bên cạnh đó, các cơ sở thực hành không tiếp nhận sinh viên đến thực tập trong khi thời gian thực hành của sinh viên chủ yếu tại các đơn vị này.
Hoạt động khoa học công nghệ cũng bị chậm tiến độ việc thu thập số liệu tại các bệnh viện, trường học, cộng đồng của giảng viên và sinh viên làm nghiên cứu khoa học đều không thực hiện được.
Đối diện với những khó khăn, thách thức đó, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định vẫn nỗ lực triển khai thành công các nhiệm vụ đào tạo đặt ra, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phòng chống dịch.
Nhà trường đã thay đổi phương thức tuyển sinh từ thi tuyển thành xét tuyển đối với một số ngành/hình thức tổ chức đào tạo, đảm bảo tất các các thí sinh đều được tham gia dự tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành; các thí sinh trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có thể nộp hồ sơ xác nhận nhập học và nhập học ngay khi hết giãn cách.
Trong tổ chức đào tạo, trường đã điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp với công tác phòng chống dịch, linh hoạt mềm dẻo để giảng viên, sinh viên vừa tham gia công tác phòng chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ dạy – học.
Phương pháp dạy - học cũng được thay đổi nhiều để phù hợp với điều kiện thực tế, đối với các nội dung lý thuyết triển khai dạy – học trực tuyến. Đối với các nội dung thực hành tại phòng thí nghiệm chỉ triển khai sau khi hết giãn cách xã hội; đối với các nội dung thực hành tại các bệnh viện, cộng đồng thực hiện khi cơ sở thực hành tiếp nhận sinh viên.
Phó Giáo sư Lê Thanh Tùng chia sẻ: “Trường áp dụng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến: hệ thống quản lý học tập, quản lý nội dung học tập thông qua: Moodle, Zoom Meeting, Gmail, file điện tử,…
Nhà trường cũng thực hiện tập huấn về dạy – học bằng hình thức E-Learning và Zoom Meeting cho giảng viên; tạo lập tài khoản riêng cho các giảng viên để thuận lợi hơn khi giảng dạy trực tuyến; xây dựng các khóa học E-Learning đảm bảo chất lượng đào tạo”.
Đối với công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng, các điểm kiểm tra định kỳ và thi kết thúc học phần được thực hiện tại trường nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, một số học phần đặc thù được viết báo cáo chuyên đề và gửi báo cáo qua thư điện tử cho giảng viên để chấm điểm và tính điểm định kỳ.
Là một trong những trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe, nhà trường tích cực và chủ động tham gia trực tiếp vào công cuộc phòng chống dịch.
Nhà trường đã tổ chức nhiều đợt tập huấn công tác phòng chống dịch cho tất cả giảng viên, sinh viên, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch tại địa phương và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo sự điều động của Bộ Y tế; giảng viên được tham gia khóa học trực tuyến về nâng cao năng lực ứng phó với dịch COVID-19 do Tổ chức Y tế thế giới tổ chức.
Trường đã phối hợp với Sở Y tế Nam Định, CDC Nam Định thực hiện tiêm phòng cho cán bộ, giảng viên Nhà trường, các sinh viên tình nguyện tham gia phòng chống dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án sẵn sàng phục công tác cách ly tập trung khi có yêu cầu của Tỉnh ủy Nam Định.
Các giảng viên, nhà khoa học cũng đã pha chế và hỗ trợ trên 120 lít dung dịch sát khuẩn tay nhanh cho các đơn vị trong địa bàn tỉnh Nam Định.
“Không chỉ tích cực tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Nam Định, trường còn chi viện hàng trăm nhân lực tham gia công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương theo sự điều động của Bộ Y tế.
Ưu tiên nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch nhưng nhà trường cũng đã chia sẻ khó khăn với sinh viên. Học kỳ II năm học 2019-2020, nhà trường giảm học phí 8% cho toàn bộ sinh viên đại học chính quy. Năm học 2020-2021 giữ nguyên mức học phí như năm 2019-2020, không tăng theo lộ trình dự kiến trước đó”, thầy Tùng cho biết.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.