Vietnam Airlines được ưu ái?
Do cấp huấn lệnh sai khiến máy bay số hiệu PIC595 của Jetstar Pacific Airlines và máy bay HVN130 của Vietnam Airlines (VNA) suýt xảy ra va chạm tại sân bay Đà Nẵng ngày 27/6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê bình nghiêm khắc Hội đồng thành viên và Ban tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Với cá nhân có liên quan, Bộ Giao thông vận tải phê bình nghiêm khắc đối với ông Hoàng Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên, ông Đỗ Quang Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Trong đó Bộ GTVT phê bình nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Đình Công - Phó Tổng Giám đốc trực tiếp phụ trách công tác không lưu và ông Đoàn Hữu Gia - Phó Tổng Giám đốc trực tiếp phụ trách an toàn bay.
Có hay không Vietnam Airlines đang được cơ quan quản lý ưu ái hơn những hãng hàng không khác? Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Kèm theo đó, Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Lại Xuân Thanh đã thu hồi Giấy phép của kíp trưởng kíp trực đài chỉ huy Phan Nho Quang và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Cụ thể, xử phạt Công ty Quản lý bay miền Trung (QLBMT) 30 triệu đồng về hành vi vi phạm Quy chế không lưu hàng không dân dụng; phạt 15 triệu đồng ông Trương Công Tuấn, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân Đà Nẵng về hành vi bố trí kiểm soát viên không lưu chưa có giấy phép tham gia điều hành bay.
Phạt 7,5 triệu đồng ông Ngô Xuân Vĩnh, Phó Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân Đà Nẵng về hành vi không thực hiện đúng quy định về giám sát giao nhận ca, kíp trực. Riêng kíp trưởng kíp trực đài chỉ huy Phan Nho Quang bị xử phạt về bốn hành vi vi phạm hành chính, với tổng mức phạt tiền là 45 triệu đồng.
Máy bay VNA, VJA suýt đâm nhau: Tước giấy phép cơ trưởng, cơ phó VNA
(GDVN) - Hai phi cơ cắt qua đường bay của nhau, dẫn tới mất phân cách giữa hai tàu bay làm kích hoạt hệ thống cảnh báo va chạm.
Đến ngày 7/8, tổ lái chuyến bay HVN1203 của VNA từ Hà Nội đi Cần Thơ đã nhầm lẫn khi đặt đồng hồ giảm độ cao, thay vì đặt độ cao 32.000ft thành giảm độ cao không xác định “open descend” khiến hệ thống cảnh báo va chạm trên không (TCAS) khởi động, qua đó tránh được việc va chạm với máy bay của VietJet Air bay ngược chiều.
Theo kết luận của Cục HKVN, lái chính chuyến bay HVN1203 đã không thông báo với lái phụ khi đặt đồng hồ độ cao để thực hiện việc kiểm tra chéo theo quy trình khi thực hiện việc đặt đồng hộ độ cao theo huấn lệnh của Kiểm soát viên không lưu trong quá trình giảm độ cao. Do vậy Thanh tra Hàng không thu hồi giấy phép lái trưởng và lái phó (F/O) của chuyến bay HVN 1230.
VNA liên tục để xảy ra sự cố nghiêm trọng song và tuy Cục HKVN, Bộ GTVT đã xử lý quyết liệt cá nhân người vi phạm, nhưng về phương diện quản lý, dường như chưa lãnh đạo VNA nào chịu trách nhiệm?.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không 6 tháng đầu năm 2014 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 173 sự cố an toàn hàng không tăng 22, 7%, 145 vụ vi phạm an ninh hàng không tăng 95,9%.
Theo Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, những con số trên cho thấy lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, an toàn hàng không còn lỏng lẻo, công tác chỉ đạo, điều hành của các Bộ và ngành hàng không còn thiếu sâu sát hiệu quả.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã có chỉ đạo sâu sắc nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014, trong đó đáng chú ý với những yêu cầu dành cho cán bộ, nhân viên ngành hàng không. Cụ thể, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành hàng không và lĩnh vực liên quan. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc vi phạm uy hiếp an toàn, an ninh hàng không…
Trước chỉ đạo của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia vấn đề đặt ra là tại sao Bộ GTVT, Cục HKVN hầu như không xem xét trách nhiệm của lãnh đạo VNA trong bất cứ sự cố hàng không nào? Phải chăng có sự ưu ái cho “anh cả” của ngành hàng không?
Trao đổi với lãnh đạo Cục HKVN, ông Phạm Việt Dũng – Chánh Văn phòng Cục HKVN cho rằng, tất cả các hành vi vi phạm và các sai lệch so với quy định về an toàn hàng không khi bị phát hiện đều phải được điều tra, xác định rõ nguyên nhân và có các khuyến cáo an toàn hoặc biện pháp phù hợp để phòng ngừa tái diễn.
“Cục HKVN áp dụng chính sách phản ứng kiên quyết, công bằng và kịp thời đối với tất cả các hành vi vi phạm gây uy hiếp đến an toàn hàng không”, ông Phạm Việt Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, Cục HKVN đặt mục tiêu an toàn hàng không là mối quan tâm hàng đầu và việc điều tra nguyên nhân của các vi phạm hoặc các sai lệch so với tiêu chuẩn áp dụng là để tìm ra nguyên nhân và các yếu tố tác động chính gây ra sự việc, để từ đó đưa ra các khuyến cáo an toàn mang tính xây dựng nhằm ngăn ngừa sự tái diễn.
“Do vậy, việc xem xét áp dụng chế tài được thực hiện một cách hết sức cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định áp dụng chế tài”, ông Dũng lý giải.