Quyền tự do của con người bị hạn chế?
Thảo luận về “dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam” (lần đầu) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (27/2), ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đặt vấn đề: Luật có quy định nào để hạn chế tình trạng bức cung? Hiến pháp hiến định phải bảo đảm quyền con người. Vì vậy mục đích làm luật phải nói cho rõ. Làm luật này phục vụ mục đích là phòng chống tội phạm, làm sao khi hạn chế quyền con người phải phù hợp với Hiến pháp. Bức cung, nhục hình mớm cung qua giám sát bay báo cáo tại các kỳ Quốc hội thấy rất nhiều lần, đều xảy ra tại giai đoạn tạm giữ tạm giam.
"Chúng ta phải có biện pháp nào để hạn chế, ví dụ như phải có luật sư, chứ kêu khẩu hiệu chung chung thì không được, phải có quy định cụ thể thì mới đảm bảo được", ông Lý nhấn mạnh.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. ảnh: vne. |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng còn lo ngại có 6 quyền tự do của con người bị hạn chế trong luật này.
“Luật quy định như vậy đã đúng hay chưa? Điều 31 Hiến pháp quy định người bị buộc tội được coi là chưa có tội trước khi bản án của Tòa án có hiệu lực. Vậy chúng ta lại tước đi quyền tự do của họ. Ngoài 6 quyền bị tước này thì còn quyền nào nữa không?Luật có quy định người bị tạm giữ, tạm giam bị cùm 1 chân, thời gian do Thủ trưởng quyết định, chúng ta cần xem lại bởi đây là người được coi là chưa có tội. Vậy mà bị cùm chân thì có đúng không? Cùm chân là hình thức rất nặng nên cần cân nhắc", ông Lý chỉ rõ.
Trong khi đó, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội kể về việc năm 2014 đoàn nhân quyền thế giới đến Việt Nam làm việc với Viện nghiên cứu lập pháp và băn khoăn về giam giữ tại trại giam ở Việt Nam khi phạm nhân nằm trên sàn lạnh, bị cùm chân.
Ông Thảo đặt câu hỏi: " Luật có quy định bảo đảm quyền đối với người bị tạm giữ, tạm giam hay không?".
Khi nào thì áp dụng biện pháp cùm chân?
Ông KSor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội thì cho rằng, dự thảo luật vi phạm Hiến pháp:"Người có hành vi vi phạm hành chính cũng có thể bị tạm giữ. Còn tạm giam là người phạm tội vi phạm pháp luật mới đưa vào nhà tạm giam nên đối tượng nhà tạm giam và tạm giữ là khác nhau. Trong số này đang có quyền công dân nên phải phân biệt với người đã có án, đã bị tòa tuyên án”.
Từ đó, ông KSor Phước cho rằng, kỷ luật người bị tạm giam là phải phân biệt 2 loại đối tượng:
Thứ nhất là đối tượng đang bị tiến hành tố tụng nên cần cân nhắc khi xử phạt vì trong giai đoạn này dễ bị tra tấn, nhục hình. Chưa có bản án kết tội thì kỷ luật không để ảnh hưởng đến thân thể, tinh thần. Theo Hiến pháp trong giai đoạn này họ vẫn có quyền công dân nhưng chỉ bị hạn chế.
Thứ hai, đối tượng có bản án kết luận thì bị hạn chế quyền công dân nhưng vẫn còn quyền con người nên Luật phải minh bạch chỗ này.
Nguyễn Đức Kiên từng bị còng chân khi đưa ra xét xử. nguồn ảnh: internet. |
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, tất cả các vụ bức cung nhục hình đều xảy ra trong thời điểm tạm giữ.
"Cùm chân là nhục hình, đúng là chúng ta cần có cơ chế để kỷ luật nhưng có nên quy định ở trong luật này hay không? Đây là vấn đề rất quan trọng", ông Phong nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng, cần phải có sự phân biệt rõ giữa chế độ tạm giữ và tạm giam.
“Trong Luật quy định gần như nhau, như vậy là đánh đồng. Theo Hiến pháp, họ chỉ bị hạn chế một phần chứ không phải mất tất cả. Tuy nhiên, trong luật này thấy có rất nhiều quyền con người bị hạn chế khi bị tạm giữ, tạm giam”, ông Khánh chỉ rõ.
Trước một loạt băn khoăn của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương đã thẳng thắn chỉ rõ, bức cung, nhục hình phần lớn xảy ra trong giai đoạn điều tra chứ không phải trong quá trình giam giữ. Vì vậy, luật quy định quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, cũng như các hành vi bị nghiêm cấm, với mục đích quan trọng là ngăn chặn phòng ngừa.
“Chúng ta có khá nhiều Luật nhưng vẫn có bức cung nên cần phải giáo dục và ngăn chặn”, Tướng Vương cho hay.
Đối với hình thức dùng cùm, Thượng tướng Lê Quý Vương bày tỏ, đây là biện pháp cần thiết, thậm chí còn có hình thức xiềng chân, xích chân để hạn chế các hành vi nguy hiểm với một số đối tượng nguy hiểm giết cả một gia đình như Lê Văn Luyện, hoặc những đối tượng có án giết người lại nghiện ma túy.
"Án nghiêm trọng, tử hình thì trong buồng tạm giam có vị trí bị cùm 1 chân, hay đối tượng vi phạm kỷ luật trong trại giam nên phải cùm lại. Đây chính là hình thức kỷ luật... Có đối tượng tôi nhớ là 10 tiền án, 14 tiền án, hở ra là trốn, thậm chí gây nguy hiểm cho cán bộ", Thượng tướng Vương chia sẻ.