Gặp phóng viên, bà Nguyễn Thị Bình, cựu giáo viên tiểu học tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) không khỏi buồn tủi, cay đắng khi kể về hành trình gian nan trong vụ án đã xảy 13 năm trời, với 14 bản án từ cấp thấp nhất (Tòa án huyện) đến cấp cao nhất (Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao) nhưng đến nay công lý vẫn chưa được thực thi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay đã 7 tháng kể từ khi Ủy ban Thẩm phán, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội có Quyết định giám đốc thẩm số 13/2016/DS-GĐT diễn ra từ 13 năm nay (năm 2003), với 14 bản án (trong đó, 4 lần kháng nghị, 4 lần giám đốc thẩm, 4 lần phúc thẩm, 2 lần sơ thẩm) xảy ra tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) nhưng vẫn chưa được cơ quan Thi hành án huyện Thanh Trì thực hiện.
Quyết định Giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán đã có hiệu lực pháp luật 07 tháng nay nhưng cơ quan thi hành án huyện Thanh Trì vẫn chần chừ chưa thực hiện. |
Theo bản án của Ủy ban Thẩm phán, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Vợ chồng cố Nguyễn Văn Sụn và cố Nguyễn Thị Nghĩa sinh được 03 người con là cụ Nguyễn Văn Kế (chồng của cụ Triệu Thị Mão, nguyên đơn, chết năm 2010, cụ Kế chết năm 1988); cụ Nguyễn Văn Sáu; cụ Nguyễn Văn Bốn (chết năm 1994 và là bố của ông Nguyễn Văn Chung, bà Nguyễn Thị Bình, cựu giáo viên – bị đơn).
Cố Sụn và cố Nghĩa chết trước năm 1945, không để lại di chúc. Tài sản của các cố để lại gồm 4 gian nhà, bể nước trên diện tích 2.036m2 tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Cụ Mão và bà Nhung cho rằng: "Sau khi cố Sụn, cố Nghĩa chết, vợ chồng vụ Mão quản lý toàn bộ nhà đất nêu trên. Năm 1956, vợ chồng vụ Mão chia cho cụ Sáu 1.016m2 đất và ao, phần còn lại là của vợ chồng cụ Mão.
Năm 1993, con trai của cụ Mão là ông Nguyễn Tạo tự ý phân chia đất của gia đình thành hai thửa cho ông Tạo và ông Chung nên cụ Mão khởi kiện yêu cầu ông Tạo, ông Chung trả lại đất cho cụ".
Bà Bình là người đại diện cho ông Chung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Mão với lý do năm 1968 ba người con của vợ chồng cố Sụn, cố Nghĩa là cụ Kế, cụ Bốn, cụ Sáu đã họp phân chia nhà đất.
Cụ Sáu được sử dụng 1.016m2 đất và ao, phần còn lại cụ Bốn và cụ Kế chia đôi. Do cụ Bốn vẫn đi công tác nên vợ chồng cụ Kế tạm sử dụng phần đất của 2 anh em cụ Bốn, cụ Kế.
Năm 1987, bà anh em cụ Kê, cụ Bốn, cụ Sau họp và nhất trí theo sự phân chia trước đây nên sau đó cụ Bốn gửi đơn ra Ủy ban nhân dân xã Đông Mỹ đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nhưng do cụ Bốn già yếu nên để ông Chung đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Lời khai của bà Bình cũng phù hợp với trình bày của cụ Phạm Thị Gái (là vợ của cụ Sáu): Năm 1968, ba anh em có bàn bạc về việc chia nhà đất của cố Sụn, cố Nghĩa. Cụ Sáu đông con, hoàn cảnh khó khăn nên được chia 1.016m2, còn lại1.020m2 cụ Bốn, cụ Kế chia đôi.
Tại tờ bản đồ số 03 được UBND xã Đông Mỹ chứng nhận sao từ sổ địa chính xã quản lý năm 1987 thì ông Tạo sử dụng 510m2 thửa số 142; ông Chung sử dụng 510m2 thửa số 209 (ghi nguồn gốc đất ông cha để lại).
Còn theo đơn đề ngày 20/4/1993 gửi Ủy ban nhân dân xã Đông Mỹ do tên ông Tạo đứng đơn yêu cầu UBND xã Đông Mỹ tách thửa đất có diện tích 1.020m2 thành 02 thửa cho ông Tạo 520m2, ông Chung 500m2; có biên bản chia cắt đất thành hai thửa ông Tạo 510m2, ông Chung 510m2 phần đại diện gia đình ông Tạo ký.
Như vậy, từ năm 1987 thì đất tranh chấp đã được tách thành 2 thửa và kê khai trên bản đồ địa chính xã là tên ông Tạo và ông Chung.
Khi đó, cụ Kế, cụ Bốn còn sống nhưng không có ý kiến khiếu nại gì. Đến năm 1993 thì ông Tạo có đơn đề nghị công nhận phần diện tích đất được chia tách và chính quyền đã căn cứ vào thực tế và đơn của ông Tạo để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Tạo và ông Chung.
Việc ông Tạo tự ý tách đất cho ông Chung cũng là cơ sở để xác định cụ Kế, cụ Sáu, cụ Bốn khi còn sống đã có sự thỏa thuận phân chia đất.
Ngoài ra, bà Bình (kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của bị đơn là ông Chung) cũng tự nguyện thanh toán công sức, duy trì tôn tạo phát triển tài sản cho ông Tạo, bà Nhung đại diện thừa kế của cụ Mão là 200m2.
Tổng cộng các thừa kế của cụ Mão được quyền sử dụng là 712,7m2 đất và toàn bộ Công trình gắn liền với đất cũng là hợp tình, hợp lý.
Bởi các lẽ trên, Ủy ban Thẩm phán, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định không chấp nhận Kháng nghị số 52/2015/KN-DS ngày 28/5/2015 của VIện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013/DS-PT ngày 26/8/2013 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
Mặc dù đất thừa kế cha ông để lại, đáng lẽ được 50% nhưng cô giáo Bình chỉ lấy 30% diện tích, 70% được để lại cho phía gia đình bà Mão và được Ủy ban Thẩm phán, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đánh giá là “hợp tình, hợp lý”.
Cách hành xử của cô giáo Bình không những đúng pháp luật, mà thể hiện tính nhân văn, cao cả, đầy tình nhân ái của người giáo viên.
Tuy nhiên, đã 07 tháng trôi qua, kể từ khi có quyết định Giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Trì vẫn chưa thực hiện trách nhiệm của mình và có dấu hiệu chần chừ, câu giờ khiến dư luận và chính quyền địa phương bức xúc.