Đã có 2 người chết do mưa lũ

26/09/2011 19:30
Theo Quang Huy- Hoàng Hà- Biên Thùy/Người lao động
Để đối phó với bão số 4, tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình đã tập trung di dời người dân đến nơi an toàn.
Tại Thừa Thiên- Huế mưa lũ đã làm hai người chết là vợ chồng ông Phan Thăng (SN 1963) và bà Lê Thị Chân (SN 1970, trú phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy).

Quảng Trị: Bầu trời xám xịt, mây cứ vần vũ

Trước đó, sáng 26-9, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã triệu tập cuộc họp khẩn với các ban, ngành, các lực lượng chức năng và trực tiếp thị sát tại các địa phương, để triển khai các phương án phòng chống bão số 4. Ông Nguyễn Quân Chính đã chỉ đạo các huyện có địa bàn ven biển chủ động triển khai di dời người dân từ nơi thấp lên cao, chằng chống nhà cửa và neo đậu thuyền chắc chắn. Tháo dỡ các cầu phao trên sông, rà soát, sẳn sàng lực lượng ứng cứu…
Người dân Quảng Trị khẩn trương đưa tàu thuyền đến nơi an toàn
Người dân Quảng Trị khẩn trương đưa tàu thuyền đến nơi an toàn
 
Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa hè thu để giảm bớt thiệt hại do bão gây ra. Các địa phương phải hoàn tất công tác chuẩn bị đối phó với bão số 4 trước 17 giờ chiều 26-9.
Đến chiều 26-9, bầu trời Quảng Trị xám xịt, mây cứ vần vũ nhưng mưa và gió vẫn lặng như tờ. Cả tỉnh Quảng Trị hối hả chuẩn bị để đối phó với bão số 4. Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, cho biết: Bão số 4 có thể đỗ bộ trực tiếp vào Vĩnh Linh. Vì vậy, việc di dời dân và tàu thuyền đã hoàn tất trước 12 giờ ngày 26-9.
Những nhà dân có nguy cơ bị ảnh hưởng lốc xoáy đã được lực lượng như bộ đội, công an… giúp chằng chống khá an toàn. Hiện nay, huyện này có đến gần 7.000 ha cây cao su có có thể bị bão quật gãy đổ, gây thiệt hại lớn cho người dân. Huyện đã huy động hơn một ngàn lượt người túc trực 24/24 giờ tại các vùng xung yếu để ứng cứu kịp thời. Huyện đã phân bố lượng thực cho các địa phương đủ để chống đói trong vài ngày nếu bị bão chia cắt.
Cùng ngay, Bí thư huyện ủy huyện đảo Côn Cỏ, ông Lê Quang Lanh cho biết đến chiều 26-9, gió tại khu vực này khoảng cấp 5, cấp 6, sóng dữ dội. Có 52 ngư dân của 8 thuyền đánh cá trong và ngoài tỉnh đến nơi trú tránh bão an toàn. Huyện đã triển khai các phương án phòng chống bão, kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xãy ra.
Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, những vùng xung yếu của huyện thường bị ngập lũ, các khu vực cửa biển ở các xã Gio Việt, Gio Mai, Trung Hải..., người dân đã chằng chống nhà cửa, dọn đến nơi trú ẩn an toàn. Ở những vùng thường xãy ra lũ quét, huyện cử lực lượng vũ trang trực chiến 24/24 giờ.

Quảng Bình: Bắt đầu có sóng lớn 

Trong khi đó, tại Quảng Bình, sáng 26-9, ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Một trong những việc quan trọng lúc này là các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện phương châm “4 tại chỗ” một cách cụ thể, thiết thực.
Một hộ dân ở Quảng Bình dùng bao cát để đè giữ mái nhà
Một hộ dân ở Quảng Bình dùng bao cát để đè giữ mái nhà

Tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch đã có gần 490 hộ với trên 1.200 nhân khẩu được di dời. Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: “Chúng tôi tập trung di dời người già và trẻ em. Còn lại, mỗi gia đình được cử một người khoẻ mạnh ở lại trông coi nhà cửa và tham gia cứu hộ khi cần. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ rút nhanh nếu bão vào…”.

Trước đó, từ ngày 25-9, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tập trung toàn bộ quân số để tham gia phòng, chống bão. Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: 300 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tập trung để sẳn sàng cứu hộ, cứu nạn.”.

Tại huyện Bố Trạch, nơi được dự báo có thể bị bão số 4 gây ảnh hưởng trực tiếp, các địa phương đã triển khai nhiều phương án để có thể đối phó với  những diễn biến bất thường của bão.

Trong khi đó, tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, biển đã có những con sóng lớn, nặng nề ập vào bờ. Tuyến kè biển ở đây vừa được xây dựng đang căng mình chống đỡ. Có hơn 25 hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm, đã được được chính quyền địa phương thông báo phương án di dời. 
Thừa Thiên- Huế: Hai người chết do mưa lũ
Ngày 26-9, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên-Huế, tỉnh này đã gọi được 327 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản trên biển với 2.291 lao động vào bờ trú ẩn an toàn, trong đó có 9 phương tiện với 54 lao động của các tỉnh Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị. Như vậy, toàn bộ 1.981 tàu thuyền của Thừa Thiên – Huế đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết sẽ có 25.130 hộ dân với 102.031 khẩu ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lỡ và lũ quét đang được các địa phương trong tỉnh lên phương án và di dời đến nơi an toàn để tránh bão, lũ.
Hiện có 8 km bờ biển đang bị sạt lở nghiêm trọng. Chiều 26-9, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, có nơi mưa rất to. Hiện vẫn còn gần 870 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch, tập trung nhiều ở huyện A Lưới. Cũng tại huyện vùng cao này, nhiều tuyến đường bị sạt lở, trong đó đường Hồ Chí Minh sạt lở 1.353 m3 tại đoạn đèo Pê Ke (xã Hồng Thủy).
Trưa 26-9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của thị xã Hương Thủy đã tìm được xác hai vợ chồng ông Phan Thăng (SN 1963) và bà Lê Thị Chân (SN 1970, trú phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy). Trước đó, vào tối 25-9, hai vợ chồng ông Thăng đã chèo ghe đi đánh cá trên sông Đại Giang trong thời tiết mưa to và gió lớn nên bị lật ghe dẫn đến tử nạn.
Biên Thùy
Theo Quang Huy- Hoàng Hà- Biên Thùy/Người lao động