Đã đến lúc cần quy định xử lý hình sự với lái xe có nồng độ cồn cao?

07/06/2022 06:28
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với các tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện, kể cả khi chưa gây ra tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông, trong đó 11% số người chết do có liên quan rượu, bia.

Mới đây nhất, một vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 3 người trong cùng một gia đình. Theo báo Tiền Phong, khoảng 23h30 ngày 2/6, Nguyễn Đức Thịnh cán bộ Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang lái ô tô đến đoạn ngã tư Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương (phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) không giảm tốc độ dẫn tới va chạm với xe máy chở 3 người trong cùng một gia đình, khiến cả 3 thiệt mạng [1].

Khai báo tại cơ quan công an, Thịnh khai nhận bản thân có uống rượu bia trong buổi liên hoan trước khi lái xe. Công an thành phố Bắc Giang xác định tài xế Thịnh vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, lên tới 0,604 mg/lít khí thở.

Tài xế Nguyễn Đức Thịnh có nồng độ cao lái xe Audi tông chết 3 người cùng một gia đình. (Ảnh: Công an Bắc Giang)

Tài xế Nguyễn Đức Thịnh có nồng độ cao lái xe Audi tông chết 3 người cùng một gia đình. (Ảnh: Công an Bắc Giang)

Trước những hậu quả đau lòng từ các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân lái xe sử dụng rượu bia tham gia giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có xử lý hình sự đối với những người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn cao.

Theo tìm hiểu, tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc... đã có quy định xử lý hình sự đối với tài xế có nồng độ cồn cao khi lái xe. Vậy Việt Nam có nên nghiên cứu áp dụng điều này để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thân Văn Thanh - chuyên gia vận tải và an toàn giao thông cho hay, luật pháp hiện hành của chúng ta đã quy định hành vi gây tai nạn chết người sẽ bị xử lý hình sự, bên cạnh việc xử phạt hành chính.

Khi Nghị định 100/2019/NĐ/CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, mức xử phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn tăng cao hơn rất nhiều, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong xã hội.

"Hiện tại, khoảng 90% tài xế cũng đã có ý thức khi ngồi vào mâm cỗ là không dám sử dụng rượu bia trước khi lái xe, còn khoảng 10% liều chưa nghĩ đến hậu quả.

Vì vậy, chúng ta cần phải có biện pháp tuyên truyền để những người tham gia giao thông nhận thức thấu đáo hành vi sử dụng rượu bia trước khi lái xe là nguy hiểm. Thông điệp này cần được lan tỏa đến tất cả các tài xế trước mỗi bữa tiệc, cuộc nhậu", ông Thanh nhận định.

Ông Thanh chia sẻ thêm, thực tế hiện nay việc xử lý vi phạm nồng độ cồn của các cơ quan chức năng thường tập trung vào các đợt thực hiện chuyên đề, các đợt ra quân. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải làm triệt để tạo sức răn đe, lan tỏa trong xã hội.

Anh minh họa: Cục Cảnh sát giao thông

Anh minh họa: Cục Cảnh sát giao thông

"Các lực lượng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần phải làm nghiêm khắc và thường xuyên hơn nữa, để phát hiện kịp thời tài xế vi phạm nồng độ cồn tham gia giao thông.

Nguyên tắc luật xử lý vi phạm hành chính quy định là mỗi vi phạm đều phải được phát hiện kịp thời và xử nghiêm minh, điều này rất quan trọng", ông Thanh nêu quan điểm

Trước đề xuất cần xử lý hình sự đối với tài xế có nồng độ cồn cao nhưng vẫn lái xe, ông Thanh cho rằng, tại Mỹ hay Trung Quốc cũng có mức phạt rất nặng đối với tài xế có nồng độ cao, thậm chí là "bỏ tù". Tại Việt Nam, luật chưa có quy định này

"Theo tôi, chúng ta chưa thể thực hiện việc hình sự hóa đối với tài xế có nồng độ cồn cao tham gia giao thông. Bởi lẽ, việc tự giác thực hiện pháp luật của chúng ta chưa cao, nếu áp dụng thì chưa có hiệu quả.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường, thường xuyên xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn để tuyên truyền, răn đe", ông Thanh nhận định.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, văn hóa rượu bia ở Việt Nam được xem trọng, trong rất nhiều dịp như lễ, Tết, liên hoan, hội họp... và việc nhậu xong vẫn lái xe được coi như là chuyện bình thường. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nếu uống ít rượu bia vẫn có thể tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, tại bất cứ thời điểm nào, việc lái xe sau khi đã dùng rượu bia, có nồng độ cồn trong máu cao có thể gây hệ lụy khôn lường không chỉ cho bản thân người điều khiển phương tiện mà còn làm liên lụy tới những người tham gia giao thông khác.

Trong khi đó, chế tài với người điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia ở ta vẫn còn quá nhẹ so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam vẫn chưa hình sự hóa các trường hợp điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia mà chưa có hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, trước thực tế liên tiếp các vụ tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu thời gian qua, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này.

Luật sư Tú cho rằng, chúng ta đang xử phạt vi phạm nồng độ cồn với mức phạt hành chính rất nặng, đây là biện pháp hợp lý trước khi tính toán tới giai đoạn chuyển tiếp nâng mức xử phạt cao hơn.

“Không thể nhẹ tay, nương tay với những hành vi điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn cao. Chúng ta có thể nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc pháp luật của một số nước trên thế giới để quản lý và xử lý nghiêm, việc này là cần thiết và nên sớm được bổ sung vào luật.

Cần nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với các tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện, kể cả khi chưa gây ra tai nạn giao thông. Giờ nếu có nhắc đến việc uống rượu mà lái xe sẽ bị bỏ tù, chắc ai cũng sẽ sợ mà không dám vi phạm”, Luật sư Trương Anh Tú nói.

Tài liệu tham khảo:

1: https://tienphong.vn/tai-xe-xe-audi-tong-chet-3-nguoi-thua-nhan-qua-chen-trong-tiec-chia-tay-post1443605.tpo

Mạnh Đoàn