Đó là thiết bị độc đáo để “đo nồng độ cồn và điều khiển khởi động phương tiện giao thông” của nhóm học sinh lớp 9 đến từ Trường trung học phổ thông Skyline Đà Nẵng.
Cùng mang trong mình niềm đam mê với khoa học, các bạn Đoàn Tuấn Kiệt, Lê Đức Nam Khánh và Trịnh Văn Minh Nhật đã thành lập nhóm Skyline ICT Club để cùng nhau chế tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống.
Nhóm học sinh lớp 9 gây ấn tượng với sản phẩm thiết bị đo nồng độ cồn độc đáo. Ảnh: AN |
Khi cuộc thi sáng tạo vì cộng đồng U-Invent 2018 do Viện nghiên cứu và đào tạo Việt Anh - VNUK (Đại học Đà Nẵng) tổ chức, nhóm của Kiệt đã hăng hái đăng ký tham gia.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, Kiệt cho hay, trong những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông xảy ra bởi người điều khiển phương tiện vượt quá nồng độ cho phép tăng lên một cách đáng kể. Và nó trở thành mối lo ngại của nhiều người.
“Với mong muốn biến văn hóa 'tham gia giao thông – nói không với bia rượu' trở thành hiện thực, nhóm của em đã tìm cách sáng chế thiết bị đo nồng độ cồn và điều khiển khởi động phương tiện giao thông”, Kiệt cho hay.
Học sinh trường chuyên sáng chế chân giả thông minh cho người khuyết tật |
Từ những ý tưởng rời rạc ban đầu, Kiệt, Khánh và Nhật cùng bắt tay tìm kiếm tài liệu, thông tin về về điện cơ, tự động hóa, phần mềm…
Có những thời điểm gặp khó khăn, cả nhóm gần như “bế tắc” bởi những kiến thức khoa học đã vượt quá xa tầm nhận thức của một học sinh cấp 2.
Nhưng được sự hướng dẫn của các thầy cô trong ban cố vấn cuộc thi, nhóm của Kiệt trở lại đúng con đường nghiên cứu để sớm cho ra đời sản phẩm độc đáo này.
Suốt gần hai tháng mày mò, lắp ráp, kết nối và thử nghiệm, sản phẩm thiết bị đo nồng độ cồn và điều khiển khởi động phương tiện giao thông của nhóm Skyline ICT Club đã ra lò.
“Với thiết bị hữu ích này, người dùng chỉ cần lắp đặt lên phương tiện giao thông và kết nối nguồn điện, sau đó bấm nút nguồn và hệ thống sẽ tự động khởi động, làm việc”.
Nam Khánh, một thành viên của nhóm giải thích thêm, người điều khiển phương tiện chỉ cần thở vào module cảm biến nồng độ cồn và hệ thống sẽ bắt đầu hoạt động.
“Nguyên lý hoạt động của thiết bị rất đơn giản. Nếu nồng độ cồn chưa vượt ngưỡng mức cho phép thì Arduino sẽ gửi đi tín hiệu tới relay để mở dây nguồn của IC xe.
Lúc đó, bộ phận phát lửa trực tiếp cho động cơ có thể hoạt động, LCD sẽ hiển thị nồng độ cồn lên màn hình và sẽ báo cho ta biết “có an toàn”.
Ngược lại, nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng mức cho phép (0,2mg/l khí thở) thì Arduino sẽ gửi tín hiệu tới module relay để đóng dây nguồn của IC xe máy sau đó LCD sẽ hiển thị nồng độ cồn lên màn hình và báo cho ta biết ‘không an toàn’” Nam Khánh cho hay.
Hai nữ sinh chế tạo thiết bị độc cho dân mê phượt |
Đồng thời, lúc đó sẽ tự động nhắn tin (hoặc một cuộc gọi tùy theo cài đặt) sẽ được thực hiện đến một số điện thoại của người thân đã được cài đặt sẵn.
Đây được xem là một giải pháp khá hữu ích bởi có thể chủ động ngăn ngừa kịp thời, đưa ra những cảnh báo sớm giúp tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, giảm thiểu số tai nạn giao thông và tăng sự an toàn cho những người tham gia giao thông khác.
Minh Nhật chia sẻ, cả nhóm đã làm việc cật lực để cho ra đời sản phẩm này. Bởi ngoài thời gian đầu tư học ở lớp, cả nhóm phải tranh thủ ngày nghỉ để tìm kiếm vật liệu, thử nghiệm sản phẩm…
“Chúng em còn phải học hỏi rất nhiều để hoàn thiện sản phẩm. Nhưng cái được nhất là qua cuộc thi này, chúng em đã biết vận dụng các kiến thức, lý thuyết đã học để áp dụng vào thực tiễn.
Và quan trọng hơn là tiếp thêm niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho mỗi người để phấn đầu nhiều hơn trong tương lai”, Minh Nhật nói.