Sáng nay (13/6), Tư lệnh ngành nông nghiệp là người đầu tiên thực hiện trả lời chất vấn, tập chung vào nhóm vấn đề:
“Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới;
Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững;
Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản”.
Nhiều đại biểu đặt các câu hỏi tập chung vào nhiều vấn đề nóng của ngành nông nghiệp thời gian qua như:
Giải quyết cơ chế xin cho trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi lợn; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này;
Vấn đề tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu (tạm nhập tái xuất); giải pháp đột phá thực sự để tái cơ cấu nông nghiệp; xử lý ô nhiễm đất nông nghiệp, thủy vực; phát triển nông nghiệp miền núi; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hữu cơ...
Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Không có cơ chế xin cho trong lĩnh vực này, nơi nào, địa phương nào đáp đáp ứng đủ điều kiện thì đều có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường. ảnh: quochoi.vn |
Về câu chuyện "giải cứu thịt lợn", Bộ trưởng Cường cho biết có 2 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, thời gian qua, sức sản xuất của chúng ta tăng trưởng quá nhanh (cả về thịt, sữa, cá, trứng) dẫn tới sức cung vượt quá nhu cầu;
Thứ hai, tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Mặt khác về tổ chức thị trường, chúng ta mới chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ lợn sữa, lợn thịt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc...
“Tóm lại chúng ta mới chỉ làm được 1 phân khúc, còn 2 phân khúc khác chúng ta rất kém, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực này và đưa ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới”, ông Cường nói.
Về phát triển giống chất lượng cao, Bộ trưởng cho biết: Thời gian qua nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trong đó có thành tựu về giống. Tuy nhiên, giống cây ăn quả hiện nay còn kém, giống rau là yếu,... chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn quyết liệt, tranh luận và đi tới cùng vấn đề |
Xác định thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới là xuất khẩu rau quả, thủy sản,... theo đó, thời gian tới các giống bản địa của Việt Nam (cây, con, dược liệu), giống tôm, giống rau, quả... cần được tập trung trong thời gian tới.
Về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ để phát triển 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; đồng thời phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển các loại cây con đặc sản bản địa (Xoài Đồng Tháp, Vải Thanh Hà, Lợn Móng Cái...) phù hợp với đặc thù vùng miền để phục vụ du lịch (xuất khẩu tại chỗ)...
Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhiều Đại biểu bày tỏ thái độ chưa thỏa mãn với trả lời của người đứng đầu ngành nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm quản lý ngành của cá nhân Bộ trưởng, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằn: “Trả lời của Bộ trưởng về căn cứ lập quy hoạch phát triển đàn lợn chưa thuyết phục. Xuyên suốt câu trả lời vắng bóng vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Lập quy hoạch thời điểm đó phù hợp nhưng cơ chế thị trường thay đổi thì vai trò của Nhà nước trong bối cảnh đó như thế nào để có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Trả lời như thế chưa thấy vai trò quy hoạch, điều chỉnh cảnh báo, có chính sách phù hợp túc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Lâu nay chúng ta có khẩu hiệu người tiêu dùng thông minh, Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh nhưng người dân nói nhà quản lý phải thông minh”.
Đại biểu Ngô Thị Minh tranh luận với Bộ trưởng về quy hoạch nông sản, cho rằng công tác lập quy hoạch đang có vấn đề, chưa phát huy hết đặc thù, lợi thế của địa phương... Cùng chung lo lắng này, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không tính toán thận trọng thì sắp tới sẽ phải giải cứu cả rau, cây ăn trái.
Trong khi đó Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về trách nhiệm của Tư lệnh ngành nông nghiệp trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để người nông dân sống được.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Người nông dân rất trông chờ không chỉ Bộ trưởng mà cả hệ thống phải làm tốt hơn nữa. Đây là yêu cầu chính đáng. Vừa qua phải cảm ơn cả hệ thống chính trị toàn dân vào cuộc, chúng ta làm được một số điều, nhưng có quá nhiều vấn đề đặt ra.
Còn Bộ trưởng thì hứa là phải quyết tâm cao nhất, mà không phải bản thân Bộ trưởng mà phải chỉ đạo hệ thống mình quản lý, làm hết sức mình đi. Còn nếu không làm hết sức mình thì xã hội cũng xúm vào bắt ông làm hết sức mình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm. ảnh: quochoi.vn |
Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bấm nút tranh luận, nói thẳng: “Tôi chia sẻ với Bộ trưởng vấn đề cả hệ thống chính trị phải làm. Đúng là như vậy! Nhưng mà hôm nay Quốc hội chất vấn Bộ trưởng cho nên Bộ trưởng phải trả lời trách nhiệm của Bộ trưởng chứ không phải đặt vấn đề cả hệ thống chính trị vào đây…
Vấn đề thứ hai là tôi gặp rất nhiều bà con nông dân, tôi có cảm nhận là chúng ta ứng xử với vấn đề nông nghiệp, ứng xử với vấn đề nông thôn, ứng xử với vấn đề nông dân còn đang rất nhiều lung túng.
Cái gì dễ thì làm, cái gì khó thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Bộ trưởng chứ không riêng gì Bộ trưởng Nông nghiệp chưa có giải pháp tập trung và đột phá. Tôi cảm nhận như vậy.
Vấn đề khó nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất thì đồng chí đã nói rồi, nhưng tổ chức như thế nào?
Tôi đã nghe một đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp trả lời trên truyền hình rằng việc sản xuất không tiêu thụ được, dư thừa là do bà con nông dân chạy theo phong trào, thấy cái gì có lợi thì làm.
Tôi nghĩ rằng mình phải thấy đó là cái điều rất trăn trở. Mình phải trân trọng người nông dân. Người nông dân lo làm, lo cuộc sống cho mình chứ không phải chờ nhà nước lo. Trong khi đó mình không làm đầy đủ trách nhiệm của mình, lại cho rằng dư thừa đó là tại người nông dân, thấy cái gì có lợi thì làm. Tôi cho rằng phát biểu đó là thiếu trách nhiệm”.