Tình trạng, cán bộ ở nhà công vụ đến hạn nhưng không chịu trả, cán bộ thích đi xe doanh nghiệp tặng trong khi đã có tiêu chuẩn của xe công vụ.
Các trường hợp trên không nhiều, tuy nhiên khi báo chí đăng tải, dư luận phản ánh thì phần nào đó làm xấu đi hình ảnh của những người công bộc của dân.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau (ảnh Trinh Phúc). |
Bên lề, hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau cho rằng:
“Cán bộ ở nhà công vụ không chịu trả thì người nào quản lý nhà công vụ cứ theo luật mà làm. Việc trả hay không trả nhà công vụ là trách nhiệm của cả đôi bên.
Có nhiều lý do nhưng người quản lý phải có trách nhiệm, không nên chỉ đổ lỗi cho người không chịu trả nhà.
Tôi lấy ví dụ như nhiều người vì hoàn cảnh này hoàn cảnh kia mà chưa trả nhà công vụ thì cần xem xét cụ thể từng trường hợp.
Nếu như hết nhiệm vụ, còn gia hạn đến đâu thì người quản lý cũng phải có trách nhiệm, cơ quan quản lý cấp nhà công vụ cũng phải có trách nhiệm.
Điều đó có nghĩa là, mỗi người có trách nhiệm một chút thì sẽ tốt”.
Ông Hà Hùng Cường nên trả lại nhà công vụ để giữ thể diện cho mình |
Tuy nhiên, theo vị đại biểu Quốc hội này, trong việc ở nhà công vụ mà không chịu trả, thì không thể để tình trạng cào bằng, ai cũng không muốn trả thì sẽ đồng loạt không trả lại không hay.
Người nào chưa trả, chưa giải quyết được trong thời gian bao lâu thì cần phải có thông báo rộng rãi để cư dân xem xét, giám sát. Có phải người đó vì hoàn cảnh riêng cần thiết gia hạn hay không, hay vì các lý do nào khác.
“Nếu làm công khai minh bạch như vậy thì thực hiện sẽ nghiêm. Tôi thấy rằng, hiện nơi nào có nhà công vụ cũng có trường hợp đấy vì thế cần chấn chỉnh” – đại biểu Trương Minh Hoàng đưa ra quan điểm.
Việc ở nhà công vụ không chịu trả thì dư luận dễ quy chụp cho đạo đức. Trong khi đó người dân ta luôn đòi hỏi ở cán bộ phải là những người mẫu mực để làm gương. Do đó, khi bàn về những tác động hình ảnh của những cán bộ ở nhà công vụ không chịu trả, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng:
“Việc không chịu trả nhà công vụ mà dư luận phản đối thì tất nhiên trước hết là sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân người đó.
Tôi nghĩ, không phải không trả nhà công vụ là yếu tố ảnh hưởng hoàn toàn đến hình ảnh người cán bộ. Vì, nhân dân ta có trình độ cao lên, chắc chắn họ không vơ đũa cả nắm, biết phân biệt thế nào là cán bộ tốt, cán bộ chưa tốt, chứ không vì chuyện không trả nhà công vụ mà quy chụp cho hình ảnh của cán bộ.
Đương nhiên, nếu diễn ra nhiều trường hợp thì sẽ có sự ảnh hưởng nhất định. Bây giờ, nhân dân không mấy khi quy chụp, họ nhìn nhận đa chiều”.
Cũng liên quan đến tác phong của cán bộ, hiện đang có một số người thích đi xe doanh nghiệp tặng nữa, theo đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng chúng ta cần nêu những trường hợp cụ thể để dư luận theo dõi, giám sát. Chúng ta không nên quy chụp phê phán tất cả. Nếu có trường hợp cụ thể thì cần thiết phê phán.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đoàn Tiền Giang (ảnh Trinh Phúc). |
Cũng liên quan đến việc cán bộ ở nhà công vụ đến hạn chưa trả, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, đoàn Tiền Giang đưa ra quan điểm:
“Về mặt nguyên tắc chung, khi sử dụng nhà công vụ nếu hết thời gian phải trả lại. Nhưng với trường hợp hoàn cảnh cụ thể với điều kiện nhất định thì cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian trả nhà công vụ theo quy định.
Cần xem xét từng trường hợp cụ thể có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý”.
Nhận định về tác động hình ảnh của cán bộ chưa chịu trả nhà công vụ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, tất nhiên, khi những việc đó đưa lên báo chí chắc chắn sẽ ảnh hưởng chung cho niềm tin của nhân dân.
Điều đó đặt ra vấn đề với các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp xử lý. Trước khi đến hạn trả nhà là phải có biện pháp, nghiên cứu tìm cách xử lý trước.
“Đã là nhà công vụ chỉ sử dụng khi làm nhiệm vụ, còn hết nhiệm vu thì phải trả. Cá nhân tôi, đương nhiên khi hết nhiệm vụ tôi sẽ trả nhà công vụ” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.