Đại biểu Quốc hội quá bức xúc, không thể xem hết clip nữ sinh đánh nhau!

25/05/2017 09:55
Trinh Phúc
(GDVN) - “Tôi không thể xem hết một clip các cháu gái lớp 8 - 9 lao vào đánh nhau vì quá bức xúc. Tình trạng này cần phải ngăn chặn kịp thời vì đã lên tới đỉnh điểm".

Mấu chốt là giáo dục và phòng ngừa tội phạm

Ngày 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong đó, nội dung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án: Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật Hình sự 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Cạn (ảnh media.quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Cạn (ảnh media.quochoi.vn).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng:

“Đây đã là vấn đề được Quốc hội khóa XIII thông qua, do đó Quốc hội sẽ chỉ thay đổi vấn đề này nếu như chúng ta đưa ra được những căn cứ thực sự xác đáng".

Theo vị đại biểu này: "Xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng.

Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em, điều quan trọng là để khi ta bắt tay vào sửa điều luật này chúng ta sẽ phải tự hỏi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm ngày hôm nay và xử lý như thế nào là đúng mức để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước".

Do đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đã bày tỏ tán thành với đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội là đề nghị với Quốc hội cho phép được trình 2 phương án để xin biểu quyết và chúng ta sẽ thực hiện theo ý chí chung của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuân (ảnh media.quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuân (ảnh media.quochoi.vn)

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận lại có ý kiến: “Pháp luật thì phải nghiêm và chính việc xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn, hạn chế tình trạng tái phạm sau khi thi hành án.

Thực tế thời gian qua, liên quan tới các tội danh này việc áp dụng các biện pháp giáo dục hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả.

Nhiều trường hợp sau khi được áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng lại tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau vi phạm thì mức độ, tính chất càng tinh vi và nguy hiểm rất nhiều, cử tri rất bức xúc về vấn đề này.

Như vậy, phương án 2 không phải là phương án tốt để giáo dục các cháu trở thành người có ích cho xã hội”.

Không nên hiểu máy móc giữa xử lý hình sự với áp dụng hình phạt

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng: “Thực tiễn, trẻ em thường chỉ phạm các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như đánh nhau, bạo lực học đường...

Để răn đe, giáo dục cần xử lý hình sự nhưng để bảo đảm tương lai cho các em và quyền của trẻ em thì chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính, giáo dục, thậm chí miễn chấp hành hình phạt".

Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích thêm: “Hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất.

Nhưng, chỉ giáo dục đơn thuần thì chúng ta không đủ sức răn đe và phòng chống tội phạm. Tất cả các quy định của pháp luật đều có một chức năng quan trọng là dự liệu, dự báo có tính chất phòng ngừa.

Tôi đồng ý với phương án 1, nó công bằng ở chổ, có tội phải xử lý, có tội phải nói là có tội chứ không thể nói có tội là không có tội”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre (ảnh nguồn media.quochoi,vn).
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre  (ảnh nguồn media.quochoi,vn).

Để có cái nhìn sâu sắc hơn về lý do Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng lựa chọn phương án 1, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gặp gỡ trao đổi với vị đại biểu này bên hành lang nghị trường Quốc hội vào chiều 24/5.

Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: “Bản thân lời giải thích của nhiều đại biểu chọn phương án 2 đã thể hiện mâu thuẫn. Vì viện cớ trẻ em nhận thức chưa đầy đủ nên chỉ xử lý ở các tội nặng là không đúng.

Nếu các em nhận thức đến đâu xử lý đến đó thì các ý kiến trên đang đi ngược với  điều 91 là các nguyên tắc xử lý hình sự.

Chúng ta hình dung, tầm nhận thức của trẻ em rất ít, trãi nghiệm không cao so với người lớn nhưng cao hơn rất nhiều lần so với thời kỳ ngày xưa.

Bây giờ, nhận thức đến đâu ta xử lý đến đấy. Trong tội phạm thì chia thành 4 cấp độ ít nghiêm trọng, nghiêm trong, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tôi giả định các em chỉ nhận thức được tầm thứ 2 là tầm nghiêm trọng thôi, tại sao ta lại đi xử lý cái tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”.

Đại biểu Quốc hội quá bức xúc, không thể xem hết clip nữ sinh đánh nhau! ảnh 4Xác minh clip hai nhóm nữ sinh đánh nhau

Vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh thêm: “Tôi cho rằng, chúng ta phải phân biệt giữa chính sách xử lý, việc áp dụng hình phạt và các biện pháp xử lý.

Trước đây, chúng ta xử lý đưa các em ra tòa hình sự để xử lý nhưng bây giờ có tòa án vị thành niên rồi.

Cho dù, các em phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đi nữa thì biện pháp áp dụng cũng không như người trưởng thành.

Các hình thức tố tụng áp dụng mục đích để người phạm tội có tuổi từ 14 đến 16 tuổi hiểu được mình làm như thế là sai, mình làm như thế là không được, mình làm như thế nhưng đang được xử lý nhẹ, hưởng khoan hồng của pháp luật.

Chúng ta vẫn cứ xác định là có tội phạm nhưng biện pháp xử lý là nhẹ. Thậm chí, chúng ta có thể miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xử lý bằng các biện pháp chuyển hướng”.

Điều Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng quan tâm và lo lắng nhất chính là thực tiễn tội phạm tuổi vị thành niên đang phát triển một cách cực kỳ phức tạp như hiện nay. “Bản thân tôi không xem hết nỗi một clip khi ba bốn cháu gái tầm lớp 8, lớp 9 mà chúng xông vào đánh nhau.

Tôi cảm giác như vậy là không thể chấp nhận được. Đau thót hết cả tim lại.

Tôi cho rằng, chỗ này cần nhất quán giữa chính sách, nguyên tắc xử lý, biện pháp xử lý nếu không chúng ta bỏ lọt tội phạm.

Bỏ lọt tội phạm là điều chúng ta không thể chấp nhận được trong chính sách xử lý” – Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trăn trở.

Trinh Phúc