Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày (từ 16 đến hết sáng 18/11) để chất vấn các thành viên Chính phủ.
Khác với các kỳ họp trước, tại kỳ họp thứ 10 kết thúc Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn, tái chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ đối với những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng có trách nhiệm trong việc giải đáp những vấn đề đại biểu đặt ra và nỗ lực giải quyết những tồn tại của lĩnh vực mình. Tuy nhiên, còn có những nội dung chưa đạt yêu cầu, những vấn đề đại biểu tiếp tục quan tâm, chất vấn nhiều qua kỳ họp nhưng giải quyết chưa đạt.
“Cụ thể như vấn đề về cơ cấu ngành nông nghiệp, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, thương hiệu hàng nông sản trên thị trường thế giới… Đối với lĩnh vực y tế là tình trạng ngộ độc thức ăn, thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm; giá thuốc, giá dịch vụ y tế, tai nạn giao thông.
Đây đều là những vấn đề đang còn rất phức tạp và tôi cho rằng, những vấn đề này sẽ còn nhiều ý kiến”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang. |
Cũng theo ông Phúc, Đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ theo sát những vấn đề đã được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội qua các kỳ họp, nhưng triển khai thực tế chưa tốt, hoặc đang còn những tồn tại ở các lĩnh vực, các ngành.
“Bộ trưởng ngành đó sẽ phải báo cáo cụ thể về những vấn đề đó, giải thích trước Quốc hội nguyên nhân tại sao thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Về cơ bản đại biểu sẽ truy đến cùng vấn đề đó. Sau chất vấn, Quốc hội sẽ có nghị quyết. Nghị quyết này sẽ gửi lại cho khóa sau để có sự theo dõi liên tục, đôn đốc thực hiện và giám sát thực hiện những vấn đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII vẫn chưa thực hiện xong”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Phúc cho biết, cách tổ chức chất vấn tại kỳ họp này là hoàn toàn mới từ trước tới nay. Hy vọng đây cũng là sự đổi mới để không chỉ những vấn đề cử tri quan tâm được chất vấn mà còn được thực hiện triển khai trong thực tế.
“Quốc hội sẽ ghi nhân những gì bộ trưởng ngành đó làm được, những gì chưa làm được thì nhiệm kỳ sau tiếp tục thực hiện, có sự kế thừa, nối tiếp. Ý tôi muốn nói đến tính kế thừa của cán bộ trong ngành. Không phải cứ Bộ trưởng này hết nhiệm kỳ rồi thì những vấn đề không còn được thực hiện.
Những vấn đề tồn tại đó của khóa này chưa được thực hiện thì Bộ trưởng của ngành đó khóa sau phải kế thừa để giải quyết. Có nghĩa ngành đó phải giải quyết đến cùng những vấn đề đại biểu đã chất vấn. Đây là trách nhiệm của ngành đó chứ không phải là trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng”, ông Phúc nói.