Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, phương thức xét tuyển tài năng bao gồm 3 diện thí sinh: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dựa vào chứng chỉ quốc tế; và dựa vào hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Diện 1.1)
Đối tượng và điều kiện xét tuyển đối với diện xét tuyển thẳng bao gồm: Thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt giải cao trong các Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông, Kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (ViSEF) hoặc quốc tế (ISEF).
Thời gian đạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng.
Thí sinh được đăng ký tối đa 03 nguyện vọng tương ứng với 03 chương trình đào tạo theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 3.
Trong đó, thí sinh đạt giải Ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có thể đăng ký xét tuyển thẳng vào các chương trình đào tạo phù hợp với môn đạt giải. Thí sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) hoặc đạt giải Ba trở lên trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (ViSEF) cũng có thể xét tuyển thẳng vào các chương trình phù hợp với lĩnh vực đề tài dự thi.
Chi tiết các chương trình tương ứng với các nhóm đối tượng thí sinh như sau:





Xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế (Diện 1.2)

Đối tượng xét tuyển theo diện chứng chỉ quốc tế là thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, có điểm trung bình chung (TBC) học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên.
Điểm trung bình chung năm học = (điểm TBC học kỳ I + điểm TBC học kỳ II)/2.
Thí sinh có ít nhất 1 trong các chứng chỉ quốc tế sau còn giá trị tính tới thời điểm đăng ký: SAT, ACT, A-Level, AP và IB.
Đối với chứng chỉ A-Level và AP, chỉ xét đối với chứng chỉ có điểm thi môn Toán và 2 trong số các môn học sau: Lý/Hóa/Sinh/Tin/Khoa học/tiếng Anh.
Điểm chứng chỉ áp dụng để xét tuyển là tổng điểm của môn Toán và 2 môn thi có điểm số cao nhất còn lại.
Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS hoặc tương đương (theo quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội) còn giá trị tính tới thời điểm đăng ký, có đăng ký xác thực trên hệ thống của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được cộng điểm thưởng vào tổng điểm chứng chỉ. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có bảng quy đổi điểm số cho các chứng chỉ quốc tế có điểm thành phần môn học đánh giá theo hệ chữ.


Thí sinh lưu ý, điểm xét tuyển tài năng của thí sinh đăng ký theo diện này sẽ được tính là tổng điểm các chứng chỉ quốc tế mà thí sinh đăng ký trên hệ thống. Điểm được quy đổi về thang điểm 100. Nếu điểm xét tuyển tài năng ≥ 100 điểm thì quy về 100 điểm.

Xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn (Diện 1.3)
Đối tượng và điều kiện xét tuyển đối với diện xét tuyển này gồm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cùng năm xét tuyển (không xét đối với thí sinh tốt nghiệp hệ Giáo dục thường xuyên), có điểm trung bình chung (TBC) học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên. Điểm TCB năm học = (điểm TBC học kỳ I + điểm TBC học kỳ II)/2 và đáp ứng một trong những điều kiện sau:
a) Thí sinh đạt giải Khuyến khích trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ, Tổ hợp trong thời gian học trung học phổ thông do các Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Vinh, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc chủ trì tổ chức và cấp giấy chứng nhận đạt giải.
b) Thí sinh đạt giải Ba trở lên cuộc thi khoa học kĩ thuật do Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức để lựa chọn đi dự thi ViSEF và ISEF;
c) Thí sinh được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì tổ chức từ vòng thi tháng trở lên;
d) Thí sinh là học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường trung học phổ thông và trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc.
Trong mỗi nội dung a) hoặc b) hoặc c), trong 1 năm học, đối với 1 môn thi hoặc 1 nội dung thi, thành tích của thí sinh chỉ được tính cho 1 thành tích cao nhất. Thời gian tính thành tích là thời gian học trung học phổ thông của thí sinh (Lớp 10, 11 và 12).
Quy định về tính điểm hồ sơ năng lực của thí sinh: Điểm hồ sơ năng lực (HSNL) của thí sinh được tính như sau:
Điểm HSNL = Điểm học lực + Điểm thành tích + Điểm thưởng
Trong đó: Điểm học lực tối đa 40 điểm; Điểm thành tích tối đa 50 điểm; Điểm thưởng tối đa 10 điểm.
Mức điểm hồ sơ năng lực tối thiểu để thí sinh có thể tham gia vòng phỏng vấn là 55 điểm.
Vòng phỏng vấn được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến qua mạng internet. Nội dung phỏng vấn nhằm đánh giá sự hiểu biết của thí sinh về xã hội nói chung, không kiểm tra kiến thức học tập.
Các nội dung đánh giá gồm: Hiểu biết về Đại học Bách khoa Hà Nội, về chương trình đào tạo mà thí sinh dự định đăng ký xét tuyển, kế hoạch học tập nếu trúng tuyển, khả năng trình bày, lập luận, thuyết phục, đối đáp và năng khiếu riêng của bản thân (nếu có).
Điểm xét tuyển tài năng của thí sinh đăng ký theo diện 1.3 được tính là điểm hồ sơ năng lực của thí sinh sau khi đã đạt mức điểm ở vòng phỏng vấn. Nếu điểm phỏng vấn của thí sinh đạt dưới 10 điểm, hồ sơ của thí sinh sẽ bị loại và không có điểm xét tuyển tài năng. Nếu điểm xét tuyển tài năng ≥ 100 điểm thì quy về 100 điểm.
Thí sinh xem chi tiết quy định phương thức xét tuyển tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2025 tại đây.
Năm nay, để hạn chế những rủi ro khi xét tuyển theo chỉ tiêu của từng phương thức như độ lệch điểm giữa các phương thức quá lớn, có phương thức điểm trúng tuyển rất cao, điểm trúng tuyển học bạ thấp hơn điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông,... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định mới cho kỳ tuyển sinh đại học năm 2025.
Cụ thể, cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ.
Quy chế quy định quy tắc quy đổi tương đương phải được công bố công khai muộn nhất cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 9.680 sinh viên, với 3 phương thức, gồm: xét tuyển tài năng, đánh giá tư duy và dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.