Lâm Vĩnh Lạc, "Ngoại trưởng" Đài Loan. |
Thông tấn xã Đài Loan ngày 15/5 dẫn lời ông Lâm Vĩnh Lạc, "Ngoại trưởng" tuyên bố Đài Loan sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến lãnh thổ ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang (sau vụ Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam).
"Không có sự hợp tác nào giữa Trung Quốc và chúng tôi trong các vấn đề về Biển Đông", ông Lạc khẳng định trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại và quốc phòng thuộc Viện Lập pháp Đài Loan.
Ông Lạc cũng cho biết, Đài Loan không chấp nhận việc Bắc Kinh yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam phải đảm bảo an toàn cho công dân Đài Loan đang làm việc tại Việt Nam do lo ngại các hoạt động tuần hành phản đối Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 bị một số đối tượng quá khích kích động bạo lực.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng đặt hàng 20 biển hiệu cho các doanh nghiệp Đài Loan làm ăn tại Việt nam sử dụng để phân biệt với các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Cũng trong ngày 15/5, The Wall Street Journal dẫn lời Hu Wei-jen, Tổng thư ký Ủy ban Đối ngoại - quốc phòng Viện Lập pháp Đài Loan kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông không tẩy chay Đài Loan nếu có một diễn đàn quốc tế thảo luận về Biển Đông.
Đường lưỡi bò phi pháp mà cả Bắc Kinh, Đài Bắc đang đòi "yêu sách" hiện nay trên Biển Đông là sản phẩm tự chế của chính quyền Quốc dân đảng thời Tưởng Giới Thạch cầm quyền. |
Yêu sách "chủ quyền" đường lưỡi bò, còn gọi là đường chữ U, đường 9 đoạn mà Trung Quốc đang chủ trương hiện nay là "di sản" của Quốc dân đảng cầm quyền tại đảo Đài Loan thời kỳ Tưởng Giới Thạch nắm quyền.
Đường lưỡi bò mà Bắc Kinh sử dụng đang khuấy động căng thẳng trên Biển Đông và gây ra sự lo ngại của các nước trong khu vực có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Shen Lyu-Hsun, đại diện của Đài Loan tại Washington cho rằng Trung Quốc không thể "đại diện" cho Đài Loan trong vấn đề Biển Đông vì Đài Loan đang kiểm soát (bất hợp pháp) đảo Ba Bình, đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).
Các chuyên gia cho rằng Đài Loan có thể sử dụng đảo Ba Bình như một căn cứ cho tàu ngầm tấn công và máy bay trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Trung Quốc đại lục vốn có ý định thống nhất đảo này bằng vũ lực.
Và các chuyên gia Đài Loan lý luận rằng, đó là lý do hòn đảo này cần tăng cường phòng thủ trên đảo Ba Bình (Đài Loan đang chiếm đóng bất hợp pháp). Năm 2013, Đài Loan đã quyết định đầu tư 110 triệu USD dể mở rộng đường băng, xây cầu tàu mới (trái phép) trên đảo Ba Bình, Trường Sa.
Hồng Thủy