Đại sứ Trung Quốc tại Anh ông Lưu Hiểu Minh ngày 9/6 lại viết bài xin đăng trên báo Anh chống phá quyết liệt vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) như những đồng nghiệp của ông tại các nước khác đang làm.
Nhưng lần này ông Lưu Hiểu Minh gay gắt hơn, đe dọa Philippines trắng trợn hơn: "Hãy dừng chơi với lửa ở Biển Đông".
Ông Lưu Hiểu Minh, ảnh: Youtube. |
Bài viết của ông Lưu Hiểu Minh xuất hiện trên tờ The Financial Times và The Telegraph ngày 9/6. Ông Minh viết: "Trong lúc Anh tập trung vào cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU, một vấn đề quốc tế nghiêm trọng khác đang phát triển ở Biển Đông.
Mặc dù ít được đưa tin ở Anh, nhưng hiện nay có nhiều cuộc thảo luận về việc Trung Quốc nên chấp nhận phán quyết của PCA hay không.
Những người ủng hộ phương án Trung Quốc cần chấp nhận phán quyết cho rằng, nếu Bắc Kinh tiếp tục từ chối phán quyết của PCA sẽ là hành vi phá hoại hệ thống, trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc và đẩy hòa bình, ổn định của khu vực vào thế bị đe dọa ngay lập tức."
Lưu Hiểu Minh nói Trung Quốc không đồng ý với điều này. Về lý do phản đối, ông Lưu Hiểu Minh bắt đầu thêu dệt, bịa đặt rằng:
"Vụ kiện của Philippines trong thực tế là một nỗ lực đơn phương để hợp pháp hóa các đảo và rặng san hô chiếm đóng bất hợp pháp trong quần đảo Trường Sa.
Công chúng Anh không biết rằng, thực tế có hơn 40 hòn đảo và rặng san hô ở Trường Sa "của Trung Quốc" đang bị chiếm đóng bất hợp pháp bởi Philippiné và một số nước khác. Họ đã xây dựng sân bay và triển khai vũ khí ở đó.
Trung Quốc đã phản ứng bằng sự kiềm chế tối đa, nỗ lực cho các cuộc đàm phán và tham vấn. Chúng tôi đã kêu gọi gác lại tranh chấp, cùng hợp tác khai thác trong khi chờ giải pháp cuối cùng về vấn đề này."
Có thể thấy rằng ngay khi mở đầu bài báo, ông Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh đã bịa đặt trắng trợn về cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa.
Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam phát hiện, xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi còn là đất vô chủ, duy trì chủ quyền một cách hòa bình, liên tục và hợp pháp.
Tuy nhiên năm 1947 chính quyền Trung Hoa Dân quốc tự vẽ ra cái gọi là đường đứt đoạn 11 nét, còn gọi là đường lưỡi bò hay đường chữ U đòi "chủ quyền" toàn bộ Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo này.
Năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục yêu sách bành trướng đó sau khi Trung Hoa Dân quốc bị hất khỏi đại lục ra đảo Đài Loan. Mọi tranh chấp pháp lý mới thực sự mới bắt đầu.
Còn trên thực địa, từ năm 1946 lợi dụng danh nghĩa Đồng Minh vào giải giới quân Nhật ở Đông Dương, Tưởng Giới Thạch đã xua quân chiếm đảo Ba Bình, đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chỉ có tối đa 6 nước ủng hộ lập trường Trung Quốc ở Biển Đông |
Năm 1956 lợi dụng lúc Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, Trung Quốc chiếm nửa phía Đông Hoàng Sa, năm 1974 xâm lược nốt phía Tây Hoàng Sa, năm 1988 cất quân xâm lược thực thể ở Trường Sa, gây ra 2 cuộc chiến tranh đẫm máu.
Từ đó đến nay, Trung Quốc liên tục leo thang củng cố hệ thống công sự nhà nổi kiên cố trên các điểm chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 2009, Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực quân sự hóa Biển Đông.
Bắt đầu từ năm 2013 Trung Quốc tiến hành bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo làm biến đổi hoàn toàn cấu trúc vật lý 7 thực thể ở Trường Sa. Máy bay, tên lửa, ra đa quân sự cao tần đã lần lượt được nước này kéo ra và bố trí bất hợp pháp ở Hoàng Sa, Trường Sa, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Hoàng Sa hiện bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp toàn bộ, Trường Sa thì ngoài Trung Quốc còn một số nước khác cũng nhảy vào chiếm đóng một số thực thể.
Thứ hai, 7/15 nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc và được PCA phán quyết đủ thẩm quyền xét xử bằng thông cáo báo chí ngày 29/10/2015 và sắp có phán quyết, hoàn toàn là nội dung áp dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS, không liên quan gì đến chủ quyền lãnh thổ.
Lưu Hiểu Minh và giới ngoại giao Trung Quốc đang cố tình bóp méo sự thật này hòng né tránh phán quyết của Tòa cũng như sức ép từ dư luận. Nhưng càng vùng vẫy thì càng sa lầy.
Bởi lẽ những lời dọa nạt như ông Minh nói trên báo Anh chỉ càng làm cho dư luận thấy rõ bộ mặt thật của Trung Quốc trên Biển Đông. Mặc dù được Trung Quốc xác định là "bạn vàng", nhưng Thủ tướng Anh David Cameron đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của PCA và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ.
Mặc dù Trung Quốc ra sức đánh đồng các loại tranh chấp khác nhau ở Biển Đông và "vo viên" thành một - tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tuy nhiên bàn tay không che nổi mặt trời.
Nhân loại văn minh khó có thể chấp nhận để một quốc gia viết lại luật pháp quốc tế, giải thích lại luật pháp quốc tế bằng cách bẻ cong những gì bất lợi cho tham vọng bành trướng của mình như Trung Quốc đang làm.
Thứ ba, Lưu Hiểu Minh nói rằng UNCLOS rõ ràng cung cấp một cách tiếp cận song phương trước khi đưa tranh chấp ra bên thứ ba nào như trọng tài quốc tế.
Xin thưa rằng không một quốc gia nào có thể đồng ý đàm phán với Trung Quốc khi Bắc Kinh luôn đưa ra tiền đề: Phải thừa nhận nguyên tắc chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác.
Chỉ cần gật đầu với nguyên tắc này, các nước ven Biển Đông xem như hai tay dâng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của mình cho Trung Quốc và Bắc Kinh "bố thí lại" cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, đây là vế thứ hai: Hợp tác cùng khai thác.
Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông |
Đó cũng là lý do 18 năm Philppines theo đuổi đàm phán với Trung Quốc nhưng càng đàm phán càng vào ngõ cụt.
Trung Quốc giật phăng bát cơm trên tay nước khác, sau đó bị phản ứng quyết liệt thì quay ra đòi đàm phán chia phần, rồi lại đòi phần hơn với nguyên tắc: Phải thừa nhận bát cơm ấy là của Trung Quốc, sau đó đàm phán "hợp tác cùng khai thác" chia phần bát cơm ấy.
Đó chính là những gì Trung Quốc đã và đang hành xử ở Biển Đông.
Thứ tư, Lưu Hiểu Minh tiếp tục luận điệu quen thuộc gắp lửa bỏ tay người, bóng gió ám chỉ Hoa Kỳ "giật dây cơ quan tài phán", cụ thể trong trường hợp này là PCA.
Tuy nhiên, ông Minh không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào để chứng minh Mỹ giật dây. Ngược lại chỉ là những lời cáo buộc vô căn cứ, chụp mũ như chính cách người Trung Quốc hành xử với nhau trong Cách mạng Văn hóa.
Ông Minh lập luận rằng, Hoa Kỳ chưa phê chuẩn UNCLOS thì "không có tư cách" nói Trung Quốc phải tuân thủ UNCLOS, một cách đánh lạc hướng dư luận khỏi trọng tâm vụ kiện.
Xin thưa rằng, Hoa Kỳ không phải nguyên đơn, và bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền bảo vệ công lý và lẽ phải. Đuối lý cãi cùn, đổ thừa, chụp mũ không phải là cách hành xử của một nước văn minh, nhất là khi họ đang ngồi ghế Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.