Nước ta là một nước còn nghèo, nhưng “dân ta” thích chơi sang. Một số chính sách đưa ra gần đây dựa trên mức sống của người giàu. Nếu không các chính sách ấy cũng “vênh” với thực tế của Việt Nam. Mới đây nhất là việc đề xuất cấm xe máy cũ ở TP HCM. Để xác định thế nào là xe máy cũ là một vấn đề nan giải. Dựa vào năm sản xuất? Dựa vào số km đã chạy hay dựa vào hình thức xe đã chạy? Tất cả đều không có căn cứ.
Xe máy là phương tiện mưu sinh của người dân. Ảnh: Phương Sơn |
Xe máy là phương tiện làm ăn, mưu sinh, đi lại của rất nhiều người lao động, số đông người dân có xe máy, có cô giáo vẫn chạy chiếc dream lùn “second hand” đã xuất xưởng 23 năm. Cấm xe máy cũ sẽ tước đi phương tiện của những người lao động nghèo và gây khó khăn cho người nghèo và những vấn đề xã hội khác nảy sinh. Nếu dựa trên tiêu chuẩn khí thải Euro, thì một xe dù sinh ra từ thời chiến nhưng được làm lại máy cũng sẽ như xe mới, có thể đạt được tiêu chuẩn Euro. Giảm lượng khí thải là cần thiết, song với Việt Nam là một nước nghèo, chúng ta có nên “vội vã” không? Rất nhiều nước cho phép nhập khẩu ô tô cũ từ các nước khác dù xe đó đã chạy được gần 10 năm. Tôi đã từng mua lại một chiếc Toyota Corolla cũ và chạy thêm 40.000 km trong bốn năm, trước khi bán lại và lãi gần 1.000USD Một số các chính sách khác đem lại lợi ích cho các tầng lớp giàu như có tỉnh miền Trung có đến gần chục sân golf vẫn xin thêm sân golf mới và có 3 sân golf chiếm gần hết đất của một xã. Để so sánh chúng ta xem bảng sau:
Dữ liệu | Việt Nam | Thái Lan |
Diện tích (km2) | 332.000 | 514.000 |
Dân số (triệu người) | 90,5 | 66,4 |
GDP ( tỷ đôla) | 135,4 | 345,6 |
Thu nhập bình quân đầu người (đôla) | 1.498 | 5.400 |
Phần trăm ngành du lịch mang lại so với GDP (%) | 4,3 | 9,97 |
Diện tích đất nông nghiệp (ha) | 26.723 | khoảng 90,000 |
Số sân golf | 123 | 200 |
Nếu tính toán và so sánh với Thái Lan về diện tích, dân số, đất canh tác và số tiền du lịch đóng góp vào GDP, có lẽ nước ta chỉ nên có 40 sân golf là đủ cho tầm nhìn vài chục năm tới. Du lịch Thái Lan còn cho Việt Nam “ăn khói” về tính chuyên nghiệp khi họ phấn đấu năm 2013 sẽ đạt 30 tỉ đô-la, thì sân golf cho ai chơi, nếu không có các giải đấu quốc tế? Một tình trạng lãng phí đất không khác gì so với các dự án treo sử dụng đất!
Giá thuốc tăng khiến nhiều bệnh nhân nghèo lao đao. Ảnh: Thi Trân |
Hệ lụy chúng ta đã thấy rõ. Người nông dân mất đất, không được đào tạo nghề, họ sẽ sống bằng gì, khi tiêu xài hết số tiền đền bù, và sống trong ngôi nhà gạch hóa kiểu “đô thị” ở thôn quê? Do thất nghiệp và cuộc sống bức bách, nhiều người đổ về các thành phố lớn hòng tìm bất kỳ việc gì để sinh sống: cửu vạn, buôn bán rong, giúp việc nhà... gây nên sức ép tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn. Tài nguyên đất tính theo đầu người không sinh sôi, chỉ giảm dần theo tăng dân số, không những thế còn bị “chia nhỏ” cho con cháu, khi lập gia đình, ra ở riêng. Giá BĐS cao quá, nên lạm phát. Giá thuê cửa hàng cao, thì phải bán giá cao. Vay lãi suất cao thì phải bán giá cao. Làm sao bán rẻ khi lãi suất trên 20% một năm và nếu vay ngoài chợ đen còn gấp vài ba lần? Chả nhẽ chúng ta lấy tài nguyên trong đó có đất đai làm bàn đạp để tăng trưởng GDP? Bảo hiểm y tế bắt buộc gồm ở nước ta hiện nay dành cho các đối tượng chính sách được ngân sách Nhà nước chi trả. Nhưng trên thực tế, có trường hợp bảo hiểm chỉ được thanh toán cỡ 30%, còn 70% phải đóng. Hơn nữa, việc tăng viện phí hiện nay càng làm cho người nghèo khổ sở hơn. Các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa còn đề nghị tăng viện phí kịch trần với lý do trang thiết bị lạc hậu, chỉ như vậy mới nâng cao được chất lượng! Bảo hiểm nông nghiệp nghe có vẻ hợp lý. Thiên tai, dịch bệnh bất thường, giá cả thất thường khiến người nông dân luôn đánh đu với số phận và may rủi. Nhưng nếu đóng bảo hiểm thì không còn có lãi bao nhiêu, vì vậy người nông dân không mặn mà với bảo hiểm này. Tôi mong mỗi khi đưa ra một chính sách, các vị chức sắc hãy đặt mình vào hoàn cảnh của số đông những người dân lao động nghèo và có lộ trình và dựa trên những đánh giá cụ thể phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Nghiem Michel/vnexpress