South China Morning Post ngày 30/6 dẫn nguồn tin AFP cho biết, Sri Lanka sẽ dời Bộ Tư lệnh miền Nam đến cảng Hambantota đã cho 1 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê trong 99 năm, để ngăn ngừa nguy cơ Trung Quốc dùng nó vào mục đích quân sự.
Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ra tuyên bố:
"Hải quân Sri Lanka đang di chuyển Bộ Tư lệnh miền Nam đến Hambantota. Không có gì phải lo sợ vì an ninh của cảng này sẽ đặt dưới sự kiểm soát của hải quân Sri Lanka.
Sri Lanka cũng đã thông báo cho phía Trung Quốc rằng, cảng Hambantota không thể được sử dụng (bởi Trung Quốc) cho mục đích quân sự."
Trung Quốc đã từng đề nghị Sri Lanka cho tàu ngầm nước này cập cảng Colombo đúng ngày Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sang thăm năm ngoái, ảnh minh họa: India Today. |
Quốc gia này đang là con nợ của Trung Quốc với khoản nợ hàng tỉ USD do nội các cũ của Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã vay mượn để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm cảng Hambantota.
Vì không thể trả nợ, Sri Lanka đã phải đồng ý cho Trung Quốc sở hữu 70% cổ phần tại cảng Hambantota trong hợp đồng thuê cảng 99 năm.
(Theo The New York Times ngày 25/6, Trung Quốc sở hữu 85% cổ phần công ty liên doanh vận hành, quản lý, khai thác cảng Hambantota, đồng thời còn được sử dụng 6 ngàn héc ta đất xung quanh cảng để làm khu công nghiệp trong 99 năm).
Vành đai và Con đường, phân tích - bình luận |
Tháng Năm năm ngoái, nội các Tổng thống Maithripala Sirisena từ chối yêu cầu của Trung Quốc cho tàu ngầm nước này cập cảng Colombo trong thời gian Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Sri Lanka.
Trong năm 2014 vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, 2 tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng Colombo (đúng ngày Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có mặt tại thành phố này, cũng theo The New York Times).
Tổng thống Maithripala Sirisena lên nắm quyền vào tháng 1/2015 với cam kết giảm bớt sự phụ thuộc của Sri Lanka vào Trung Quốc.
Nguồn:
http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2153246/sri-lanka-base-navys-southern-command-chinese-run