Mặc dù ghét bị lùa như "gia súc", nhưng Noriega vẫn kiên nhẫn xếp hàng nhiều giờ trong đám đông hơn 1.500 người đang được những người lính trang bị vũ khí kiểm tra thẻ căn cước để đảm bảo rằng không ai tìm cách mua các mặt hàng cơ bản nhiều hơn một hoặc hai lần mỗi tuần.
Nhiều kệ trong các cửa hàng ở Venezuela đã trống từ nhiều tuần trước. |
Noriega là một nhân viên phòng thí nghiệm có ba người con, cô chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài sự kiên nhẫn vì thực phẩm dự trữ đã hết, cà phê, bột ngọt cũng không còn. Noriega đã phải trao đổi thực phẩm với láng giềng những ngày qua mới có được bữa ăn.
Người dân Venezuela đã phải sống trong tình trạng thiếu thốn nhiều năm qua. Nhưng sự sụt giảm mạnh của giá dầu những tháng gần đây đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, tờ New York Times cho biết.
Chính phủ đã phải điều động quân đội đi tuần tra các khu vực kinh doanh chính để tránh bạo động, một số tiểu bang cấm người dân xếp hàng chờ bên các cửa hàng qua đêm và những dán thông báo khắp nơi cảnh báo sẵn sàng bắt giữ những người bán hàng lậu.
Người dân xếp hàng dài chờ được mua các nhu yếu phẩm với giá trợ cấp. |
Venezuela là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Mỹ và phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu này. Dầu mỏ đem lại tới 95% thu nhập ngoại tệ cho Venezuela và số tiền này được dùng để nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiều thứ khác.
Ngay cả khi dầu thô ở ngưỡng 100 USD/thùng, Venezuela vẫn thu không đủ chi, luôn thiếu hụt kinh niên các hàng hóa cơ bản. Hơn nữa, Venezuela còn là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới.
Do đó việc giá dầu giảm mạnh sẽ đẩy tình trạng của Venezuela rơi vào suy thoái sâu hơn nữa. Hiện Venezuela bán dầu thô với giá 38 USD/thùng, giảm từ 96 USD/thùng hồi tháng 6 năm ngoái.
Các địa điểm bán hàng do chính phủ trợ cấp đều được giám sát chặt chẽ để đảm bảo một người không mua quá một lần mỗi tuần. |
Một trong những bệnh viện công lập có uy tín nhất của quốc gia này đã phải đóng cửa khoa phẫu thuật tim trong tuần trước vì thiếu hụt vật tư y tế. Một số loại thuốc đã hết nhiều tháng qua. Nhiều người bệnh than phiền rằng nhiều tháng qua họ không thể tìm được những loại thuốc cần thiết.
Hàng hóa cơ bản vốn khan hiếm lại có nguy cơ tăng giá do lạm phát tăng khi giá dầu giảm dẫn tới tình trạng người dân ào ạt đổ tới các cửa hàng để mua sắm. Nhiều người Venezuela hiện muốn mua tã cho con phải trình giấy khai sinh của con cái họ.
"Đây là thảm họa", Yenerly Nino 18 tuổi cho biết, cô đã xếp hàng chờ 5 giờ đồng hồ để mua thực phẩm với giá được chính phủ trợ cấp vì không có tiền để mua hàng ở chợ đen với giá cao.
Dầu, bơ, xà phòng được bán tại các khu chợ đen ở Venezuela. |
Tuy nhiên, mọi người dân Venezuela đều đang làm tất cả những gì trong khả năng của họ để có được cái ăn.
Tình trạng khan hiếm thực phẩm hàng tiêu dùng trong nước đã đẩy mạnh hàng hóa buôn lậu vào Venezuela và hình thành nhiều chợ đen, nơi người dân bất chấp lệnh cấm của chính phủ và nguy cơ bị bắt giữ để đầu cơ hoặc tìm cách duy trì cuộc sống của họ.
Theo Washington Times, sự sụt giảm giá dầu liên tục đã đẩy nền kinh tế Venezuela đến bờ vực của sự sụp đổ và gia tăng nguy cơ bất ổn bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ đang ngày càng gia tăng.
Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đang phải đối mặt với một loạt khó khăn về kinh tế lẫn bất ổn chính trị. |
"Tình hình hiện nay ở Venezuela là không bền vững nếu giá tiếp tục giảm ", ông Michael Shifter - Chủ tịch Đối thoại Liên Mỹ, một nhóm nghiên cứu chính sách ở Washington cho biết.
Adam Isacson, một luật sư cao cấp tại Văn phòng Washington về châu Mỹ Latinh lại đưa ra cảnh báo ảm đạm hơn khi cho rằng, chính phủ Venezuela có thể sẽ mất quyền kiểm soát tại một số khu vực. Theo ông, một số khu vực biên giới Venezuela và thậm chí trong khu ổ chuột ở Caracas đã xảy ra các cuộc đấu súng giữa lực lượng dân quân và cảnh sát./.