Đang bị xem xét xử lý, quan chức làm thủ tục ly hôn có nhằm tẩu tán tài sản?

24/11/2023 10:10
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ gửi tài sản cho họ hàng, người thân đứng tên hộ, không ít đối tượng diện bị thanh, kiểm tra đã làm thủ tục ly hôn...

Các vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã được phát hiện và xử lý quyết liệt không có "ngoại lệ", "không có vùng cấm. Đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo dõi.

Từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo (tháng 1/2023) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đến các cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.

Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt 49,44%). [1]

Việc làm sao phát hiện, ngăn chặn các hành vi, thủ đoạn tinh vi nhằm tẩu tán tài sản của các đối tượng là cán bộ, quan chức, lãnh đạo công ty, tập đoàn có dấu hiệu sai phạm, đang được thanh, kiểm tra là điều nhiều chuyên gia quan tâm. Bởi thực tế, khi "rục rịch" bị thanh, kiểm tra, không ít cán bộ, lãnh đạo tập đoàn đã có động thái làm thủ tục ly hôn vợ/ hoặc chồng. Điều này cũng gây không ít nghi ngờ của dư luận.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII bày tỏ: “Việc chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đã được triển khai rất tích cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo rất quyết liệt.

Tuy nhiên, vẫn có những vụ xử rồi rất khó thu hồi tài sản tham nhũng. Mặc dù tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đã tăng lên, nhưng số tiền thất thoát qua các vụ đại án vẫn là một con số rất lớn.

Có rất nhiều chiêu thức để cản trở quá trình này, chẳng hạn, cứ rục rịch có hiện tượng là các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài; hoặc tìm cách phân tán tài sản cho bà con cô bác... Theo tôi, cần phải xử lý cả những nơi cho gửi những tài sản này. Phải truy ra nguồn gốc tài sản của những người thân thích, con cái, họ hàng... từ đâu ra... Đã làm thì phải làm thật triệt để và đồng bộ, có những giải pháp quyết liệt và đủ sức răn đe, nếu không sẽ lại có những chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, như vậy là không được!”.

Ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Ảnh: quochoi.vn.

Ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Ảnh: quochoi.vn.

Về nguy cơ thất thoát tài sản tham nhũng, ông Bùi Văn Phương - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV nêu quan điểm: “Thực tế, việc để các đối tượng tẩu tán tài sản, thường do phát hiện chậm. Bản thân việc phát hiện vụ việc sai phạm đã chậm, nên trong thời gian đó, người vi phạm đã sử dụng hết số tiền, hoặc lợi dụng các “kẽ hở” pháp luật để tẩu tán hết tài sản tham nhũng...

Đó là thực tế, song, thực tế cũng trả lời cho chúng ta một câu mà dân gian thường nói: “Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”. Tức là, một khi thực tế nảy sinh “vỏ quýt dày” như vậy, thì “móng tay” bây giờ phải “nhọn”, phải “sắc”. Và ở đây, có nghĩa là phải điều chỉnh lại luật pháp”.

Ông Bùi Văn Phương. Ảnh: quochoi.vn.

Ông Bùi Văn Phương. Ảnh: quochoi.vn.

Ông Bùi Văn Phương dẫn chứng một số trường hợp mà thời gian qua các cơ quan báo chí có đề cập: “Chẳng hạn, một số quan chức hiện nay lợi dụng chuyện ly hôn để có ý phân tán tài sản, hoặc chuyển quyền sử dụng cho người khác đứng tên để tẩu tán tài sản. Cũng phải nhấn mạnh rằng, việc ly hôn cũng là một hình thức “lách luật” để những người vi phạm bảo toàn tài sản. Nhưng thủ đoạn này cũng khó lòng qua được sự giám sát của tổ chức, cơ quan chức năng.

Cơ quan điều tra hoàn toàn có thể yêu cầu giải trình và điều tra rõ ngọn ngành. Ví dụ, xác minh được bản thân người này không có công ty, doanh nghiệp, không có công việc kinh doanh lớn nào, mà tự dưng lại có một khối tài sản khổng lồ, sở hữu nhiều bất động sản... Đó là những dấu hiệu của chuyện vi phạm pháp luật. Nhất là hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh triển khai định danh điện tử, những chuyện này càng thuận tiện hơn”.

Như vậy, hoàn toàn có quyền yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản. Khi đã quyết tâm cao, nếu vướng luật, hoàn toàn có thể sửa luật” - ông nói.

“Tóm lại, theo tôi, việc thu hồi tài sản tham nhũng kể đối với các trường hợp nhờ người đứng tên hay ly hôn là hoàn toàn có thể, chỉ có điều có quyết tâm hay không... Phải tìm giải pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng” - ông nhấn mạnh.

Ngăn chặn những hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng là hết sức cần thiết

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã chia sẻ quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Vị đại biểu phân tích: “Trong kết luận thanh tra liên quan đến vụ của Trương Mỹ Lan, cũng đã nói rất rõ về chuyện tẩu tán tài sản tham nhũng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thời gian qua cũng thừa nhận rằng, tài sản tham nhũng do các đối tượng có hành vi phạm tội trong năm 2023, theo báo cáo và thực tiễn thu hồi cao so với mọi năm. Tuy nhiên, mặc dù tỉ lệ thu hồi rất cao, nhưng số tiền tham nhũng qua các đại án lại rất nhiều, nên con số thất thoát cũng không phải là nhỏ.

Cho nên, việc ngăn chặn những hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng là hết sức cần thiết.

Các văn bản luật, dưới luật cũng đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể đối với các hành vi, để những đối tượng không thể, không muốn, không làm việc tẩu tán tài sản”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích: “Cái khó của chúng ta trong vấn đề thu hồi tài sản chính là về mặt thời gian. Chúng ta thường chậm trễ trong việc phát hiện, nên khi các cơ quan mới đang rục rịch, những kẻ vi phạm đã có kế hoạch để đối phó, thậm chí có người còn có tư tưởng chấp nhận “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Không chỉ là gửi tài sản cho họ hàng, người thân đứng tên hộ, hay ly hôn để giảm tài sản bị kê biên..., một số lại ôm tiền chạy trốn thẳng ra nước ngoài.

Chính vì vậy, theo tôi, trong công tác phòng, chống tham nhũng, cần nhất là ngăn chặn kịp thời những hành vi tẩu tán tài sản, và làm sao thu hồi được những tài sản tham nhũng, do các đối tượng có hành vi phạm tội gây ra” - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://yenbai.noichinh.vn/chi-tiet/hai-cuu-chu-tich-ngan-hang-scb-bi-truy-na-trong-vu-van-thinh-phat-6463

Thành An