VOA ngày 12/1 đưa tin, các ủy viên trung ương đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) đã thảo luận về những căng thẳng trên Biển Đông trong hội nghị trung ương thường niên của họ cuối tuần qua tại Phnom Penh vì lo ngại có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đồng thời là Chủ tịch đảng CPP cầm quyền. |
Trong hội nghị trung ương, CPP đã cung cấp cho các đại biểu tham dự một bản báo cáo 49 trang, trong đó có đề cập đến Biển Đông. CPP cảnh báo, sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Biển Đông làm "tình hình phức tạp hơn" trong khi ASEAN và Trung Quốc đang cố gắng tiến tới COC. CPP cho rằng phương Tây đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Đáng chú ý là CPP đưa ra tài liệu "thảo luận" về Biển Đông chỉ một tuần sau khi Trung Quốc hạ cánh thử nghiệm (bất hợp pháp) máy bay trên đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Các nhà phân tích Campuchia cho rằng, Phnom Penh nên duy trì quan hệ với cả Bắc Kinh và phương Tây để phát triển thịnh vượng. Ông Ou Virak từ Diễn đàn Future nhận xét, CPP không sai nếu quan tâm đến cân bằng quyền lực, để ý đến tranh chấp trong khu vực.
Nhưng ông nghi ngờ Bộ Ngoại giao Campuchia có lập trường rõ ràng để nói với dư luận những gì cơ quan này đang làm. Nếu "thảo luận" về Biển Đông thì nên thảo luận kín.
Ou Virak cho rằng, CPP nên xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ để cân bằng với Trung Quốc, nước đang mở rộng ảnh hưởng của họ tại Campuchia cả về quân sự lẫn kinh tế trong những năm gần đây.
Koul Panha, người đứng đầu nhóm giám sát bầu cử Comfrel nói với VOA, dường như CPP đang nghiêng hẳn về phía Trung Quốc khi cho rằng họ muốn thấy các tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết "gữa các bên liên quan với nhau" và CPP không muốn bất kỳ quốc gia nào bên ngoài tham dự.
Tuy nhiên mong muốn của CPP khó có thể trở thành hiện thực. Sok Eysan, người phát ngôn CPP nói với VOA rằng đảng này vẫn trung lập trong các vấn đề quốc tế và chỉ cập nhật cho các ủy viên trung ương của họ về tình hình Biển Đông trong kỳ họp cuối tuần qua.
"Chúng tôi không có ý định đứng về bất kỳ bên nào. Chúng tôi chỉ thảo luận về sự phát triển, diễn biến của các tình huống ở Biển Đông, tất cả chỉ có vậy", ông Sok Eysan nói.
Hoạt động bảo vệ tự do hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế mà Mỹ tiến hành ở Biển Đông thì bị CPP nghi ngờ và lên án. Trong khi những hành vi leo thang nhằm độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành thì CPP lờ đi - PV.
Họ cố gắng biện minh, nói đỡ giúp Trung Quốc và thậm chí hùa theo Bắc Kinh đòi "đàm phán tay đôi" với từng nước ở Biển Đông.
Điều này đi ngược lại với nhận thức chung của nhân loại tiến bộ cũng như trong cộng đồng ASEAN. Phnom Penh đã phải trả giá bằng uy tín của mình trong ASEAN cũng như với cộng đồng quốc tế trong việc hùa theo Trung Quốc ngăn cản đưa khủng hoảng Biển Đông vào tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012.
Nhưng xem ra so với viện trợ từ Trung Quốc thì những thiệt hại về uy tín đối với Campuchia đã không còn quá quan trọng.