Chuyên gia Trung Quốc vu cáo Việt Nam, Philippines liên tiếp gây sự

09/08/2014 07:18
Đông Bình
(GDVN) - Báo TQ tiếp tục lừa đảo, gắp lửa bỏ tay người, vu cáo Mỹ can thiệp Biển Đông, vu cáo Việt Nam, Philippines "liên tiếp gây sự" làm Biển Đông nóng lên.
Trung Quốc hung hăng hăm dọa trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Trung Quốc hung hăng hăm dọa trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 8 tháng 8 đăng bài viết đáng quan tâm của nhà nghiên cứu Địch Côn, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, trong đó có lắp ghép nội dung tuyên truyền xuyên tạc đánh lừa dư luận Trung Quốc và dư luận quốc tế, báo GDVN xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết để độc giả rộng đường tham khảo.

Bài viết cho rằng, loại hội nghị Ngoại trưởng hợp tác Đông Á thường niên sắp khai mạc tại Myanmar. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham gia nhiều hội nghị Ngoại trưởng gồm ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Trung-Nhật-Hàn, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ngoại giao xung quanh (ngoại giao láng giềng) Trung Quốc sẽ tiếp tục nổi lên một cao trào nhỏ.

Theo bài báo, "năm nay, ngoại giao xung quanh Trung Quốc khởi đầu tốt đẹp, nhưng các mâu thuẫn và các vấn đề cũng không ngừng nổi lên, hợp tác và giao đấu (cạnh tranh, đấu đá) đan xen và đồng thời phát triển. Hai xu hướng này mạnh yếu, giằng co thế nào đang là điểm cần quan tâm của hội nghị Ngoại trưởng lần này".

Tàu tuần tiễu săn ngầm Hải quân Trung Quốc tham gia xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Tàu tuần tiễu săn ngầm Hải quân Trung Quốc tham gia xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam

Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, về phương diện hợp tác, Trung Quốc tích cực đề xướng hợp tác khu vực, trở thành "động lực chính" của nhất thể hóa kinh tế châu Á.

Trung Quốc thúc đẩy xây dựng vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, việc chuẩn bị cho xây dựng Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á đạt được tiến triển mang tính giai đoạn;

loạt hạng mục đầu tiên của hợp tác trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN sắp khởi động; tiến trình xây dựng hệ thống ổn định tiền tệ châu Á, hệ thống đầu tư tài chính, hệ thống đánh giá tín dụng và hệ thống thương mại tự do không ngừng thúc đẩy; đàm phán nâng cấp Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN có triển vọng được khởi động.

Trong lĩnh vực an ninh, tại Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đưa ra quan niệm an ninh châu Á, nhấn mạnh an ninh chung, an ninh tổng hợp, an ninh hợp tác và an ninh bền vững, được báo Trung Quốc cho là "được đông đảo các nước châu Á đồng tình, ủng hộ".

Hợp tác an ninh Trung Quốc-ASEAN không ngừng sâu sắc, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc-ASEAN có triển vọng tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2015. “Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thiết thực trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, tích cực cung cấp sản phẩm an ninh công, chỉ trong khuôn khổ diễn đàn ASEAN, đã đảm nhận tiếp nhận 1/3 hạng mục”. Trung Quốc và các nước ASEAN bàn bạc "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) cũng đang “đạt được tiến triển” (?).

Máy bay quân sự Trung Quốc hung hăng đe dọa ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Máy bay quân sự Trung Quốc hung hăng đe dọa ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Về phương diện cạnh tranh/đấu đá, các điểm nóng ở khu vực xung quanh lúc lên lúc xuống, thậm chí tác động lẫn nhau. Tình hình bán đảo Triều Tiên nóng lạnh khó lường; đấu đá chiến lược giữa Trung-Nhật trong vấn đề lịch sử và tranh chấp đảo Senkaku ngày càng sâu sắc; Mỹ-Nhật tăng cường đồng minh quân sự, Nhật Bản đẩy nhanh chuyển đổi chiến lược an ninh; vấn đề Biển Đông nóng lên rõ rệt, Việt Nam và Philippines "liên tiếp gây sự" – báo Trung Quốc gắp lửa bỏ tay người (trên thực tế, phải nói là Trung Quốc nhảy vào xâm phạm, gây ra tranh chấp).

Theo bài báo, Mỹ tuy tuyên bố "không giữ lập trường", nhưng luôn "thiên vị", gần đây lại "tung ra sáng kiến ‘đóng băng’ hoạt động ở Biển Đông" – điều này bị báo Trung Quốc cho là “có vẻ như công bằng, nhưng kỳ thực hành động nhằm vào Trung Quốc, có ý đồ can thiệp mang tính thực chất vào tranh chấp Biển Đông, đồng thời để Trung Quốc rơi vào bị động về dư luận”.

Do đó, theo bài báo, trong đại cục ổn định tổng thể khu vực xung quanh và châu Á-Thái Bình Dương, "sóng ngầm" tranh đoạt liên tục nổi lên, cục diện tinh tế lệ thuộc nhau về kinh tế, đối lập về an ninh khó được thay đổi căn bản.

Vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế và an ninh xung quanh không ngừng tăng lên, khó tránh khỏi động chạm đến "miếng pho mát" của Mỹ, cảm giác "nguy cơ" của Mỹ đối với duy trì quyền chủ đạo châu Á-Thái Bình Dương là chưa từng có.

Tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc phối hợp xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc phối hợp xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Theo bài báo, sự cân bằng mới của trạng thái chiến lược châu Á-Thái Bình Dương tuyệt đối không phải Mỹ đơn phương “tái cân bằng” là có thể đạt được, cũng tuyệt đối không phải chỉ sử dụng biện pháp hợp tác đơn nhất là có thể đạt được. Vừa phải thuận theo xu thế lớn hợp tác cùng thắng, cùng phát triển của khu vực, vừa phải để các bên cọ xát, thích ứng với nhau, tìm ra giới hạn trong cuộc cạnh tranh không thể tránh khỏi, ngăn chặn xung đột, hình thành đồng thuận hợp tác, hướng tới tương tác lành mạnh.

Hội nghị Ngoại trưởng lần này là một lát cắt ngang của sự thay đổi môi trường xung quanh Trung Quốc, là một điểm tập trung của hai hướng hợp tác và cạnh tranh.

Báo Trung Trung Quốc tuyên truyền rằng: “Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục làm nổi bật đồng thuận hợp tác, thúc đẩy sáng kiến hợp tác, trong vấn đề tranh chấp cũng sẽ tăng cường trao đổi, tham vấn và quản lý, kiểm soát khủng hoảng, kiên quyết bảo vệ cái mà họ gộ là "chủ quyền, lợi ích phát triển và an ninh" (thực ra chủ trương của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là tham vọng ăn cướp biển đảo của các nước láng giềng)”.

Bài báo kết luận, cho rằng, về lâu dài, hợp tác và cạnh tranh cùng tồn tại, tìm kiếm hợp tác trong cạnh tranh, lấy hợp tác làm nhạt đi cạnh tranh, sẽ trở thành “trạng thái bình thường” của ngoại giao láng giềng Trung Quốc, điều này có lẽ chính là “phép biện chứng” của ngoại giao láng giềng Trung Quốc.

Thế lực khủng bố nhà nước Trung Quốc hung hăng đâm chìm tàu cá Việt Nam, không cho cứu ngư dân của tàu cá này - một hành động dã man, vô nhân đạo.
Thế lực khủng bố nhà nước Trung Quốc hung hăng đâm chìm tàu cá Việt Nam, không cho cứu ngư dân của tàu cá này - một hành động dã man, vô nhân đạo.

Trên đây là nội dung tuyên truyền của Trung Quốc, trong đó có những nội dung xuyên tạc, vu cáo, gắp lửa bỏ tay người. Trung Quốc luôn tự vẽ ra hình tượng tốt đẹp cho mình, nhưng nói là một chuyện, làm là một chuyện khác.

Cứ nhìn vào hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua là biết. Trung Quốc không từ bỏ tham vọng “đường lưỡi bò” ở Biển Đông thì Biển Đông sẽ còn bất ổn, còn tồn tại mối đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.

Đông Bình