Đặng Thái Huyền được coi là đạo diễn thế hệ 8x (SN 1980) đầy tài năng của điện ảnh Việt Nam. Năm 2009, bộ phim đầu tay Mười ba bến nước của cô đã đoạt giải Bông Sen Vàng và ẵm trọn các giải thưởng quan trọng khác như: Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất.
Với những thành công mà Đặng Thái Huyền gặt hái được, cô còn được mọi người ưu ái gọi là Đạo diễn phim chiến tranh với nhiều các tác phẩm về đề tài hậu chiến hấp dẫn.
Tuy nhiên, Đặng Thái Huyền lại không muốn bị gói gọn mình trong một chủ đề của phim ảnh nên những năm gần đây, cô tiếp tục được ghi nhận ở dòng phim truyền hình về chủ đề gia đình khá ăn khách như: Ở rể, Thiên đường vắng em, Bí mật đàn ông...Và mới đây nhất, Đặng Thái Huyền vừa hoàn thành xong bộ phim truyền hình dài 33 tập 'Bánh đúc có xương' về đề tài gia đình với sự tham gia của nhiều diễn viên gạo cội như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Ngọc Lan, diễn viên Nguyệt Hằng, Diệu Hương, Phạm Hồng Minh...
Đạo diễn Đặng Thái Huyền |
Bộ phim 'Bánh đúc có xương' chính thức lên sóng vào ngày 22/7 trên sóng VTV1, đạo diễn Đặng Thái Huyền đã dành cho Báo Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện riêng.
Diễn viên là linh hồn của phim
- Bộ phim 'Bánh đúc có xương' xoay quanh chủ đề 'dì ghẻ con chồng' được cho là quá quen thuộc trong xã hội Việt Nam, chị có nghĩ với nội dung như vậy còn thu hút được người xem không?
Tôi nghĩ hiện nay các đề tài không mới kể cả đề tài về tình yêu cũng vậy. Tất cả chỉ xoay quanh những mối quan hệ trong gia đình mà thôi, quan trọng là chúng ta phải tìm ra cách khai thác mới và tìm ra những điểm nhấn mới trong các kịch bản.
Bộ phim 'Bánh đúc có xương' là một đề tài quen thuộc nhưng lại có nội dung hết sức thú vị. Tôi rất tâm đắc với các nhân vật trong phim vì không có nhân vật nào là nhân vật phản diện hoàn toàn, tốt hoàn toàn mà trong nhân vật nào cũng có điểm tốt điểm xấu. Thẳm sâu trong mỗi nhân vật đều có tình yêu thương gắn kết các thành viên trong gia đình mình lại với nhau hết sức nhân văn kể cả bà mẹ chồng của xã hội cũ nhiều định kiến.
Diễn viên Nguyệt Hằng, nghệ sĩ Ngọc Lan, nghệ sĩ Đức Khuê trong phim 'Bánh đúc có xương' |
- Không chỉ nội dung phim bị cho là 'cũ kĩ' mà dàn diền viên cũng bị cho là quá quen thuộc với các bộ phim về đề tài gia đình của miền Bắc cách đây hàng chục năm. Sao chị không tìm những ngôi sao trẻ để tạo sự tươi mới cho bộ phim của mình?
Theo tôi không chỉ có phim thần tượng với những câu chuyện yêu đương, những diễn viên nóng bỏng, sexy mới thu hút được khán giả mà những bộ phim như 'Bánh đúc có xương' cũng sẽ có những người xem của riêng mình.
Về dàn diễn viên tôi lựa chọn cho 'Bánh đúc có xương' vì tôi thấy họ hợp với vai diễn chứ không đi tìm một ngôi sao cho phim. Có thể một vài đạo diễn chuyên làm phim về một diễn viên và coi đó là linh hồn của phim nhưng tôi thì không. Tôi luôn tìm diễn viên hợp với dòng phim của mình và theo tôi chỉ có sự phù hợp thì mới tạo nên sự thành công nhất định cho một tác phẩm.
- Là một nữ đạo diễn trẻ khi thực hiện bộ phim 'Bánh đúc có xương' có bao giờ chị cảm thấy cáu giận và khó chịu với diễn viên của mình vì những cảnh quay không ưng ý?
Tôi không bao giờ khó chịu với diễn viên vì diễn viên là linh hồn bộ phim và nếu họ chưa diễn xuất được thì đó là lỗi của tôi đã không truyền đạt hết để họ làm tốt hơn.
Có rất nhiều trường đoạn khó trong phim 'Bánh đúc có xương' nhưng diễn viên của tôi chỉ diễn một đúp là ăn ngay. Chỉ có những cảnh yêu đương do 2 nhân vật chính là Diệu Hương và Hồng Minh đảm nhận là hay phải quay lại nhiều.
Thật ra mọi người cứ tưởng diễn tình cảm là dễ nhưng rất khó, nhất là khi Diệu Hương và Hồng Minh lại vừa lập gia đình. Tôi phải yêu cầu Diệu Hương và bạn diễn nam ngồi lại và nói chuyện với nhau, tiếp xúc với nhau thậm chí là đi ăn với nhau để có cảm xúc cho nhân vật của mình.
Cặp đôi Diệu Hương, Hồng Minh bị đạo diễn đề nghị 'hẹn hò' với nhau để có cảm xúc khi đóng phim |
- Chị có sợ yêu cầu diễn viên 'hẹn hò' để có cảm xúc cho vai diễn sẽ ảnh hưởng đến gia đình riêng của họ không?
Không, họ làm diễn viên thì chắc chắn khi lập gia đình phải có sự chuẩn bị tư tưởng rất tốt đối với người bạn đời của mình rồi. Và khi chấp nhận lấy vợ hoặc chồng là diễn viên thì họ cũng phải hiểu rằng đó là diễn thôi.
Tôi cũng không bao giờ mang yếu tố gia đình quá nhiều vào công việc như thế đâu.
Khán giả đang giúp phim truyền hình hết thảm họa
- Thời gian gần đây phim truyền hình Việt Nam có vẻ được đầu tư hơn về vật chất nhưng vẫn thường xuyên bị gán mác thảm họa khi lên sóng, chị nghĩ sao?
Rất may là đến thời điểm hiện tại, tôi chưa có bộ phim nào bị gán mác thảm họa cả (cười). Nhưng tôi cũng không tự tin là mình sẽ luôn luôn thành công nhưng sẽ luôn cố gắng để có những tác phẩm sạch sẽ.
Với những bộ phim bị gán mác thảm họa, tôi không cho rằng khán giả bây giờ khó tính mà khán giả bây giờ rất văn minh và thông minh thì đúng hơn. Họ có cái nhìn nhận của riêng mình và chính cái khắt khe của khán giả sẽ làm cho đội ngũ người làm phim phải tự mình thanh lọc mình. Tự mình phải có chứng kiến về nghề nghiệp để không có những bộ phim bị gán mác thảm họa. Tôi nghĩ khán giả là giám khảo để thúc đẩy sự phát triển của phim truyền hình nói riêng và nền điện ảnh Việt Nam nói chung.
- Nhưng theo chị thì nguyên nhân gì khiến phim Việt Nam vẫn còn nhiều thảm họa và chưa thể vượt ra được khỏi lãnh thổ như phim của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản...?
Những người làm nghề như chúng tôi cũng rất suy nghĩ về điều này. Phim Việt Nam về đề tài cũng không thua kém các nước trong khu vực nhưng chúng ta đang phải sản xuất phim với dây chuyền cũ kĩ và không hề có trường quay.
Chúng ta cũng chưa có hệ thống diễn viên bài bản mà phải sử dụng rất nhiều diễn viên tay ngang. Chúng ta vẫn đang sản xuất phim theo kiểu ăn xổi chưa có nền tảng vững chắc. Nếu chúng ta có trường quay phim thì sẽ chủ động được bối cảnh của mình nhưng hiện nay, các đoàn làm phim đều phải đi thuê bối cảnh nên không chủ động được, nhiều khi còn bị tác động bởi các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến bộ phim rất nhiều.
Theo tôi khi nào chúng ta khắc phục được những yếu tố trên thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào phim truyền hình Việt Nam.
- Ngoài những nguyên nhân khách quan khiến phim truyền hình Việt chưa thật hấp dẫn nhiều người còn cho rằng những tiêu cực từ việc 'đổi tình, đổi tiền' lấy vai diễn cũng là một trong những lý do khiến phim ảnh Việt còn kém chất lượng?
Tôi cũng có nghe dư luận về chuyện này nhưng bản thân tôi và những người làm nghề mà tôi biết thì chưa bao giờ xảy ra chuyện đổi tiền, đổi tình cả.
Tôi nghĩ chắc chỉ có một vài trường hợp nhưng báo chí nói quá lên chăng? Còn tôi nghĩ diễn viên và đạo diễn là sự phối hợp song đôi, đạo diễn cần diễn viên tốt và diễn viên cũng cần đạo diễn tốt.
Tôi nghĩ chuyện đổi chác rất là khó trong thời buổi hiện nay vì phim ảnh quá nhiều và diễn viên cũng có sự lựa chọn cho riêng mình chứ không như ngày xưa. Bây giờ đạo diễn muốn mời một diễn viên ưng ý cũng đâu có phải đơn giản.
Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền thì việc tung những clip phim lên mạng thì cũng cần phải có tính nhân văn |
- Không phải ai cũng cũng may mắn được làm phim để chiếu lên truyền hình nên thời gian gần đây nhiều bạn trẻ đã tự thực hiện những clip phim ngắn để tung lên mạng. Ầm ĩ nhất thời gian qua là clip phim 'Căn hộ số 69', chị đánh giá thế nào về trào lưu này?
Tôi chưa xem 'Căn hộ số 69' nên chưa thể phát biểu gì cả nhưng tôi nghĩ như này, không phải những đạo diễn làm phim truyền hình chính thống hay những đạo diễn làm phim đưa lên youtube thì đạo diễn nào hơn đạo diễn nào đâu.
Tôi nghĩ nếu chúng ta đam mê nghề nghiệp và tiếp cận phim ảnh bằng mọi cách, chúng ta không cơ hội chiếu phim trên truyền hình mà làm phim để chiếu lên mạng thì đó là cũng là một cách hay để phổ biến tác phẩm của mình đến khán giả. Nhưng tôi nghĩ đừng làm cái gì trái với văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục mà hãy làm những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn thì rất hoan nghênh dù phim chiếu ở bất cứ chỗ nào.