Quy mô, đẳng cấp, tinh tế, Vũ điệu trên mây – show diễn độc đáo và dài hơi nhất Tây Bắc của đạo diễn Phạm Hoàng Nam đang trở thành “thỏi nam châm” hút khách mang thương hiệu Tây Bắc.
Cùng lắng nghe chia sẻ của đạo diễn Phạm Hoàng Nam về show diễn có một không hai này.
Được biết Vũ điệu trên mây là show diễn rất tâm huyết của anh và ekip. Anh đã làm thế nào để tạo nên sức hút cho show diễn này?
Vũ điệu trên mây là sản phẩm thứ hai sau Vũ hội Ánh Dương, nằm trong chuỗi các show diễn sẽ được tổ chức ở các Sun World trên cả nước. Tùy theo mỗi Sun World, các show diễn sẽ được phát triển theo tính chất khác nhau.
Riêng với Vũ điệu trên mây, đây là sự chắt chiu các tinh túy của văn hóa dân gian Tây Bắc nói chung và các vũ điệu của Tây Bắc nói riêng, nên sẽ là sự tổng hợp và hòa quyện của các điệu vũ quen thuộc, nổi tiếng cùng sự sáng tạo mới của ekip để khán giả có thể nhìn thấy cả Tây Bắc trong một tổng thể chung, không phân biệt vùng miền, dân tộc khác nhau.
Chúng tôi lấy cái gốc là cuộc sống hàng ngày ở đây. Đối với một show diễn, điều quan trọng nhất là điểm nhìn từ khán giả.
Ở Tây Bắc, khán giả Việt Nam đến đây sẽ muốn xem gì khác lạ so với miền xuôi, khán giả nước ngoài đến đây muốn xem văn hóa bản địa.
Nếu làm show kiểu “tây” thì người nước ngoài họ không thích, còn chỉ làm như thông thường thì người Kinh lên hoặc người thuần dân tộc họ xem hàng ngày chán rồi, không có gì thú vị thêm.
Phải làm sao để người địa phương đến cũng phải thốt lên “rõ ràng là của mình đây mà sao hay thế!”, còn người nước ngoài phải thích thú thấy văn hóa đặc sắc thật, lạ thật!
Rất nhiều yếu tố chúng tôi phải bày ra, cắt đi, gọt lại để làm sao ai cũng thấy hấp dẫn, không phụ thuộc lứa tuổi, dân tộc, vùng miền, quốc gia, đồng thời phải giữ được hồn cốt Tây Bắc, cố gắng tìm ra được ngôn ngữ nghệ thuật nhưng đại chúng, đó là bài toán khó mà chúng tôi đã cùng nhau giải.
Để làm nên được một show đậm chất Tây Bắc mà lại giàu hình tượng, nhiều cảm xúc và đầy tính nghệ thuật là điều không dễ dàng, anh và ekip đã gặp những khó khăn gì?
Khó khăn nhất là nghệ sĩ. Ý tưởng đầu tiên của tôi là dùng toàn bộ người dân địa phương, chỉ có biên đạo là chuyên nghiệp.
Nhưng cái khó khăn nhất là tuyển không được. Casting ở Lào Cai, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, tất cả vùng này chỉ tuyển được khoảng 20 người trong khi show cần tới 60.
Cuối cùng tôi quyết định đưa hơn 30 diễn viên và học sinh nghệ thuật ở Hà Nội lên, các bạn sẽ biểu diễn và chuyển giao lại dần cho các bạn ở đây.
Toàn bộ phần hoạt náo và múa phụ là người dân địa phương. Có người thậm chí còn đi dép lên sân khấu tập.
Họ không thể hiểu vì sao phải đi giày. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế, những tiếng khèn, tiếng tù và, tiếng kèn môi của họ lại rất mộc mạc và có sức hút riêng.
Thứ hai là yếu tố thời tiết và an ninh. Tôi đã suy nghĩ rất lâu về việc biểu diễn thế nào, cuối cùng quyết định chọn sân khấu chính là sàn diễn, như chính cách các dân tộc trên Tây Bắc tổ chức lễ hội trên các thung lũng, cánh đồng, với mọi người tụ tập xung quanh như cuộc sống của người bản địa, để không phá đi văn hóa của Tây Bắc, và người xem không có ranh giới, tất cả hòa nhập với nhau.
Nhưng đó cũng chính là thách thức vì thời tiết ở Fansipan vô cùng thất thường, rủi ro quá cao, hơn nữa về yếu tố an ninh, sân khấu mở nên mỗi ngày mỗi khác, người xem không theo một sự sắp đặt hay kỉ luật nào, nên đội an ninh và hướng dẫn phải tập rất kĩ và rèn luyện mỗi ngày để đảm bảo chất lượng show diễn và yếu tố an ninh.
Và thứ nữa là sáng tạo. Nếu nói về đạo cụ, đây không phải show phức tạp nhất với tôi, nhưng ở đây phải làm sao để trông mộc vô cùng nhưng lại biến ảo, đó là cái tôi muốn chứ không thiên về kĩ xảo kĩ thuật.
Mọi thứ đều phải mộc nhất có thể, trông như làm bằng tay, không có công nghệ, không có kĩ xảo, cảm giác mọi thứ công nghệ nằm lui về phía sau, rất mộc như cuộc sống của người nơi đây.
Vậy còn âm nhạc có phải là thử thách?
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam. |
Cái sáng tạo của âm nhạc ở đây là chọn World Music, dùng các sản phẩm địa phương trên nền nhịp điện tử để mang hơi thở hiện đại và hấp dẫn, cuốn hút hơn. Một tiếng khèn cất lên như văng vẳng từ xa, khi gọi người ta đến gần thì phải nhộn nhịp.
Sang phần tâm linh, nếu mọi người để ý vẫn có những yếu tố điện tử trong đó.
Đó là phương pháp chúng tôi chọn để kết nối tất cả mọi thứ vào với nhau. Đồng thời tiếng kèn lá, kèn môi thêm vào, những đoạn kinh trích của thầy Thích Nhất Hạnh lồng vào để tạo điểm nhấn và thêm ý nghĩa.
Quyết định quan trọng nhất mà chúng tôi đã làm là lấy nền tảng Phật giáo cộng văn hóa địa phương, nhạc cụ địa phương, là cái sáng tạo nhất trong âm nhạc của Vũ điệu trên mây.
Anh kỳ vọng gì ở show diễn này suốt quá trình dàn dựng?
Điều đầu tiên, chúng tôi muốn mang tới cho du khách những trải nghiệm văn hóa nghệ thuật thú vị khác khi tới Fansipan ngoài hành trình chinh phục đỉnh cao và những hoạt động sẵn có.
Thứ hai, có một nét độc đáo ở cả khu du lịch Sun World Fansipan Legend lẫn show diễn Vũ điệu trên mây, đó là gồm hai phần: văn hóa Tây Bắc và yếu tố tâm linh.
Bởi vậy, ngoài là show diễn mang tính giải trí cho du khách, Vũ điệu trên mây còn là con đường dẫn để du khách đi vào thế giới từ văn hóa tới tâm linh qua hành trình từ dưới núi lên tới đỉnh.
Qua show diễn họ chiêm nghiệm được nhiều điều, khiến hành trình của du khách thêm thú vị, và khi đi về họ sẽ ấn tượng về điểm đến đặc biệt này, từ đó lan tỏa, truyền bá một cách trung thực và sống động nhất, để nhiều du khách được đến đây thưởng thức Fansipan theo một góc độ văn hóa và tâm linh nhất.
Xin cảm ơn anh!