Đào tạo sư phạm tại TP Hồ Chí Minh buộc phải thay đổi tiến độ và quy trình

24/08/2021 06:39
Phạm Minh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Huỳnh Văn Sơn khẳng định, những thay đổi này là để đảm bảo chất lượng đào tạo trong lúc dịch còn diễn biến phức tạp.

Dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của các cơ sở giáo dục. Trước những khó khăn, các trường đều phải chủ động tìm kiếm các giải pháp, đảm bảo mọi hoạt động được vận hành hiệu quả, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu những giải pháp của cơ sở giáo dục này khi đối diện với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

PV: Dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra những khó khăn gì đối với hoạt động đào tạo của trường, thưa Giáo sư?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Trường đặt tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có giai đoạn mà nhiều người gọi là tâm dịch, vì thế chắc chắn cũng chịu những ảnh hưởng đáng kể.

Ảnh hưởng rõ nhất là hoạt động đào tạo và bồi dưỡng, cụ thể với một số học phần học xong, khi phân tích ma trận và đánh giá hiệu quả hình thức thi có thể chuyển đổi sang phỏng vấn, vấn đáp, tiểu luận,… trực tuyến vẫn chưa đáp ứng thì chúng tôi phải dừng lại.

Việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo và nhất là quy trình đào tạo, nhưng đó là giải pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán theo chương trình ETEP – Chương trình phát triển năng lực các trường sư phạm toàn quốc có ảnh hưởng và phải lùi chậm lại vì gần như các tỉnh thành khu vực phía Nam do trường phụ trách đều bị ảnh hưởng bởi dịch…

Đối với công tác tuyển sinh thì ảnh hưởng không đáng kể bởi việc tuyển sinh của trường đã chuyển đổi hình thức thu hồ sơ trực tuyến cách đây một năm.

Với định hướng, chỉ đạo sát sao của trường, các hoạt động vẫn được triển khai khá nhịp nhàng và hiệu quả trong định hướng chung của ngành, của thành phố.

PV: Thưa Giáo sư, nhà trường đã có giải pháp nào để xử lý những khó khăn này?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Với kinh nghiệm của ngành và trường khi ứng phó với đại dịch từ năm 2020, lớp học ảo đã là giải pháp Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng để triển khai và chú trọng nhiều hơn đến bồi dưỡng nội bộ và chuẩn bị kỹ năng ban đầu thêm cho các học viên.

Song song đó, với hệ thống đào tạo trực tuyến VLE của trường, công tác bồi dưỡng theo nhu cầu hay bồi dưỡng thường xuyên dành cho giáo viên các tỉnh được khai thác khi chúng tôi chỉ đạo xây dựng các khóa học trực tuyến hoàn toàn hay trực tuyến kết hợp để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế; một số giải pháp cụ thể có liên quan về điều chỉnh hình thức thi, đảm bảo công tác giám sát trong các hoạt động với nguồn dữ liệu làm minh chứng cũng cho thấy có thể đáp ứng và làm chủ nhất định dẫu có những khó khăn xảy ra.

Trường được dựng xây và hoạt động với gần 1000 con người và vài chục ngàn người học – cả sinh viên, học viên Cao học, nghiên cứu sinh, học viên bồi dưỡng… nên chúng tôi vẫn phải ưu tiên quan tâm cho con người. Công việc chuyên môn được duy trì thích ứng với từng chỉ thị của thành phố và của ngành; song song đó là triển khai các biện pháp chống dịch theo từng giai đoạn; kế đến là chọn lựa giải pháp để ứng phó trong khả năng và sự chủ động.

Với những ca nghi nhiễm đều được phòng ban chức năng quan tâm và báo cáo; với viên chức trẻ và sinh viên gặp những khó khăn, trường luôn có những hành động cụ thể để hỗ trợ với đội tác chiến nhanh, Tổ Giám sát công tác phòng chống dịch hoạt động tích cực để giám sát toàn trường với sự tham gia của các cơ sở của trường phủ đều.

Khi ký túc xá của trường được trưng dụng để làm khu cách ly và giờ là bệnh viện thu dung, nhà trường cũng sát cánh, cử nhân sự tham gia trực tiếp, đảm bảo các giải pháp an toàn và có những tác động nâng đỡ tinh thần, chăm sóc tinh thần cho nhân sự.

Năm nay, trường vẫn tổ chức học kỳ hè dành cho sinh viên, học viên có nhu cầu tham gia và những kết quả khá an tâm… Hoạt động đào tạo học kỳ thực hiện đúng kế hoạch, trong đó, các học phần được giảng dạy trực tuyến hoàn toàn trên nền tảng Microsoft và VLE.

Về công tác bồi dưỡng, với hệ thống VLE của trường và lớp học ảo qua các phần mềm khác nhau, trường đã tổ chức cho hơn 20 ngàn học viên học chuyên đề: Đạo đức nhà giáo; Những nội dung đổi mới cơ bản trong từng môn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phối hợp cùng nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp, kỹ thuật dạy học đặc trưng thích ứng với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Tình nguyện viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tham gia công tác tình nguyện trong giai đoạn dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Tình nguyện viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tham gia công tác tình nguyện trong giai đoạn dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC)

PV: Giáo sư có thể cho biết rõ hơn về các hoạt động chia sẻ khó khăn của giảng viên, học viên và sinh viên?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Sự quan tâm rõ nhất của trường đó là phương thức tổ chức, tiến độ học tập, hình thức đánh giá… đều phải thuận lợi nhất cho người học.

Trường cũng đã đầu tư kinh phí xét duyệt nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng: Xây dựng một số hoạt động chăm sóc tinh thần cho đối tượng tại khu cách ly với kinh phí nghiên cứu khoa học 100 triệu đồng cùng với sự kết nối và hỗ trợ, tài trợ chuyên môn từ các đơn vị đồng hành để triển khai. Hiện nay, nhu cầu của các tỉnh thành gửi về đề xuất hỗ trợ cũng là vấn đề minh chứng cho hiệu quả của nhiệm vụ này.

Các chính sách cụ thể về học bổng, giảm học phí, hỗ trợ kinh phí học tập trực tuyến cho sinh viên ký túc xá cũng được thực hiện nhanh chóng.

Đặc biệt, tổ hỗ trợ viên chức và sinh viên khó khăn trong mùa dịch hoạt động hiệu quả theo từng giai đoạn đồng hành cùng với các chương trình của thành phố đã hỗ trợ sinh viên ký túc xá và sinh viên toàn trường với gần 20 tấn nông sản và nhu yếu phẩm khác nhau từ các mạnh thường quân.

PV: Trong tình hình khó khăn như vậy, trường có sự chuẩn bị và đổi mới ra sao để hưởng ứng yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về "học thật, thi thật, nhân tài thật", thưa Giáo sư?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Đây là vấn đề trường rất quan tâm và đã thực hiện với phương châm: Chất lượng – Sáng tạo – Nhân văn. Có thể nói công tác đánh giá – thi cử của trường nhiều năm qua khá bài bản và không ngừng cố gắng để hoàn thiện.

Để thực hiện "học thật, thi thật, nhân tài thật", trường phân công nhiệm vụ cho một phó hiệu trưởng phụ trách công tác khảo thí, đánh giá – liên quan đến đảm bảo chất lượng. Có phòng chức năng có liên quan cùng với việc thực hiện chức năng giám sát, thanh tra của Phòng Thanh tra đào tạo.

Các kỳ thi, hoạt động thi và các khâu của quá trình đánh giá đều có sự tham gia của Phòng Thanh tra đào tạo với nhân sự cụ thể; việc bảo vệ luận văn thạc sĩ, khóa luận trong mùa dịch, phòng tham dự đầy đủ với các báo cáo cụ thể và đề xuất cải tiến, điều chỉnh kịp thời.

Trường đã đầu tư kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt dành cho học sinh trung học phổ thông và đã có những kết quả bước đầu khả quan. Trường sẽ tiếp tục nghiên cứu để phổ biến các công cụ này cho các Sở Giáo dục và Đào tạo góp phần đánh giá khách quan năng lực của học sinh bằng kênh khác để giảm tải áp lực thi cử.

Đây cũng là dữ liệu trường sử dụng để xem xét tuyển sinh như một trong các phương thức.

Đối với đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến, nhà trường định hướng rất rõ ràng về tiêu chí chất lượng khi luôn đánh giá về kịch bản sư phạm trực tuyến như một công cụ quan trọng. Kịch bản sư phạm trực tuyến phải là cơ sở để đảm bảo chất lượng của khóa học đáp ứng chuẩn đầu ra hay yêu cầu cần đạt. Tất cả phải đầu tư, chuẩn bị, tổ chức nghiêm túc và có hậu kiểm là điều cần tuân thủ.

Hơn nữa, các biện pháp khắc phục tính gián tiếp, thời gian kéo dài, ẩn mặt, ẩn danh… đều là các bài toán trường giao nhiệm vụ để các chuyên gia sư phạm kết hợp với chuyên gia công nghệ thông tin cùng giải quyết.

Hiện nay, với sự đầu tư rất hệ thống, vấn đề bồi dưỡng giảng viên của trường về nguyên tắc đánh giá, kỹ thuật và công cụ đánh giá theo ma trận đang được triển khai và tiến hành rà soát đánh giá từng học phần đến đánh giá toàn chương trình, nhất là dựa vào chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp trong cái nhìn so sánh.

Đây là tiêu điểm quan trọng mà trường rất đầu tư và quan tâm. Việc cho người học tự đánh giá, đối sánh với kết quả đánh giá của giảng viên và nhà tuyển dụng cũng là vấn đề trường đã thử nghiệm và sẽ đầu tư nhiều hơn.

Thực hiện yêu cầu này, trường cũng đã có kế hoạch số hóa toàn bộ văn bằng chứng chỉ trên hệ thống như một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo việc tra cứu, xác minh và quản lý hiệu quả như một minh chứng cho tính thật của trường trong quá trình phát triển…

Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tôn chỉ hoạt động của trường và là giá trị, ẩn trong triết lý giáo dục của trường. Đây cũng là thách thức với trường, nhất là trong công tác đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu sinh và các ngành đang có nhiều tiềm năng thu hút nhân lực chất lượng trong công tác đào tạo hiện nay.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh (Thực hiện)