Đấu tranh cho công lý, gặp án oan phải bán nhà đền thì cán bộ xin nghỉ hết?

12/08/2015 07:52
XUÂN QUANG
(GDVN)-"Người ta đấu tranh cho công lý, bây giờ gặp phải án oan, phải bán hết nhà cửa bồi thường thiệt hại, thì có mà họ xin nghỉ việc hết à?", ông Vũ Xuân Trường nói.

Án oan chủ yếu do lỗi khách quan?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 5/6/2015 cho biết, trong kỳ giám sát 3 năm (10/2011-9/2014), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó có 71 vụ án oan, chiếm 0,02%. 

Trong số các vụ án oan, cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện phạm tội.

Viện Kiểm sát các cấp đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp được tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng, không ít các vụ án oan sai xuất phát từ nhận thức pháp luật của người thực hiện thi công vụ còn hạn chế.

“Hầu hết các vụ án oan đã xảy ra hàng chục năm trở về

Đấu tranh cho công lý, gặp án oan phải bán nhà đền thì cán bộ xin nghỉ hết? ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Chấn được đền bù 7,2 tỷ đồng

trước. Thời điểm đó, luật pháp và trình độ người thực thi pháp luật có thể còn hạn chế... Do vậy nhận thức làm thế nào để chống oan sai còn ở mức độ nhất định.

Cho đến thời điểm hiện tại, với sự phát triển của hệ thống pháp luật, một số vụ án oan được phát hiện gần đây đều được xử lý gọn gàng. Tôi cho rằng đây là tín hiệu tốt...”, Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường, đoàn Nam Định, hôm 11/8, cho biết.

Cũng theo Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường, hầu hết các vụ án oan xuất phát từ lỗi vô ý: “Tôi cho rằng, đa phần người thực thi công vụ đều muốn hoàn thành trách nhiệm được giao.

Do vậy, người ta làm oan sai để được cái gì? Bản thân tôi cũng chưa gặp trường hợp nào cố ý làm trái để trục lợi”.

Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về nhà sau 10 năm ngồi tù oan sai (ảnh: Báo Đời sống và Pháp luật).
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về nhà sau 10 năm ngồi tù oan sai (ảnh: Báo Đời sống và Pháp luật).

Trong khi đó, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong bất kỳ một trường hợp nào (dù lỗi cố ý, hay vô ý) cũng cần làm rõ hành vi, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc để xảy ra án oan, sai, bởi hậu quả của nó gây ra là cực kỳ nghiêm trọng.

“Người gây ra oan sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì họ đã gây ra. Nhưng nghiêm trọng hơn, nó làm tổn thương lòng tin của người dân vào công lý. Do đó, cần phải xử lý nghiêm khắc đối tượng vi phạm”, Đại biểu Bùi Thị An gay gắt.

Bồi hoàn bao nhiêu là đủ?

Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện hành quy định, nếu người thi hành công vụ có “lỗi cố ý” gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì họ chỉ phải hoàn trả một khoản tiền tối đa không quá 36 tháng lương. 

Nếu họ có “lỗi cố ý” gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Còn trường hợp người thi hành công vụ có “lỗi vô ý” gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Thực tế, 3 năm trở lại đây, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định buộc người thi hành công vụ gây oan sai phải có trách nhiệm bồi hoàn. 

Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường, đoàn Nam Định (ảnhTrung tâm Báo chí, Văn phòng Quốc hội)
Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường, đoàn Nam Định (ảnhTrung tâm Báo chí, Văn phòng Quốc hội)

Về việc này, Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường cho rằng, việc xác định hành vi (cố ý hay vô ý) gây ra án oan là điều không đơn giản. Mặt khác, quy định về việc bồi thường oan sai còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

"Người ta đấu tranh cho công lý, bây giờ gặp án oan, phải bán hết nhà cửa bồi thường thiệt hại, cởi áo từ "quan", thì có mà họ xin nghỉ việc hết à?  

Do vậy, việc tính toán chính xác số tiền phải bồi thường cho người bị tổn thất không phải chuyện dễ. Việc quy định mức bồi hoàn án oan sai phải được bàn thảo, tổng kết, rút kinh nghiệm nhiều lần trong thực tiễn để đưa ra con số phù hợp nhất", Đại biểu Vũ Xuân Trường lưu ý.

Trong khi đó, Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, hiện nay, luật quy định về trách nhiệm bồi thường đối với người gây nên án oan, sai còn quá nhẹ so với những số tiền nhà nước đã bỏ ra để đền bù cho những người bị kết án oan, sai.

“Cá nhân, tổ chức trực tiếp liên quan tới vụ việc là người phải chịu trách nhiệm chính, cao nhất về vật chất, tinh thần đã gây ra đối với người bị kết án oan.

Nếu không làm rõ trách nhiệm người gây ra oan sai, rất dễ trở thành tiền lệ cho những án oan, sai phát sinh", Đại biểu Bùi Thị An nêu quan điểm.

Cũng theo Đại biểu Bùi Thị An, không thể dùng tiền thuế của nhân dân để thực hiện bồi thường án oan sai.

"Việc đền bù án oan sai không phải là chuyện hơi một tí là lấy tiền của nhà nước do dân đóng thuế ra mà chi trả. Như thế là không ổn.

Dân đóng thuế không phải để đền bù cho những thiệt hại do bản thân người có trách gây ra cho dù đó là lỗi vô ý hoặc cố ý.

Người nào gây ra hậu quả (oan sai) thì phải bỏ tiền túi ra đền bù đúng số tiền nhà nước đã bỏ ra chi trả cho người bị oan sai, để họ có trách nhiệm hơn với công việc", Đại biểu Bùi Thị An đề xuất.

XUÂN QUANG