Dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam |
Nếu không có được đức tính trung thực, khiêm tốn thì giỏi bao nhiêu cũng… hoài.
Tuổi nhỏ, tài cao nhưng dịch giả “nhí” Đỗ Nhật Nam luôn khiêm tốn, hòa nhã và lễ phép trong giao tiếp. Tại hội thảo “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?” vào đêm 23/3 và giao lưu, ký tặng sách cho bạn đọc ngày 24/3 tại Hội sách TP.HCM, Nam sẵn sàng chụp hình lưu niệm, làm quen, trò chuyện thân thiện và trao đổi email với mọi người. Nam là con một, có tố chất thông minh, sớm gặt hái nhiều thành công, bố mẹ có địa vị trong xã hội (bố Đỗ Xuân Thảo và mẹ Phan Thị Hồ Điệp cùng là giảng viên ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Nam hội đủ các “điều kiện” để… kiêu căng.
Tuy nhiên, bố mẹ đã chủ động ngăn ngừa từ lúc Nam còn bé. Theo bố Thảo, nguyên tắc giúp con thành công là rèn cho con phát huy 3T: tự lập - tự tin - tự trọng nhưng phải đối phó với “T” thứ tư là tự cao tự đại. Nếu không có được đức tính trung thực, khiêm tốn thì giỏi bao nhiêu cũng… hoài.
Khi Nam mới hai tuổi, mẹ Điệp đã kể cho con nghe mẩu chuyện ngụ ngôn về chú gà trống huênh hoang, tự đắc cuối cùng nhận những bài học đáng nhớ về tính khiêm tốn. Sau mỗi lần kể, mẹ không răn dạy con ngay mà đợi mấy ngày sau, khi câu chuyện “ngấm”, mẹ khơi gợi ở Nam những cảm nhận thực lòng của mình. Ở lớp, Nam hoàn thành chương trình học giống như các bạn mặc dù có thể trình độ Nam đã vượt xa bài giảng (nhất là môn tiếng Anh). Với những bài kiểm tra cũ, Nam thường đem ra tự chấm điểm lại, phê chi chít. Nam ít khi bằng lòng với những gì mình đã làm được. Nam chỉ nhìn vào những thứ mình chưa biết (là biển cả tri thức), chứ không nhìn vào những thành quả hữu hạn mình đã có được. Nam không bao giờ chê các bạn học dở mà chỉ đôi lúc buồn, thất vọng về ứng xử. Cách chọn bạn của Nam cũng rất vô tư, không nhất thiết phải là bạn học giỏi, chỉ cần đồng sở thích (yêu sách, quan tâm tìm hiểu máy bay, vũ trụ).
Là con một nhưng Nam không cho mình đặc quyền đặc lợi. Ở Hội sách TP.HCM, Nam tìm được một quyển sách ưng ý nhưng thấy giá quá cao, Nam mân mê nửa tiếng đồng hồ, không dám mở lời với bố. Bố âm thầm quan sát con từ xa, để con tự tiết chế nhu cầu của mình. Cuối cùng, Nam xin bố mua quyển sách “nguyện vọng hai” phù hợp với kinh tế gia đình. Đó cũng là phần thưởng cho Nam nhân ngày nhận kỷ lục lần thứ hai.
Theo anh Thảo, trẻ sinh ra không hề có sẵn tính kiêu ngạo mà phần lớn hình thành do cách sống của cha mẹ. Khi Nam thi TOEIC lần đầu chỉ đạt 470 điểm, nhiều người, kể cả mẹ em tỏ ý tiếc vì “sức học của con hơn thế” nhưng bố Thảo cứ khuyên: “Cuộc đời con còn dài rộng trước mắt. Nếu con cố gắng ôn luyện thì lần sau kết quả sẽ tốt hơn”. Nếu không nhờ thất bại ở lần đầu thì chắc chắn kết quả thi lần hai của Nam sẽ không đạt đến con số 940. Bố mẹ Nam thường nói: “Thất bại đôi khi cần hơn cả thành công”. Nhiều bố mẹ đứng trước thất bại của con đã đổ cho ban tổ chức hoặc dỗ ngọt con rằng “học tài thi phận”. Như thế, con sẽ không thấy “vai chính” là ở mình để nỗ lực phấn đấu. Áp lực thành tích, sự đố kỵ, ganh đua của cha mẹ cũng khiến con “thắng ảo, thắng bằng mọi giá”. Bố mẹ Nam không tự hào về điểm số của con mà quan trọng là con đã tiếp thu được gì. Khi Nam bị điểm thấp, bố mẹ không la mắng, cay cú, vì con không hoàn hảo nên đương nhiên có lúc sai sót. Chị Điệp nhắc đến một điều mà các bà mẹ dễ mắc phải là bao bọc thái quá (khiến con tự thấy mình là vũ trụ, không xem ai ra gì). Bên cạnh đó, khen ngợi, tâng bốc dễ gây ảo tưởng cho con về khả năng của mình. Bố Thảo, mẹ Điệp thường đóng vai ban giám khảo để đặt con đứng trước những câu hỏi đầy thử thách. Trò chơi này khiến con khắc sâu kiến thức và đặc biệt là không lơ là, chủ quan.
Nam từng phiên dịch ở các hội thảo về người khuyết tật cho Khoa Giáo dục đặc biệt nơi mẹ Điệp giảng dạy. Đi sâu vào từng hoàn cảnh, Nam cảm nhận mình thật may mắn. Từ đó, Nam cho rằng những thành công em có được không mấy to tát, lớn lao. Năm lớp ba, Nam từng từ chối cùng mẹ đi thăm, tặng quà cho các bệnh nhi. Mẹ Điệp không hiểu vì sao Nam lại không thích làm một việc tốt như thế khi Nam cũng đã tham gia hai mùa hè trước. Nam thầm thì với mẹ: “Con cảm thấy sự xuất hiện của mình chỉ khiến mẹ của các bạn bệnh nhi ấy thêm buồn tủi mà thôi. Con sẽ không đến nữa”. Mẹ Điệp giật mình trước ý nghĩ của con. Mẹ hiểu con tôn trọng người khác là do con có sự đồng cảm.
Để con “thắng không kiêu, bại không nản”, nhiều lúc bố Thảo phải giả mặt lạnh. Trước những thành công “vang dội” của Nam được bao nhiêu người trầm trồ, bố Thảo chỉ phán “được”. Có thể ở tuổi 11, Nam chưa hiểu hết về người bố khắt khe, lạnh lùng nhưng anh Thảo thấy điều đó cần thiết với con. Hai lần nhận kỷ lục, chẳng có bó hoa nào tặng cho Nam. Không phải bố mẹ tiếc tiền mua hoa mà bố mẹ tránh cho con không khí ầm ĩ, hào nhoáng. Bố mẹ đã chọn tên Nhật Nam đặt cho con vì bé là người Việt Nam nhưng được sinh ra ở Nhật. Lẽ khác, qua cái tên, bố mẹ mong con sẽ mãi là mặt trời mới mọc với tất cả vẻ tinh khôi, trong trẻo và ấm áp.
Theo PNO