Đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách nhà nước cho các Chương trình mục tiêu quốc gia

08/05/2023 16:31
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ủy ban Dân tộc cần tiếp tục làm rõ việc phân bổ vốn, giao vốn đã khớp với tiến trình, quy trình về việc phân bổ vốn hay chưa...

Ngày 8/5, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) được tích hợp từ 118 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế tổng cộng thành 10 dự án, 14 tiểu dự án và các nội dung chính sách thành phần.

Qua đánh giá, các dự án, tiểu dự án, nội dung chính sách thuộc Chương trình đã được xây dựng theo đúng quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế quản lý điều hành quy định tại các nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, đến giữa năm 2022, công tác phân bổ và giao vốn mới hoàn thành từ cấp Trung ương, do vậy, thời gian để các địa phương hoàn thành quy trình, thủ tục phân bổ, giao vốn, tổ chức thực hiện theo đúng quy định là rất ít.

Việc Trung ương bố trí vốn muộn so với thời hạn lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, các địa phương gặp khó khăn trong cân đối xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện Chương trình…

Luật Đầu tư công quy định về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm. Tuy nhiên, Luật Ngân sách Nhà nước không quy định cụ thể việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm.

Do đó, nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mới được giao năm 2022, chưa giao cả giai đoạn 2021 - 2025.

Địa phương không xác định được tổng thể nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và gặp nhiều khó khăn về xây dựng các dự án sử dụng vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình, nhất là việc lựa chọn, xác định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có vòng đời thực hiện trên 1 năm kế hoạch…

Các đại biểu cho rằng, Chương trình chia làm hai giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 với mục tiêu thu hẹp mức sống và thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước, phấn đấu 2030 cơ bản không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Đoàn giám sát đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, tổ chức giao ban hàng tháng, chủ động tổ chức hội nghị vùng, ban hành công điện đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình.

Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thúc đẩy thực hiện Chương trình, chủ động hướng dẫn, giải thích những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách của Trung ương liên quan đến việc thực hiện mỗi dự án, với từng nội dung cụ thể.

Đối với việc giải ngân, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, số liệu báo cáo cho thấy đã đạt 43,76% trong năm 2022 là khá cao.

Tuy nhiên, Ủy ban Dân tộc cần tiếp tục làm rõ việc phân bổ vốn, giao vốn đã khớp với tiến trình, quy trình về việc phân bổ vốn hay chưa, tiêu chí phân bổ vốn có gì bất cập hay không.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Dân tộc tích cực phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các văn bản hướng dẫn còn vướng mắc, tránh dẫn chiếu nhiều nhưng vẫn không đủ rõ.

"Thống nhất nhận thức là giảm thủ tục hành chính, không hướng dẫn lại nhưng phải cụ thể hóa được văn bản cấp trên, cố gắng ban hành cẩm nang hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn của các Chương trình mục tiêu quốc gia trong lồng ghép, phân cấp, phân quyền, điều chỉnh lại việc phân bổ ngân sách; đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước cho các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện cho được Công điện 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia...

Với Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải chủ động tham mưu, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khắc phục tình trạng phân bổ vốn cát cứ, manh mún giữa ba Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo TTXVN