ĐBQH: Đến 01/7/2023 mới tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu là chậm

24/10/2022 11:38
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cải cách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực hiện đang được nhiều ĐB quan tâm khi là 1 trong những giải pháp giữ chân công chức, viên chức ngành y tế, GD.

Chờ đến 01/7/2023 mới có hiệu lực là quá chậm

Trao đổi bên lề với phóng viên sáng ngày 24/10, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị bày tỏ: “Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều về tình trạng giáo viên nghỉ việc do “lương không đủ sống”. Vấn đề đó đến nay đã được giải quyết, bởi sẽ có điều chỉnh mức lương cơ sở.

Theo tôi, mức tăng như vậy trong bối cảnh kinh tế hiện nay là chấp nhận được. Tuy nhiên, để chờ đến ngày 01/7/2023 là quá lâu, bởi vì chúng ta đã quá chậm, chậm 3 năm nay do dịch bệnh.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh trao đổi bên lề với phóng viên, sáng ngày 24/10. (Ảnh: H.B).

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh trao đổi bên lề với phóng viên, sáng ngày 24/10. (Ảnh: H.B).

Vậy nên, đến thời điểm này, theo tôi, chúng ta nên điều chỉnh mốc áp dụng từ ngày 01/01/2023 sẽ hợp lý hơn, đồng thời, cũng nên tăng lương theo lộ trình phù hợp, chứ không thể để những gián đoạn, dẫn đến chậm như thời gian qua”.

Nhắc đến tình trạng thiếu giáo viên, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cho rằng: “Nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn như vừa rồi: “Ngành giáo dục quản lý rất nhiều, chỉ có 2 cái không quản lý, đó là biên chế và kinh phí”, thì đây cũng là một bất cập.

Bởi, ở thành phố, giáo viên nghỉ việc, nhưng lại có rất nhiều trường tư nên vấn đề nhu cầu giữa người dạy và học vẫn có thể ổn định. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa, thì thực sự rất khó".

“Từng công tác trong ngành giáo dục 9 năm, tôi rất trăn trở về vấn đề này: Làm thế nào để đủ biên chế giáo viên dạy, để có học sinh là phải có giáo viên đứng lớp, để đời sống của giáo viên phải đáp ứng được phần nào, chúng ta mới thực sự nâng cao được chất lượng giáo dục, mới không có tình trạng dạy thêm, học thêm...

Lộ trình tăng lương theo ngạch, bậc đã được tính toán từ rất lâu, tại sao chúng ta không sớm thực hiện?

Với lộ trình tăng lương như hiện nay, chỉ đáp ứng được một phần. Bởi từ nay đến 01/7/2023 còn rất lâu, sẽ còn “trượt giá”. Trong khi, chúng ta mới chỉ có chủ trương, thì bước ra chợ, giá đã tăng lên rất nhiều.

Chắc chắn, đời sống của cán bộ, công chức cũng chỉ là “có niềm vui trong con số”, chứ thực tế không cải thiện được bao nhiêu” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu quan ngại khi giáo dục có 16.000 người nghỉ/chuyển việc

Trước đó, cho ý kiến trong các phiên thảo luận tại Tổ ngày 22/10, về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân tích, đánh giá các nguyên nhân tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.

Trong phiên thảo luận ở Tổ 3, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế; tình trạng thừa - thiếu giáo viên ở các địa phương; đầu tư về cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực giáo dục…

Đại biểu Siu Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai bày tỏ sự lo lắng về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng, trong đó lưu ý tới ngành y tế và giáo dục.

Đại biểu Siu Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai bày tỏ sự lo lắng về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Siu Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai bày tỏ sự lo lắng về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng. (Ảnh: quochoi.vn).

Riêng đối với tỉnh Gia Lai, cho đến tháng 6/2022 đã có gần 400 cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc. Trong đó, ngành giáo dục có đến 125 viên chức và ngành y tế có 115 viên chức xin nghỉ việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hay chuyển sang khu vực tư nhân: “Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, khối giáo dục là 16.000 người, khối y tế là hơn 12.000 người.

Điều đáng lo ngại là trong một thời gian ngắn, chuyện nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại là điều không phải bình thường mà là một sự bất thường”.

Trước thực trạng trên, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ mà đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc nhiều, cần làm rõ có những nguyên nhân là do đâu? Ngoài nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc còn có những nguyên nhân nào nữa không?

“Bởi vì khi chúng ta đánh giá đúng, đủ nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp.

Còn nếu như chỉ dừng lại ở một góc độ là nguyên nhân chưa đầy đủ, đánh giá chưa hết thì chúng ta chưa có giải pháp đúng, trúng và căn cơ chiến lược cho giải quyết vấn đề này trong thời gian tới” - nữ đại biểu lý giải.

Thiếu giáo viên, giải ngân cho các hạng mục đầu tư cơ sở vật chất trường lớp còn chậm

Liên quan đến việc đầu tư cho giáo dục, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đề cập: “Hiện nay, trong ngành hiện còn thiếu nhiều giáo viên ở cấp học mầm non và phổ thông.

Việc giải ngân các gói hỗ trợ cho các hạng mục về đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất cho hệ thống trường lớp còn chậm nên nhiều địa phương còn thiếu trường lớp học, đặc biệt là ở các khu công nghiệp còn thiếu hệ thống trường mầm non”.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân các hạng mục đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt cho các địa phương để đầu tư cho hệ thống giáo dục.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại những hạng mục nào cần đầu tư, cần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, những hạng mục nào cần sự huy động, đóng góp của xã hội.

Cho ý kiến về tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nêu quan điểm: “Hiện nay, ở cấp tiểu học đang có tình trạng thiếu giáo viên các môn: Tin học và Tiếng Anh. Việc thiếu giáo viên không chỉ ở các tỉnh, thành phố lớn và còn xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa; huyện, xã đặc biệt khó khăn”.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nêu quan điểm. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nêu quan điểm. (Ảnh: quochoi.vn).

Trước thực tế trên, Đại biểu Tráng A Dương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra số liệu cụ thể, đánh giá và phân tích rõ tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Giải pháp tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn

Phát biểu thảo luận tại Tổ 7, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Nội vụ đã vào cuộc giải quyết câu chuyện biên chế cho ngành giáo dục cũng như ngành y tế và vấn đề chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức.

“Với sự quyết liệt của Bộ Nội vụ sẽ từng bước giải quyết được những vấn đề đặt ra…”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ tin tưởng.

Đại biểu cũng nêu vấn đề, hiện nay xu hướng dịch chuyển nhân lực từ khu vực này sang khu vực khác, đó là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường thì tiêu chí đặt ra ở đây là vấn đề môi trường làm việc, thu nhập. Đại biểu lưu ý, nên nhìn thấy việc cạnh tranh để có được nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các khu vực.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu thực trạng, đội ngũ giáo viên thiếu đang là thách thức đối với ngành giáo dục, đặc biệt là tình trạng thừa, thiếu cục bộ: “Thời gian gần đây, bên cạnh thiếu giáo viên do tinh giản biên chế, ngành giáo dục đang phải đối mặt với một câu chuyện khác, đó là tỉ lệ giáo viên nghỉ việc chuyển việc tăng nhiều, thậm chí là số lượng này đang chiếm số lượng chính trong trong tổng nghỉ việc chuyển việc chung chung của Nhà nước,…”.

Lo ngại về nguồn để tuyển bổ sung rất hiếm và có thể nói là không đáp ứng, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, cần có những giải pháp tức thì, có thể bằng Nghị quyết của Quốc hội hoặc là giải pháp khác để tuyển dụng ngay những giáo viên dưới chuẩn nhưng với một cam kết trong thời gian lộ trình từ nay đến năm 2030 phải bổ sung đầy đủ trình độ, đúng chuẩn.

Ngân Chi