Đề nghị kỷ luật bà Thoa là lời cảnh báo cho nhiều quan chức khác

08/07/2017 06:56
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Việc công khai vi phạm của cán bộ cũng làm tăng thêm sự hài lòng, tin tưởng của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng.

"Lời cảnh báo cho các cán bộ đương chức khác" 

Bình luận về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hôm 4/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, đây là lời cảnh báo cho nhiều cán bộ đương chức khác...

"Việc cơ quan có thẩm quyền công bố kết luận những vi phạm của bà Thoa trên phương tiện thông tin đại chúng cùng nhiều cán bộ khác, càng làm tăng thêm sự hài lòng, tin tưởng của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Điều này cũng thể hiện tính quyết liệt của Đảng ta trong

Đề nghị kỷ luật bà Thoa là lời cảnh báo cho nhiều quan chức khác ảnh 1

Còn điều gì băn khoăn khi đề nghị kỷ luật Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa?

việc xử lý nghiêm vi phạm của cán bộ, cho dù người đó giữ cương vị gì đi nữa. 

Đây còn là gương để giáo dục, răn đe, cảnh báo cho các cán bộ, đảng viên còn đương chức, đương quyền.

Tôi nhất trí cao và tôn trọng nguyên tắc làm việc của cơ quan kiểm tra trong việc đề nghị xử lý cán bộ này", Đại biểu Trương Minh Hoàng chia sẻ.

Vị Đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, Ban Bí thư sẽ là cấp đưa ra hình thức kỷ luật về mặt Đảng đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa...

"Chức vụ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa do Ban Bí thư quản lý. Do đó, theo quy trình, Ban Bí thư sẽ họp và ra quyết định kỷ luật với bà Thoa.

Nếu bà Thoa bị kỷ luật về mặt Đảng thì về mặt chính quyền sẽ có hình thức kỷ luật tương ứng.

Quyết định thi hành kỷ luật đối với người giữ chức vụ Thứ trưởng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Có trường hợp, bên nào phát hiện cán bộ vi phạm trước, bên đó sẽ làm (kỷ luật) trước. 

Nhưng thông thường tổ chức Đảng sẽ thực hiện kỷ luật cán bộ trước sau đó mới đến lượt chính quyền.

Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng. Ảnh: quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng. Ảnh: quochoi.vn.

Nếu trước đây bà Thoa từng bị kỷ luật mà nội dung kỷ luật đó trùng với vi phạm vừa được Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận thì sẽ không xem xét kỷ luật một lần nữa mà chỉ bổ sung, nói rõ thêm vi phạm (nếu có).

Nếu hình thức kỷ luật trước đây không có liên quan tới những nội dung vừa kết luận thì sẽ tiếp tục kỷ luật cán bộ.

Như vậy, một cán bộ có thể bị kỷ luật hai lần với hai nội dung khác nhau", Đại biểu Trương Minh Hoàng phân tích.

Tại sao không phát hiện vi phạm?

Được biết, những vi phạm của một số cán bộ cao cấp đã xảy ra cách đây khá lâu, nhưng tới nay cơ quan có thẩm quyền mới mới phát hiện được những vi phạm đó.

Về việc này, Đại biểu Trương Minh Hoàng lý giải: "Chúng ta đã có đầy đủ công cụ kiểm tra, giám sát cán bộ, nhưng phải nói thật, một số nơi chưa làm triệt để

Đề nghị kỷ luật bà Thoa là lời cảnh báo cho nhiều quan chức khác ảnh 3

Bà Hồ Thị Kim Thoa và nhiều lãnh đạo tỉnh thành có vi phạm lớn

vấn đề này.

Nguyên nhân có thể do tập thể đó chưa mạnh dạn đấu tranh với những vi phạm của cán bộ, hoặc bản thân người vi phạm khéo léo "che đậy" được hành vi của mình nên cơ quan có thẩm quyền không phát hiện được.

Do vậy, cơ quan chức năng, ngoài việc xử lý trách nhiệm cá nhân người vi phạm, cần phải xem xét trách nhiệm quản lý Ban cán sự Đảng, các cơ quan kiểm tra cấp cơ sở...

Phải xem xét lại quá trình thanh tra, kiểm tra như thế nào mà không phát hiện vi phạm?

Nếu tập thể - nơi cán bộ đó công tác, phát hiện vi phạm , nhưng vẫn làm ngơ thì phải xem xét trách nhiệm tập thể đó. Sai đến đâu phải xử lý đến đó", Đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị.

Bên cạnh những vi phạm của cán bộ, một số ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền chưa đề cập rõ tới chuyện chuyện thu hồi tài sản, bồi thường thiệt hại, của những người làm sai pháp luật.

Về việc này, Đại biểu Trương Minh Hoàng nhận định: "Đây là thắc mắc đúng. Nhưng, bản thân tôi cho rằng, kết luận của Ủy ban Kiểm tra rất dài, chi tiết và hết sức đầy đủ, nhưng người ta chỉ công bố tóm tắt những nội dung chính, ở phạm vi, chừng mực nào đó để dễ hiểu thôi.

Là cơ quan kiểm tra của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm đúng, làm đủ trách nhiệm, làm tới nơi, tới trốn, đúng người, đúng tội trong vụ việc này", Vị Đại biểu Quốc hội cho hay. 

Kiểm soát, giám sát quyền lực chặt chẽ

Từ những vi phạm của một số lãnh đạo cấp cao vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần đặt vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ hơn

"Tôi nhắc lại, hiện tại chúng ta đã có công cụ kiểm soát quyền lực để tránh hiện tượng cán bộ lạm quyền, vụ lợi.

Về mặt Đảng, chúng ta có cơ quan kiểm tra giám sát các cấp. Đối với chính quyền thì có thanh tra các cấp.

Bản thân cán bộ, đảng viên, người có chức, có quyền đều nằm trong khuôn khổ kiểm tra, giám sát.

Hàng năm chúng ta còn thực hiện đánh giá cán bộ, đảng viên, trong đó có việc tự phê bình và phê bình của mỗi cá nhân tại cơ quan, đơn vị công tác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. (Ảnh: Quang Định/Tuoitre.vn).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. (Ảnh: Quang Định/Tuoitre.vn).

Vấn đề đặt ra là, đơn vị quản lý cán bộ từ cấp cơ sở phải thực hiện đúng, đầy đủ chức trách của mình được giao thì sẽ không xảy ra tình trạng cán bộ lạm quyền để phục vụ lợi ích cá nhân (nếu có).

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đúng quy định cũng là cách thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong quá trình cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ví dụ, khi cán bộ kê khai tài sản, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường thì cơ quan quản lý phải đề nghị cán bộ giải trình. Nếu cán bộ đó giải trình không được thì phải xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, nếu khách quan, công bằng, làm đúng quy trình, quy định sẽ không có những trường hợp vi phạm tương tự đáng tiếc xảy ra", Đại biểu Trương Minh Hoàng nêu quan điểm.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)