Sau nghi án gian lận mức thu phí, mới đây chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ tiếp tục bị người dân phản ánh về tình trạng ép người dân qua trạm thu phí BOT để thu tiền.
Theo đó phản ánh đến cơ quan báo chí, nhiều người dân ở tỉnh xa về Hà Nội hoặc đi qua Hà Nội do không biết đường nên đi nhầm vào tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Cụ thể, nhiều phương tiện khi đi từ đường trên cao rẽ xuống do không biết đường đi nhầm vào đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Dù biết đi nhầm nhưng do đường cao tốc nên không thể quay lại nên nhiều người đi tiếp với hy vọng sẽ có lối ra.
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ - ảnh nguồn VietQ. |
Tuy nhiên khi di chuyển khoảng gần 10km đến trạm thu phí, lúc này các phương tiện buộc phải di chuyển qua trạm thu phí và trả phí với mức 35.000 đồng cho xe dưới 12 chỗ.
Khi qua trạm thu phí 5km, có lối rẽ thoát đường cao tốc, phương tiện tiếp tục phải trả mức phí 35.000 đồng, như vậy tổng cộng phương tiện phải trả thấp nhất là 70.000 đồng cho cả hai lượt.
Thực tế này khiến người dân bức xúc cho rằng: Nếu lỡ đi vào đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ kiểu gì cũng phải trả phí không có đường lui.
Từ đây người dân cho rằng, trên tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ phải có đường ra trước khi qua trạm thu phí hoặc đoạn đường cho phương tiện lùi xe trở lại và không thu phí nếu chẳng may đi nhầm vào đường BOT.
Trước phản ánh và đề xuất của người dân, trên góc độ người nghiên cứu giao thông, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết: “Phản ánh và thắc mắc của người dân hoàn toàn đúng, việc người dân đi nhầm đường và không có nhu cầu sử dụng đường BOT là chuyện bình thường, nếu không có đường ra, không có đường cho người dân lui xe thì rõ ràng đang ép người dân phải đi đường BOT và trả phí vô lý”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đáng nhẽ phải có chỉ dẫn cụ thể đường ra cho phương tiện hoặc có điểm cho xem lùi hoặc có đường riêng cho xe quay đầu nếu đi nhầm.
Nghi vấn thất thoát thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn toàn có cơ sởBiết BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được nhiều tiền cũng chẳng xử lý gì được? |
“Hiện tuyến cao tốc Trung Lương – TP.HCM thực hiện điều này tốt. Trước khi vào đường cao tốc có tính phí đều có chỉ dẫn cụ thể về tuyến đường và mức phí theo từng nhóm phương tiện.
Trên tuyến đường có ít nhất 2 điểm ở đầu tuyến đường cho phương tiện được lùi xe ra khởi đường BOT nếu đi nhầm. Tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ phải thực hiện như vậy”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Trở lại tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định: Trong khi nghi án gian lận khai báo mức thu phí chưa được làm rõ thì việc người dân phải trả phí vô lý khi không may đi nhầm vào tuyến đường này càng khiến dư luận bức xúc.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đề nghị, trước những nghi vấn của dư luận Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc thanh tra toàn bộ dự án.
Thứ nhất, thanh tra về tổng mức đầu tư, suất đầu tư của dự án. “Phải xem chi phí thực sự cải tạo nâng cấp tuyến đường có cao như vậy không, chi phí đầu tư liên quan đến mức phí và thời gian thu phí nên đây là mấu chốt vấn đề”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Thứ hai, thanh tra lại hệ thống thu phí có biện pháp giám sát kiểm tra lưu lượng phương tiện lưu thông qua các trạm thu phí để tránh việc nhà đầu tư gian lận.
Thứ ba, rà soát toàn tuyến về hệ thống biển chỉ dẫn, phải có hướng dẫn lối ra, chỗ lùi xe cho phương tiện đi nhầm và không muốn đi đường BOT.
Trước đó, theo kết quả kiểm tra, giám sát lưu lượng phương tiện qua các trạm thu phí BOT trên toàn tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trung bình một ngày các trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỉ đồng.
Số thu này cao hơn gần 600 triệu đồngso mức thu phí bình quân hàng ngày của các tháng trước đó do Công ty CP Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày).