Đẻ rơi trong nhà tạm giữ: 'Công an TP Hà Nội cần phải vào cuộc'

05/07/2011 22:37
(GDVN) - "Tôi đề nghị CATP Hà Nội phải vào cuộc, điều tra vụ việc và xử lý những hành vi sai phạm", bà Ninh Thị Hồng-Hội bảo về quyền trẻ em VN nói.

(GDVN) - “Tôi thấy biện pháp xử lý tạm giữ hình sự chị Lâm của cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh là không phù hợp. Tôi cũng đề nghị Công an TP Hà Nội phải vào cuộc, điều tra vụ việc và xử lý những hành vi sai phạm ở trong sự việc này. Xem xét cán bộ thi hành công vụ, đã làm đúng hay sai. Cần rút kinh nghiệm đến đâu, người nào làm việc gì, sai ở đâu thì cần xử lý nghiêm...”, bà Ninh Thị Hồng, nguyên Chánh thanh tra Ủy ban dân số gia đình & trẻ em, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban kiểm tra Hội bảo về quyền trẻ em Việt Nam (VAPCR) cho biết như vậy.

{iarelatednews articleid='6484,6422,6314,6259,6056,5855'}

"Chưa từng chứng kiến vụ việc nào như thế này"

Liên quan đến việc Công an huyện Đông Anh để xảy ra "sự cố" tạm giữ hình sự đối với chị Lê Thị Lâm (trong khi Lâm đang có bầu 37 tuần tuổi) và chỉ sau đó vài ngày thai phụ này phải đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ, bà Ninh Thị Hồng đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

PV: Là một người phụ nữ, một người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau, bà có cảm nhận như thế nào về sự việc này?:

Bà Ninh Thị Hồng: Qua thông tin của báo điện tử Giáo dục Việt Nam và các cơ quan thông tin khác, với tư cách là một người phụ nữ, một người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau, tôi thấy thật đáng thương cho hai mẹ con chị Lâm. Đặc biệt là cháu bé. Tôi cho rằng việc đẻ rơi con trong nhà tạm giữ đó chắc chắn sẽ không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, y tế cũng như an toàn tính mạng cho hai mẹ con.

Người phụ nữ đến ngày sinh nở, rất cần những môi trường có đủ điều kiện để đảm bảo cho việc sinh nở hoàn thành, đảm bảo tính mạng cho cả người mẹ và đứa trẻ.

PV: Bà có đánh giá như thế nào về toàn bộ sự việc đã xảy ra với Lâm và người nhà Lâm?

Bà Ninh Thị Hồng: Sau khi tiếp nhận thông tin và nghiên cứu toàn bộ vụ việc, tôi cảm nhận như thế này: Sự việc bắt đầu từ việc chị Lê Thị Lâm quan hệ với anh Trần Văn Quang. Anh Quang là người đàn ông đã có vợ. Như vậy đây là một mối quan hệ vi phạm quy định của Luật hôn nhân gia đình và Bộ luật Hình sự.

Bà Ninh Thị Hồng - Hội bảo về quyền trẻ em Việt Nam (VAPCR)
Bà Ninh Thị Hồng - Hội bảo về quyền trẻ em
Việt Nam (VAPCR)
PV: Có thể thấy hành động của một số người trong gia đình Lâm là mang tính bột phát, có phần nóng nảy và thiếu hiểu biết về pháp luật?
Bà Ninh Thị Hồng: Đúng vậy, có thể thấy cách xử xự của gia đình chị Lâm là chưa hiểu biết về pháp luật. Họ chỉ hiểu rất đơn giản rằng họ bảo vệ quyền lợi cho chị Lâm và đứa bé mà không biết rằng, trường hợp này nhà nước đã có quy định rất rõ ràng.
Trường hợp nếu là Lâm quan hệ với một người chưa có vợ, thì gia đình nhà Lâm đến đế nói chuyện phải trái với gia đình anh Quang xem hai người có đi đến hôn nhân được hay không?

Trường hợp này anh Quang đã có vợ rồi thì pháp luật cũng đã quy định rõ ràng rồi. Chị Lâm phải đẻ đứa bé ra, rồi sẽ tiến hành khởi kiện vụ việc, truy nhận cha cho đứa con và yêu cầu cấp dưỡng cho đứa trẻ.

PV: Như vậy, trong câu chuyện này, chị Lâm và những người nhà chị Lâm đáng thương hơn đáng trách?

Bà Ninh Thị Hồng: Trong câu chuyện này, sự hiểu biết pháp luật của những người liên quan và cách ứng xử của gia đình chị Lâm chưa được chuẩn xác.  

Đây là sự việc đáng tiếc và đáng thương. Việc không hiểu biết pháp luật dẫn đến hậu quả mà gia đình chị Lâm và bản thân Lâm phải gánh chịu đầu tiên. Bản thân chị Lâm có mang không có người chăm sóc, họ hàng, anh chị em thì bị khởi tố và bắt tạm giữ... và chính bản thân cả hai người phụ nữ đang có bầu là Lâm và Nguyễn Thị Hà cũng bị tạm giữ.

Trong sự việc này thì họ đáng thương hơn đáng trách. Đây cũng là bài học cho những gia đình khác. Tôi cũng rất ngạc nhiêm là vụ việc này xảy ra từ tháng 2/2011, mà mãi đến bây giờ chị Lâm mới lên tiếng. Và chỉ khi có báo chí lên tiếng thì mọi người mới biết. Không biết trước đó gia đình nhà chị ấy đã trình báo với cơ quan chức năng nào chưa?

PV: Từ trước đến nay Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã gặp phải sự việc nào tương  tự như sự việc này chưa, thưa bà?

Bà Ninh Thị Hồng: Từ trước đến nay Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã xử lý rất nhiều vụ việc, nhưng chúng tôi chưa thấy có một vụ việc nào có tính chất phức tạp và đặc biệt như vụ việc này. Chính vì vậy khi biết được vụ việc này, tôi cảm thấy rất bất bình.

Công an TP Hà Nội cần phải vào cuộc

Trở lại câu chuyện chị Lâm bị tạm giữ hình sự và đẻ rơi trong nhà tạm giữ, bà Hồng nhận xét: đối với Công an huyện Đông Anh, nếu như gặp phải trường hợp một người phụ nữ mới có bầu khoảng 2, 3 tháng nếu chỉ bằng trực giác thì các điều tra viên khó biết được. Nhưng ở đây, khi bị bắt tạm giữ hình sự, chị Lâm và chi Hà đang có bầu đến tháng thứ 7 và tháng thứ 9 rồi thì không lý gì lại không biết. Hơn nữa cơ quan ĐT còn xác định được rõ là chị Lâm đã có mang 37 tuần tuổi và chị Hà có mang 26 tuần tuổi.  

"Luật pháp nước ta đã quy định rõ về những việc này. Các điều tra viên và Thủ trưởng CQĐT khi quyết định tạm giữ hình sự với Lâm và Hà phải cân nhắc xem mình đã làm đúng với quy định của pháp luật hay chưa. Hơn ai hết, họ phải hiểu rõ điều này", bà Hồng nhấn mạnh.

"Chị Lâm có nhân thân rõ ràng, nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu… Về mặt chủ quan có thể thấy trong vụ việc "lùm xùm" giữa nhóm người nhà chị Lâm và anh Quang (vào tối hôm mùng 2 tết âm lịch) thì chắc chị Lâm cũng chẳng có sức lực đâu mà gây rối. Với người bụng chửa vượt mặt như Lâm thì chắc chị ấy cũng chỉ có sức đến được bệnh viện để đẻ thôi chứ chắc cũng chẳng làm hại được ai…".

Bà Ninh Thị Hồng bức xúc: "Tôi thấy biện pháp xử lý bắt tạm giữ hình sự chị Lâm của cơ quan công an huyện Đông Anh là chưa phù hợp. Tôi cũng đề nghị Công an TP Hà Nội phải vào cuộc, điều tra vụ việc và xử lý những hành vi sai phạm về mặt tố tụng. Xem xét cán bộ thi hành công vụ, CQĐT huyện Đông Anh đã làm đúng, hợp tình hợp lý hay chưa, cần rút kinh nghiệm đến đâu, người nào làm việc gì, sai ở đâu thì cần xử lý nghiêm.

"Luật pháp nước ta đã quy định rõ về những việc này. Các điều tra viên và Thủ trưởng CQĐT khi quyết định tạm giữ hình sự với Lâm và Hà phải cân nhắc xem mình đã làm đúng với quy định của pháp luật hay chưa. Hơn ai hết, họ phải hiểu rõ điều này", bà Hồng nhấn mạnh.

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn với một phụ nữ mang thai 37 tuần tuổi sau đó lại để người ta đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ là không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ và của đứa trẻ. Đây cũng là bài học mà Công an huyện Đông Anh phải rút kinh nghiệm sâu sắc”, bà Hồng nói.

Nhắc lại thời điểm khi chị Lâm đẻ rơi trong nhà tạm giữ của Công an huyện Đông Anh, chị Hà (chị dâu của Lâm) cầu cứu sự giúp đỡ của những cán bộ có mặt ở đó nhưng không nhận được sự giúp đỡ của ai. Bà Ninh Thị Hồng cho biết: Trong việc này, Công an TP Hà Nội phải điều tra làm rõ trách nhiệm của chiến sĩ nào có mặt trong ca trực hôm đó và vì sao lại không có biện pháp kịp thời giúp đỡ cho việc chị Lâm sinh con. Người nào nghe được tiếng gọi ấy mà lại thờ ơ vô trách nhiệm như vậy?.

Bài Ninh Thị Hồng khẳng định: “Trong sự việc cụ thể này Hội bảo vệ Quyền trẻ em sẽ có công văn gửi đến Công an TP Hà Nội và Công an huyện Đông Anh, Hội sẽ đưa ra chính kiến và đề nghị ngành công an phải xem xét sự việc này và trả lời, xử lý thấu đáo và rút kinh nghiệm trong những sự việc khác. Việc đầu tiên các cơ quan chức năng, cơ quan công an cần phải làm là tìm được đứa bé và tìm ra nguyên nhân mất tích của đứa bé. Bảo vệ quyền cho đứa trẻ". 

Chiều nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục chuyển tới quý độc giả trả lời của lãnh đạo Công an TP Hà Nội về sự việc có dấu hiệu sai phạm tại Công an huyện Đông Anh.
   
Tư Khương