Kiến nghị giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của trường cao đẳng đào tạo Y, Dược

17/04/2025 06:30
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu về chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, các trường cao đẳng y dược gặp phải nhiều thách thức khi thực hiện tự chủ tài chính.

Hiện nay, nhân lực trong ngành y tế đang thiếu hụt nghiêm trọng, cùng với sự bùng nổ của công nghệ và yêu cầu hội nhập quốc tế, các trường cao đẳng đào tạo khối ngành sức khỏe đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Trong đó có những yêu cầu từ việc đảm bảo tự chủ tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất, chuẩn hóa năng lực hành nghề theo các tiêu chuẩn mới, đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao trình độ ngoại ngữ, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đào tạo.

Những thách thức mà trường cao đẳng đào tạo khối ngành sức khỏe cần vượt qua

Trong hội thảo “Vị trí, vai trò của các trường cao đẳng y, dược trong đào tạo nhân lực y tế”, đại diện Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đã có chia sẻ tham luận về chủ đề: “Một số thách thức cho các trường Cao đẳng đào tạo khối ngành Sức khỏe trong giai đoạn tự chủ, hội nhập, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo”.

Theo đó, đại diện nhóm tác giả cho hay, “chuyển mình” vươn xa, hội nhập quốc tế, các trường cao đẳng cần vượt qua nhiều thách thức. Trước hết là thách thức về nguồn lực tài chính và cơ chế tự chủ chưa đồng bộ.

5.jpg
Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình có địa chỉ ở số 290 Phan Bá Vành - phường Quang Trung - thành phố Thái Bình. (Ảnh: website nhà trường)

Hiện nay, nguồn thu của các trường cao đẳng công lập phần lớn dựa vào ngân sách nhà nước và học phí, chỉ có một số ít trường tự chủ nhóm I và nhóm II, các chi phí thường không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị tiên tiến và đội ngũ giảng viên chất lượng cao.

So sánh với chi phí đào tạo điều dưỡng ở các nước thu nhập thấp (WHO, 2020) và các nước phát triển (OECD, 2023), nguồn thu học phí cho các trường tại Việt Nam còn hạn chế, trung bình từ 33 đến 78 triệu đồng/khóa học (3 năm). Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, chi phí đào tạo điều dưỡng ở các quốc gia có thu nhập thấp dao động từ 5.180 USD đến 19.794 USD (từ hơn 133 đến hơn 510 triệu đồng). Tại Trung Quốc, chi phí đào tạo điều dưỡng khoảng 3.000 USD (hơn 77 triệu đồng).

Đồng thời, cơ chế tự chủ tài chính chưa đồng bộ giữa các tỉnh, khu vực, trường chưa đồng bộ, dẫn tới chênh lệch chi phí đào tạo (từ miễn toàn bộ học phí đến thu học phí 2,8 triệu đồng/tháng) làm giảm tính cạnh tranh tuyển sinh và đầu tư đảm bảo tiêu chuẩn trang thiết bị tối thiểu và trang thiết bị hiện đại.

Hành lang pháp lý tự chủ tài chính cho các trường còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng các nguồn thu này cũng chịu sự ràng buộc của nhiều quy định, làm giảm tính linh hoạt của các trường.

Các trường cũng chưa được tự chủ mở ngành đào tạo trong khối ngành sức khỏe, một số ngành nghề phát sinh từ nhu cầu xã hội như Cấp cứu ngoại viện, Tâm lý lâm sàng chưa có mã nghề cấp IV.

Một thách thức đáng kể khác mà nhóm tác giả nêu ra là thiếu đầu tư dài hạn trong bối cảnh nhu cầu nhân lực y tế tăng cao. WHO ước tính thế giới thiếu hụt 5,7 triệu điều dưỡng vào năm 2030. Tại Việt Nam theo Quyết định số 869/QĐ-BYT phê duyệt "Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng 2050", mục tiêu đến năm 2030 đạt 33 điều dưỡng trên 10.000 dân, vào năm 2050 là đạt 90 điều dưỡng trên 10.000 dân. Như vậy, số lượng điều dưỡng cần bổ sung vào năm 2030 là hơn 200.000 người; năm 2050 là gần 900.000 người. Do đó cần có những chiến lược đầu tư dài hạn và hiệu quả vào các trường y dược để đáp ứng nhu cầu này, cả trong nước và quốc tế

Thứ hai là thách thức cho chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề. Việc triển khai kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuẩn hóa chương trình đào tạo, đảm bảo sự đồng bộ với chuẩn năng lực quốc gia.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc với kỳ thi cấp phép hành nghề điều dưỡng quốc gia (NNLE) cho thấy quá trình này đòi hỏi thời gian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình, đội ngũ giảng viên và ngân hàng đề thi.

Với việc tổ chức kỳ thi từ 2028, khóa sinh viên tuyển sinh 2025-­2028 là khóa sinh viên sẽ tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, cho đến nay các trường chưa nhận được hướng dẫn về tổ chức thi để có cơ sở điều chỉnh chương trình, chuẩn bị cho sinh viên tham dự kỳ thi từ Hội đồng Y khoa quốc gia.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ở một số trường chưa điều chỉnh đào tạo theo năng lực để đáp ứng kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề. Một số trường trên thế giới cần thời gian chuyển đổi 4-5 năm. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của dự án HPET, một số trường Cao đẳng Y tế như Thái Bình, Hà Nội, Bạch Mai, Quảng Ninh, Lâm Đồng... cần 3-4 năm để chuyển đổi từ chương trình đào tạo có cấu trúc sang chương trình đào tạo tích hợp theo năng lực.

Đáng chú ý, hiện nay, phương pháp dạy học chủ yếu vẫn là truyền thụ kiến thức một chiều, ít chú trọng phát triển năng lực tự học, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm cho sinh viên. Điều này không phù hợp với yêu cầu của đào tạo theo năng lực, vốn đòi hỏi sự tham gia tích cực của người học và các phương pháp sư phạm kiến tạo.

Việc đánh giá sinh viên chủ yếu dựa vào các bài kiểm tra lý thuyết truyền thống bằng thi viết, vấn đáp hoặc trắc nghiệm khách quan, chưa chú trọng đánh giá năng lực thực hành, kỹ năng lâm sàng và các năng lực mềm cần thiết bằng giải quyết các ca bệnh, thi trắc nghiệm bằng tình huống lâm sàng cho hành nghề y dược.

6.jpg
Các trường cao đẳng y, dược cần đổi mới chương trình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. (Ảnh minh họa: Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình)

Thứ ba, thách thức về chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo. Hạ tầng công nghệ thông tin tại nhiều trường còn yếu, thiếu các trang thiết bị và phần mềm hỗ trợ học, thi trực tuyến và mô phỏng y khoa hiện đại. Mức độ đầu tư vào chuyển đổi số cho các trường còn hạn chế.

Đồng thời, nhiều giảng viên và sinh viên chưa thành thạo trong việc sử dụng các công cụ và nền tảng công nghệ phục vụ cho giảng dạy và học tập, từ hệ thống quản lý học tập đến các phần mềm mô phỏng y khoa tiên tiến.

Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phần mềm, và đào tạo kỹ năng số đòi hỏi nguồn ngân sách đáng kể, trong khi nhiều trường đang gặp khó khăn về tài chính.

Thứ tư, thách thức trong thực hiện đề án tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Phần lớn sinh viên và giảng viên tại các trường có trình độ tiếng Anh chưa cao, gây khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu y khoa quốc tế, tham gia các hội thảo khoa học, và đặc biệt là cơ hội làm việc tại nước ngoài.

Theo WHO cho thấy khoảng 1/8 số điều dưỡng trên toàn cầu làm việc ở một quốc gia khác với nơi họ được đào tạo, nhưng Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội này một cách hiệu quả do rào cản ngôn ngữ. Dự thảo đề án tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 dự kiến đến năm 2035 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 và giảng dạy một số học phần bằng tiếng Anh đòi hỏi các trường có kế hoạch đào tạo giảng viên, sinh viên tích cực trong bối cảnh khó khăn về kinh phí.

Các khóa học tiếng Anh hiện tại trong chương trình đào tạo thường chưa tập trung vào các thuật ngữ y khoa chuyên ngành và các tình huống giao tiếp trong môi trường y tế. Thời lượng các khóa học này thường cũng còn hạn chế. Kinh nghiệm từ Philippines cho thấy việc đào tạo tiếng Anh chuyên sâu từ sớm là một yếu tố then chốt giúp quốc gia này trở thành một trong những nước xuất khẩu điều dưỡng hàng đầu thế giới.

Việc thiếu giảng viên có kiến thức chuyên môn về y dược và có trình độ tiếng Anh cao là một thách thức lớn trong việc triển khai hiệu quả đề án tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Thứ năm, chương trình đào tạo tại nhiều trường chưa xây dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ: WFME, ICN), gây khó khăn trong việc công nhận bằng cấp và trao đổi sinh viên, giảng viên. Các trường ít tham gia liên minh quốc tế, hạn chế trao đổi kiến thức và công nhận bằng cấp, chưa có nhiều giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy.

Thứ sáu, thách thức trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo. Ứng dụng AI trong đào tạo như mô phỏng thực tế ảo, học tập cá nhân hóa, đánh giá và phản hồi tự động, xây dựng ca bệnh, trắc nghiệm ca bệnh... đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cao ở nhiều quốc gia.

Các nghiên cứu cho thấy ứng dụng AI giúp nâng cao khả năng ra quyết định lâm sàng và kỹ năng giao tiếp của sinh viên, cung cấp một môi trường an toàn để thực hành, giúp sinh viên tự tin hơn khi chuyển sang thực hành lâm sàng thực tế, tự động hóa các nhiệm vụ như chấm điểm và theo dõi tiến độ, giúp sinh viên các vùng khó khăn tiếp cận được công cụ học tập tiên tiến, giúp giảng viên tạo ra các ca bệnh, rút ngắn thời gian làm MCQ ca bệnh với chất lượng tương đương giảng viên có kinh nghiệm xây dựng.

Ngoài ra, các trường chưa tích hợp AI vào giảng dạy, trong khi AI đang thay đổi ngành y tế và giáo dục. Việc thiếu giảng viên hiểu về AI và thiết bị hỗ trợ (như mô phỏng bệnh nhân ảo) cũng là rào cản với trường trường. Trong khi đó, việc đầu tư vào AI đòi hỏi kinh phí lớn, nhưng vẫn thiếu khung pháp lý về quyền riêng tư và sử dụng dữ liệu y tế an toàn.

Đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới

Từ những thách thức đó, đại diện Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đề xuất một số giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, thách thức của các trường cao đẳng y, dược trong bối cảnh tự chủ, hội nhập, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.

Với cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách đặt hàng các trường thông qua chỉ định hoặc đấu thầu, đề xuất với Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên có cơ chế cho các trường tham gia đấu thầu đặt hàng đào tạo tại các địa phương khác.

Đồng thời, cập nhật các mã nghề mới phát sinh từ nhu cầu xã hội. Có hướng dẫn cho mở các ngành, nghề chưa có trong danh mục.

4.jpg
Hoạt động thực hành tại Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình. (Ảnh: website nhà trường)

Với các trường cần đa dạng hóa nguồn lực tài chính và xây dựng cơ chế tự chủ đồng bộ. Theo đó, cơ sở giáo dục cần tìm kiếm các nguồn thu khác ngoài hoạt động đào tạo truyền thống như khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo liên tục. Đồng thời cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp đặt các trang thiết bị, mô hình hiện đại như hệ thống người bệnh ảo, thực hành mô phỏng...

Thành lập các trường vùng, trường trọng điểm có tính dẫn dắt, xây dựng chương trình đào tạo tích hợp theo năng lực, theo chuẩn quốc tế, chuyển giao cho các trường cùng khối đào tạo.

Xây dựng nội dung ôn thi và ngân hàng câu hỏi ôn thi kỳ thi đánh giá năng lực chung các trường trong toàn quốc để giảm nguồn lực, tăng hiệu quả và tăng năng lực các trường. Tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chung các trường.

Chia sẻ hạ tầng số: Thành lập mạng lưới chia sẻ tài nguyên số giữa các trường, như hệ thống quản lý học tập (LMS), phần mềm mô phỏng y khoa, và phòng máy tính.

Phát triển nội dung số chung: Các trường phối hợp xây dựng kho học liệu số (video bài giảng, ca lâm sàng mô phỏng), chia sẻ trên nền tảng chung để giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng đồng bộ.

Học hỏi quốc tế: Liên kết với các trường ASEAN (như Philippines) để học hỏi mô hình đào tạo theo năng lực và áp dụng vào kỳ thi hành nghề, đồng thời tích hợp công nghệ vào giảng dạy lâm sàng.

Trung tâm mô phỏng AI liên trường: Thành lập trung tâm AI chung, trang bị bệnh nhân ảo và hệ thống chẩn đoán thông minh, chia sẻ chi phí giữa các trường.

LÃ TIẾN