Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, Hội Đông y Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành toàn quốc phiên bất thường và Hội thảo khoa học nhằm đề xuất các phương pháp, phương thuốc, bài thuốc có hiệu quả để tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
Thời gian qua, thuốc cổ truyền cũng đã góp phần tích cực trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Phó Giáo sư -Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam. (Ảnh: Pháp Luật Plus) |
Qua thực tế điều trị và tổng hợp báo cáo của các y, bác sĩ trực tiếp theo dõi điều trị các ca mắc COVID-19 bằng thuốc cổ truyền của Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) gửi lên chi viện cho Bắc Giang đã cho thấy, sự phản hồi rất tích cực của các bệnh nhân khi sử dụng thuốc cổ truyền…
Với những kết quả đã đạt được, vào tháng 7 vừa qua, Hội Đông y Việt Nam đã có tờ trình gửi Bộ Y tế về việc đề xuất phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng Đông y.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19 giai đoạn này là hết sức cần thiết. Các phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh bằng Đông y có thể áp dụng hiệu quả khi điều trị bệnh nhân tại nhà hoặc tại các bệnh viện dã chiến, giảm áp lực cho các bệnh viện trong giai đoạn số ca bệnh nhân tăng lên mỗi ngày.
Phó Giáo sư Đậu Xuân Cảnh nhấn mạnh,cho đến thời điểm này, thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân COVID-19.
Đối với các đối tượng F0 chưa có triệu chứng, F0 có triệu chứng nhẹ và F0 có triệu chứng vừa, đây là giai đoạn mà y học cổ truyền tham gia điều trị mang lại hiệu quả.
Các phương pháp, bài thuốc đông y sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể người bệnh, loại các tác nhân gây bệnh ra ngoài cơ thể, góp phần hỗ trợ điều trị bệnh nhân khỏi bệnh hoặc không có diễn biến bệnh nặng thêm.
Giai đoạn vừa qua ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, y học cổ truyền đã tham gia tích cực vào quá trình phòng chống dịch COVID-19.
Có một số bệnh viện tham gia, trong đó có Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) đã chủ động vào cuộc, nghiên cứu đưa ra nhiều phương thuốc cổ truyền, ứng dụng hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh nhân COVID -19, góp phần phát huy thế mạnh của y học hiện đại kết hợp y học cổ truyền trong công tác phòng chống đại dịch.
"Từ thực tế đó, người ta đánh giá được, khi sử dụng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại thì tỉ lệ khỏi bệnh sẽ sớm hơn, đặc biệt các diễn biến bệnh của các đối tượng F0 không bị nặng thêm. Có thể thấy, kết quả ban đầu như vậy rất khả quan.
Thời điểm này, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang chung tay phòng, chống dịch COVID-19 bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại", bác sĩ Đậu Xuân Cảnh chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư Đậu Xuân Cảnh cho biết, Hội Đông y Việt Nam cũng mời Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị trực tuyến để nghe các nhà khoa học, thầy thuốc Đông y báo cáo về tiềm lực và kết quả công tác phòng chống dịch bệnh của đông y.
Đối tượng bệnh nhân mà Hội Đông y Việt Nam chăm sóc, điều trị hiệu quả là các F0 cách ly tại nhà hoặc nơi tập trung, bệnh viện dã chiến không có triệu chứng, có triệu chứng mức độ nhẹ và mức độ vừa; các đối tượng F1 và người bình thường.
Cụ thể các phương pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, Hội Đông y đã có bản hướng dẫn sử dụng y học cổ truyền phòng chống dịch COVID-19.
Sở Y tế Bắc Giang tiếp nhận một số thuốc và sản phẩm y học cổ truyền. (Ảnh: Bộ Y tế) |
Tờ trình của Hội Đông y nêu rõ, trong điều trị dịch bệnh COVID-19, Hội Đông y điều trị các bệnh nhân xét nghiệm realtime RT-PCR (dương tính), FO có triệu chứng lâm sàng nhẹ và vừa, hoặc không có triệu chứng lâm sàng. Các bệnh nhân này đang cách ly ở nhà hoặc ở các khu tập trung hoặc bệnh viện dã chiến.
Mục đích là điều trị bệnh nhân F0 khỏi bệnh, xét nghiệm realtime RT-PCR; Ngăn chặn bệnh nhân F0 diễn biến nặng; Phát hiện sớm các trường hợp nặng để chuyển đến điều trị cấp cứu sớm tại các bệnh viện Y học hiện đại, đảm bảo an toàn và giảm thiểu tử vong cho người bệnh.
Việc điều trị được thực hiện bằng thuốc Đông y. Thuốc này đã được chứng minh hàng ngàn năm về phòng chống ôn dịch trong Đông y, cũng như báo cáo lâm sàng điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang của Bệnh viện y học cổ truyền Bộ Công an.
Đối với hoạt động dự phòng mắc bệnh Covid-19, Hội Đông y chăm sóc những người F1 đang cách ly tại nhà, hoặc khu tập trung cùng những người có nguy cơ cao nhiễm SARS-COV2, nhằm ngăn chặn đối tượng F1, người có nguy cơ cao thành F0.
Phương pháp được áp dụng là các bài thuốc để nâng cao chính khí (tăng cường miễn dịch đối với F1), người có nguy cơ cao và các phương pháp xông (xông tinh dầu, nồi nước xông) để phòng bệnh.
Ngoài ra, Hội Đông y cũng chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho những người đang có sức khỏe bình thường nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể người bình thường (khả năng tự miễn dịch) để hạn chế thấp nhất người bình thường nhiễm SARS COV-2 mới từ cộng đồng và lây nhiễm từ các nguồn khác khi vô tình tiếp xúc nguồn lây.
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, công tác phòng chống dịch bệnh của đất nước đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng.
Đối với lĩnh vực y học cổ truyền, Bộ trưởng đã chỉ đạo rất sát sao về việc triển khai các biện pháp Y học cổ truyền tham gia phòng chống dịch bệnh Covid 19.
Theo đó, ngày 03 tháng 06 năm 2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 513/YDCT-QLY về việc cấp thuốc, sản phẩm y học cổ truyền và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị COVID-19. Trong đó, bao gồm hướng dẫn đánh giá hiệu quả điều trị của các thuốc, sản phẩm y học cổ truyền trong hỗ trợ điều trị COVID-19.
Tiếp đó là Công văn số 515/YDCT-VP ban hành ngày 03 tháng 06 năm 2021 về việc điều phối, cung cấp thuốc và các sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị COVID-19.
Đây được coi là bước cụ thể hóa công văn số 1306/BYT-YDCT ban hành ngày 17 tháng 03 năm 2020 về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền.