Tinh gọn không chỉ giúp trường ĐH tối ưu bộ máy mà còn giảm chi phí trả lương

24/02/2025 06:41
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo CSGDĐH, các đơn vị sau sáp nhập phải tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nâng cao tinh thần tự chịu trách nhiệm trong quản lý và triển khai nhiệm vụ.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, nhiều trường đại học đã tiến hành sáp nhập các khoa, phòng và cắt giảm đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng đào tạo.

Tinh gọn bộ máy hướng đến mục tiêu tự chủ đại học hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nghị quyết 18-NQ/TW ra đời là bước đi phù hợp với định hướng của nhiều trường đại học, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ. Việc số hóa dữ liệu không chỉ giúp giảm lao động thủ công, tinh giản bộ máy hành chính, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành.

Trong những năm qua, nhiều trường đại học đã thực hiện tự chủ, trong đó, tinh gọn bộ máy là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành. Điều này cho phép các trường tập trung nguồn lực vào phát triển nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, từ đó nâng cao năng lực trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Quá trình tái cấu trúc không chỉ giúp nhà trường đánh giá toàn diện về tình hình phát triển, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu mà còn tạo điều kiện để cải thiện môi trường làm việc”.

461253097144cf1a9655.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Thầy Quyền thông tin, đối với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, đẩy mạnh tự chủ không chỉ phù hợp với định hướng chung mà còn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thành sứ mệnh mà Bộ Tài nguyên và Môi trường giao phó.

“Theo lộ trình, đến năm 2026, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nâng mức độ tự chủ về tài chính lên mức 2 (tự chủ chi thường xuyên). Trong suốt giai đoạn vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà trường đã hai lần tiến hành tinh gọn bộ máy hoạt động, sáp nhập các đơn vị, đặc biệt là khối hành chính.

Quan điểm của nhà trường khi thực hiện tinh gọn bộ máy là mỗi đơn vị một nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm, đảm bảo không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, cơ quan. Thực tế cho thấy, tình trạng trùng lặp trong cơ cấu tổ chức không chỉ làm giảm hiệu suất vận hành mà còn gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tinh gọn không chỉ giúp tối ưu hóa bộ máy quản lý mà còn giảm chi phí chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Qua đó, nguồn lực tài chính sẽ được tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút nhân tài, cũng như đầu tư phát triển cơ sở vật chất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền nhận định.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình sáp nhập và tinh gọn đã được nhà trường triển khai trong 2-3 năm qua. Hiện, cơ cấu tổ chức của trường vẫn được điều chỉnh thêm để phù hợp với chương trình và ngành nghề đào tạo.

Nhà trường đã giảm số lượng đơn vị xuống 23, và sắp tới sẽ tiếp tục giảm xuống còn 18-19 đơn vị.

Ngoài ra, nhà trường tiếp tục đề xuất với Bộ phương án tái cơ cấu một số đơn vị, đặc biệt là các trung tâm chuyển giao tri thức và công nghệ.

“Hiện nay, nhà trường có 4 trung tâm, trong đó 3 trung tâm hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao tri thức và công nghệ. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong phát triển khoa học công nghệ phục vụ cộng đồng, nhà trường đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường phương án sáp nhập 3 trung tâm này thành 1 đơn vị duy nhất.

Việc hợp nhất thành một trung tâm chung thay vì ba đơn vị riêng lẻ sẽ giúp nhà trường tăng cường sức mạnh tổng hợp, mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao hiệu quả phục vụ cộng đồng. Trung tâm mới sẽ đảm nhận các nhiệm vụ trọng tâm như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo ngắn hạn và nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Quá trình sáp nhập và tinh gọn này nhận được sự đồng thuận cao từ lãnh đạo nhà trường và các đơn vị, kỳ vọng có thể đưa nhà trường phát triển bền vững trong giai đoạn tự chủ sắp tới”, thầy Quyền cho hay.

Tại Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc tinh gọn bộ máy theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được nhà trường quan tâm và triển khai từ khi có Nghị quyết 18-NQ/TW và đặc biệt là từ sau khi Trường Đại học An Giang trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

“Nhà trường đã đưa nội dung sắp xếp, tinh gọn bộ máy vào kế hoạch chiến lược phát triển của trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là việc làm thường xuyên và cần thiết, đặc biệt là đối với các trường trong lộ trình triển khai tự chủ nhóm 2,3. Nhà trường dự kiến sẽ hoàn thành công tác sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong quý I năm 2025.

Trước đó, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tổ chức lại một số đơn vị như: giảm 2 trong số 30 đơn vị đầu mối, giải thể 1 đơn vị năm 2023 và hợp nhất 2 đơn vị thành 1 đơn vị năm 2024. Ngoài ra, nhà trường còn triển khai việc tổ chức lại một số đơn vị khác theo hình thức điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo kế hoạch dự kiến, nhà trường sẽ giảm 4 trong số 28 đơn vị thuộc và trực thuộc. Đối với cấp bộ môn trực thuộc các khoa, nhà trường sẽ tổ chức, sắp xếp lại dựa trên tình hình thực tế. Việc sáp nhập sẽ theo hướng ghép các bộ môn có điểm tương đồng để nâng cao hiệu quả phối hợp, đồng thời giữ nguyên những bộ môn quan trọng, hoạt động tốt. Điều này không đồng nghĩa với việc cắt giảm số lượng môn học, mà chỉ là sự điều chỉnh trong cơ cấu tổ chức nhằm tối ưu hóa công tác quản lý và sinh hoạt học thuật. Việc tính toán tỷ lệ sắp xếp lại sẽ được thực hiện trên toàn trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng thông tin.

1_41.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết: Nhà trường đã thực hiện việc cắt giảm hơn 22% đơn vị đầu mối, từ 23 đơn vị, sau đó giảm xuống 18 vào tháng 4 năm 2022 và hiện nay còn 14 đơn vị.

Việc sáp nhập các khoa, phòng được thực hiện trên tinh thần chung là giảm đầu mối với mục tiêu mỗi đơn vị đảm nhận rõ ràng một chức năng cụ thể để giảm thiểu sự chồng chéo công việc giữa các phòng, ban”.

Tiến sĩ Phan Phiến nhấn mạnh rằng, quá trình tinh gọn bộ máy không đơn thuần chỉ là giảm số lượng đơn vị mà còn hướng tới tối ưu hóa hoạt động của nhà trường, nâng cao hiệu quả quản lý và phân bổ nguồn lực hợp lý hơn. Trong bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình theo hướng tự chủ và hội nhập quốc tế, việc tinh giản bộ máy sẽ giúp các đơn vị có thể hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của từng bộ phận trong nhà trường.

Đảm bảo yếu tố minh bạch và sự đồng thuận trong quá trình tái cơ cấu

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, mục tiêu của việc tinh gọn bộ máy là nâng cao hiệu lực, hiệu quả chứ không phải chỉ tính về mặt cơ học. Vì vậy, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị cần phải phù hợp với tình hình thực tế và chiến lược phát triển của nhà trường bên cạnh việc phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định của các cấp có thẩm quyền trong quá trình tổ chức lại.

Cụ thể, thầy Thắng cho biết: “Căn cứ vào tình hình hoạt động của các đơn vị và chiến lược phát triển, nhà trường đề ra chủ trương và tổ chức lấy ý kiến của tập thể đội ngũ quản lý để thống nhất trước khi xây dựng đề án tổ chức lại và lấy ý kiến tập thể về phương án cụ thể; sau đó thông qua cấp có thẩm quyền theo quy trình tổ chức lại đúng với quy định hiện hành. Đối với những nội dung chưa có sự thống nhất cao, nhà trường sẽ tổ chức họp và thảo luận nhiều lần để đi đến thống nhất phương án tối ưu nhất.

Trong đó, nhà trường ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chiến lược phát triển đã đề ra. Đồng thời, thực hiện những giải pháp đồng bộ như tăng cường năng lực tự chủ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý để phát huy tối đa năng lực của đội ngũ viên chức và người lao động. Các giải pháp này đã được đưa vào chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Mặt khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng cho rằng, việc thay đổi cơ cấu tổ chức mạnh mẽ và quyết liệt trong giai đoạn này cũng như các thay đổi khác chắc chắn sẽ gặp một số trở ngại ban đầu, bao gồm những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nếu nhà trường thực hiện quyết liệt và đồng bộ, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả trong tương lai.

Về phía Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền, nguyên tắc cốt lõi trong quá trình tinh gọn bộ máy là mỗi đơn vị phải có chức năng rõ ràng, không trùng lặp, đảm bảo mỗi đơn vị một nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, cơ cấu tổ chức phải phù hợp với chức năng của một cơ sở giáo dục đại học, nhà trường cần duy trì các lĩnh vực hoạt động cốt lõi như tài chính, đào tạo, khoa học – công nghệ và phát triển nhân sự. Việc sắp xếp lại tổ chức phải giúp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trong từng lĩnh vực này.

Blue and White Illustrative Marketing Plan Presentation.png
Hội thảo “Rà soát chiến lược phát triển Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2024, tầm nhìn đến năm 2035 và hướng đến tự chủ đại học”. (Ảnh: website nhà trường)

Sau khi sáp nhập, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình, đồng thời phát huy tinh thần tự chủ và tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý và triển khai nhiệm vụ, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của giáo dục đại học.

Quá trình sáp nhập cũng phải đảm bảo sự hài hòa và thống nhất trong toàn bộ hệ thống, tạo được sự đồng thuận giữa các đơn vị, đặc biệt là đội ngũ chuyên viên và lãnh đạo phòng, khoa. Việc thống nhất nhận thức và phối hợp chặt chẽ sẽ giúp quá trình triển khai diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Những nguyên tắc trên là cơ sở để nhà trường thực hiện tái cơ cấu một cách khoa học, hợp lý, hướng đến phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

“Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cam kết thực hiện quá trình sáp nhập các đơn vị một cách minh bạch, nhằm hạn chế phản ứng tiêu cực và ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhà trường đảm bảo duy trì nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Việc sáp nhập được thực hiện dựa trên góc độ chuyên môn để tối ưu hóa hoạt động, tránh gián đoạn công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các khoa có nội dung chuyên môn tương đồng đã được phối hợp và sáp nhập, đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo bùng nổ.

Nhà trường cũng đảm bảo đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học có đủ năng lực được quy hoạch hợp lý để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc sắp xếp, sáp nhập các phòng, đơn vị đã nhận được sự đồng thuận cao từ giảng viên, cán bộ quản lý và không gây xáo trộn lớn trong quá trình triển khai Nghị quyết số 18”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền bày tỏ.

Trong khi đó, nhằm đảm bảo quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy được diễn ra một cách minh bạch, hạn chế những phản ứng trái chiều, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa thông tin: Lãnh đạo nhà trường luôn nắm rõ tình hình hoạt động của các đơn vị, nhờ đó việc sáp nhập và tái cơ cấu được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả.

BCCCHC3.jpg
Tiến sĩ Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa. (Ảnh: website nhà trường)

"Quá trình này được triển khai thông qua những cuộc họp liên tục, với sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo và các đơn vị liên quan. Mặc dù việc điều chỉnh cơ cấu có thể ảnh hưởng đến một số cán bộ và nhân sự trong đơn vị, nhưng hầu hết thành viên tham gia đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cắt giảm đầu mối tổ chức nhằm tối ưu hóa hiệu quả công việc và tăng cường sự phát triển bền vững của nhà trường trong tương lai.

Do vậy, quyết định sáp nhập không chỉ được đồng thuận mà còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ toàn bộ đội ngũ, vì mục tiêu phát triển trường theo cơ cấu tổ chức mới, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu sự chồng chéo công việc và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ và hội nhập quốc tế”, thầy Phiến nêu quan điểm.

Phương Thảo